Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Sở hữu Thái Hòa và Kaity Nguyễn, liệu 'Hồn Papa Da Con Gái' có tạo nên kỉ lục phòng vé mới?

Được đánh giá là bộ phim "nặng ký" của điện ảnh Việt 2018, nhiều khán giả kỳ vọng 'Hồn Papa, da con gái' sẽ có được 'cú hit' doanh thu như người anh 'Em chưa 18' đã làm trước đó.

Là dự án phim điện ảnh của nhà sản xuất Em chưa 18 Charlie Nguyễn hợp tác cùng đạo diễn người Nhật Ken OchiaiHồn papa da con gái hứa hẹn là một bộ phim “nặng ký” của phòng vé dịp cuối năm khi mà hội tụ dàn diễn viên cực khủng và giàu tài năng: ông “vua phòng vé” Thái HòaKaity Nguyễn, Vân TrangChí Tài, NSND Hồng VânNSƯT Thành LộcKathy UyênHuy Khánh, Gi A NguyễnTrịnh ThảoTrang HýTuyền Mập

Poster chính thức của phim.

Hồn papa da con gái là bộ phim điện ảnh thứ 2 mà đạo diễn Ken Ochiai thực hiện tại Việt Nam, được Micheal Thai cùng Ken Ochiai chuyển thể từ tiểu thuyết nổi tiếng Papa to Musume no Nanokakan (7 ngày của cha và con gái).

Motif “hoán đổi thân xác” đã không còn xa lạ với khán giả.

Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của hai cha con Hải (Thái Hoà) và Châu (Kaity Nguyễn), là người một nhà nhưng giữa họ luôn tồn tại một khoảng cách lớn kể từ khi mẹ Châu (Mỹ Duyên) qua đời. Châu tuy mới 17 tuổi nhưng là một cô bé độc lập, luôn bị ám ảnh bởi hình mẫu của mẹ và muốn trở thành một diễn viên ballet tài năng giống bà.

Trong khi đó, Hải lại là ông bố nhu nhược, hay dựa dẫm con gái. Vì thế mà những hiểu lầm, mâu thuẫn nảy sinh ngày càng lớn trong mối quan hệ giữa hai người. Cho đến một ngày sau trận cãi nhau lớn, linh hồn người mẹ đã hoá thành bướm và chuyển đổi thân xác của hai cha con, kể từ đó, hàng loạt những rắc rối hài hước xảy ra khi người cha phải tập sống trong thân xác của con gái và ngược lại. Tuy nhiên, bất lợi đó cũng chính là cơ hội để hai cha con hiểu nhau và xích lại gần nhau hơn.

Nếu Châu là “bà cụ non” học lớp 12, đứng đắn, chỉn chu…

Thì Hải lại là người cha mãi không chịu lớn, còn ham chơi…

Có thể nói, motif “hoán đổi thân xác” đã không còn gì xa lạ với khán giả Việt cho đến thời điểm hiện tại và Papa to Musume no Nanokakan đã nhiều lần được chuyển thể thành phim trước đó. Tuy nhiên, điểm khéo léo của Hồn Papa Da Con Gái là đã được Việt hóa khá mượt với những hình ảnh quen thuộc như hình tượng của nữ sinh cùng tà áo dài trắng thướt tha đến trường, lễ nghi cúng giỗ hay trọng tình cảm gia đình và vai trò to lớn của người mẹ,…

Từ ngày mẹ mất, Châu vẫn không thể thoát được những quẩn quanh về chuẩn mực người phụ nữ từ mẹ mình: đoan chính, duyên dáng, chăm ngoan,… Ở cái tuổi 17, khi mà bạn bè cùng trang lứa còn vô tư, tự do bay nhảy, Châu đã tự “buộc” mình vào khuôn khổ, lấy mẹ làm hình tượng phấn đấu, cô bé luôn cố gắng ăn mặc đứng đắn, tập múa ballet thật đẹp, sử dụng mĩ phẩm của mẹ, giữ dáng để mang vừa váy mẹ và học tập thật chăm chỉ. Cô luôn cảm thấy phiền phức và bực bội trước tính cách trẻ con, có phần bê tha của cha mình. Mất mẹ, Châu như lạc lõng trong chính căn nhà của mình và mong mỏi có thể đi du học thật nhanh để chạy trốn khỏi cuộc sống mệt mỏi đó.

Châu muốn trở thành người giống mẹ.

Trái lại với con gái, Hải lại là người đàn ông phóng khoáng. Là con người của sáng tạo, Hải có “bản sắc” của riêng mình, sống theo cảm hứng và làm những điều mình thích. Ông luôn cố gắng tỏ ra thoải mái và thật vô tư với mong muốn có thể giúp con gái quên đi cái chết của vợ mình. Và Hải cũng không hài lòng về việc con gái cố tỏ ra thật giống mẹ một chút nào, ông mong con gái hãy sống thật và là chính mình hơn là bản sao của một ai khác. Nhưng ông lại không biết rằng, điều đó đã vô hình biến thành thờ ơ, vô trách nhiệm trong mắt con mình. Và hai cha con cứ dần xa cách nhau như thế.

Hải lại muốn con gái được là chính mình.

Kể từ khi cả hai bị biến đổi thân xác, mọi thứ đều đảo lộn hoàn toàn. Hàng loạt những rắc rối dở khóc dở cười diễn ra với các tình huống tréo ngoe khi họ phải sống trong cuộc sống của đối phương. Cô con gái thay đổi hình tượng vốn luộm thuộm, bê bối và tùy ý của cha thành người đàn ông chính chắn; vứt bỏ style lòe loẹt thường ngày bằng bộ comple tươm tất; kết thân với những nhân vật “một màu” ông vốn chán ghét trong công ty hay thậm chí là “phản bội” chí cốt, tự ý đổi idea công việc và giúp cha cô thăng chức - vị trí mà ông chẳng hề thích thú…

Cũng không thua kém gì con mình, ông Hải trong thân xác của Châu vẫn ăn tinh bột, hút thuốc, uống rượu, đi chơi với “người yêu cũ”, selfie khó đỡ, cúp học hay tự biến tấu cả phần trình diễn ballet mà Châu vốn kì công chuẩn bị trước đó thành trò cười “kungfu” trước toàn trường…

Cái hay của phim còn ở chỗ, thay vì tham lam đặt nhân vật vào hoàn cảnh lún sâu trong tình cảm nam nữ bên lề khiến mạch phim lỏng lẽo, Ken Ochiai chú trọng khai thác tập trung tình cảm gia đình, cô đọng, dễ hiểu nhưng không hề nhàm chán. Và, đằng sau những pha hài hước khó đỡ, Hồn Papa Da Con Gái khiến ta lắng đọng với thật nhiều suy ngẫm. Tôi rất tâm đắc với một câu nói thế này: “Hiểu họ như họ đang là chứ không phải như tôi nghĩ hoặc muốn họ là”.

Thật vậy, chỉ khi đứng ở vị trí của đối phương ta mới thật sự hiểu và cảm thông cho nhau. Từ đó mới nhìn nhận lại bản thân của mình, rốt cuộc, sau chừng ấy thời gian, mình hành xử như vậy liệu có hoàn toàn đúng như chính cái vị kỉ của mình vẫn nghĩ. Cứ thế, bộ phim không chỉ mang lại tiếng cười giải trí cho khán giả mà nó còn nhẹ nhàng truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, bài học về việc sống là chính mình, biết bao dung suy nghĩ cho người khác và học cách trân quý những gì mình đang có.

Trailer phim.

Hội tụ đủ các yếu tố từ diễn viên cho đến tính hài hước, giải trí, nhân văn Hồn Papa Da Con Gái hứa hẹn sẽ không để khán giả thất vọng khi xem trong dịp cuối năm này. Bộ phim sẽ có những suất chiếu sớm vào 26 - 27/12 và dự kiến khởi chiếu tại các rạp phim toàn quốc vào 28/12/2018.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Mỹ Khanh

Được quan tâm

Tin mới nhất