Xem qua trailer chính thức của Truyền thuyết về Quán Tiên.
Sau khi tình hình đại dịch COVID-19 đã trở nên dễ thở hơn tại Việt Nam, thì đón chờ khán giả ngoài các rạp phim là một tác phẩm vô cùng mới lạ có tựa đề Truyền thuyết về Quán Tiên. Được chuyển thể từ tác phẩm truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều, sản phẩm điện ảnh mới nhất được “đặt hàng” bởi Bộ văn hoá chứa đựng một câu chuyện riêng tư, ý nhị, nhưng vượt xa những gì khán giả có thể trông chờ từ một bộ phim thuần Việt.
Truyền thuyết về Quán Tiên lấy mốc thời gian vào năm 1967 tại cánh rừng Trường Sơn, ở đó có một chiếc hang bí ẩn tuyệt đẹp được quân đội trưng dụng làm quán nước dừng chân cho binh lính trên đường hành quân. Tại đó, ba cô gái trẻ gồm Mùi (Thuý Hằng), Phượng (Minh Khuê) và Tuyết Lan (Hoàng Mai Anh) cùng nhau sống và quản lý Quán Tiên, thay phiên nhau chăm sóc và chiêu đãi các anh bộ đội.
Tuy nhiên, những điều kỳ lạ bắt đầu xảy đến xung quanh các cô gái, sâu thẳm trong cánh rừng kia đang tồn tại một thế lực khiến nhóm “tiên nữ” nao núng và lo sợ, dẫn đến những quyết định thay đổi cuộc sống các cô mãi mãi. Như trailer đã giới thiệu, một con vượn hoang trong rừng đang gây phiền toái đến các cô gái, nhất là đối với Mùi. Chú ta rình cô tắm suối, làm ra những hành động khiếm nhã, dần dần khiến cô lo sợ và sinh sôi những cảm xúc phức tạp.
Câu chuyện giữa chú vượn và Mùi như một ngọn lửa nhỏ dần dần thiêu rụi bầu không khí ám muội và tươi đẹp của Quán Tiên, khi bừng lên trong mỗi cô gái sự quạnh quẽ cô đơn, hay cảm giác khao khát một bàn tay nam tính dẫn mình ra khỏi khói lửa bom mìn. Ba cô gái mang 3 nét cá tính khác nhau, song đều mang trong mình một trái tim trung trinh với tình yêu. Thế nhưng, cũng chính điều này đã đẩy cô và những người có liên quan đến tận cùng của đau khổ, đặc biệt là ở nơi trận địa tàn khốc.
Thế mạnh của Truyền thuyết về Quán Tiên là ở chính cốt truyện quá ư độc đáo, không hề có giới hạn. Xem phim, khán giả sẽ phải bất ngờ về sự bạo dạn và khai thác hết cỡ câu chuyện gốc vốn đã thuộc hàng siêu phẩm trong hàng ngũ văn học Việt Nam về đề tài chiến tranh. Ngoài ra, việc đề cập đến căn bệnh “ết-tê-ri” (hysteria – chứng cuồng loạn “đàn ông”) nhưng lại được thể hiện vô cùng khác biệt ở 3 cô gái, nhất là khi có sự xuất hiện của bộ 3 anh chàng gồm Ku Xê ít nói (Leo Nguyễn), Quỳnh (Lê Hoàng Long) lãng tử ôn nhu, và cậu chàng Thiệt (Trần Việt Hoàng) bị điếc nhưng thật thà chất phác.
Những lời hứa hẹn của Quỳnh khiến Phượng rơi vào bể tình thuần khiết của tuổi trẻ, còn sự xuất hiện của Ku Xê chính là thứ “thuốc phiện” giúp Tuyết Lan “giải toả” khỏi sự tra tấn ngọt ngào và đắng cay về thể xác và tinh thần. Còn với Mùi, không chỉ có Thiệt mà còn cả chú vượn đóng vai trò rất lớn để tình cảm và khát vọng bên trong cô gái đôi mươi biệt nữu này được bộc lộ trần trụi và rõ ràng nhất.
Bên cạnh cốt truyện đầy hứng thú và tuyến nhân vật được trau chuốt kĩ lưỡng, tựa phim chuyển thể của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ còn gây ấn tượng ở phần bối cảnh rừng xanh bạt ngàn phần lớn quay tại Quảng Bình, và cách thiết kế Quán Tiên thật sự hừng hực khí thế và tràn đầy cảm xúc. Thế nhưng, một điểm chưa ổn của phim lại đến từ phần kỹ xảo vốn chưa từng là thế mạnh của phim Việt. Tạo hình chú vượn vẫn còn khá “giả”, khiến cảnh tương tác giữa chú và Mùi đôi khi bị gượng ép.
Nhìn chung, Truyền thuyết về Quán Tiên là một tựa phim hấp dẫn và mới lạ đến bất ngờ mặc dù lấy đề tài về chiến tranh. Phim cũng có một số thay đổi nho nhỏ so với bản gốc, thế nhưng chắc chắn vẫn sẽ khiến khán giả, đặc biệt là những ai đã đọc qua bộ truyện phải bồi hồi và ngưỡng mộ vì cuối cùng, thị trường phim Việt đã có một tựa phim dám phá bỏ nhiều giới hạn và thật sự tròn trịa về hình thức lẫn nội dung.
Truyền thuyết về Quán Tiên chính thức công chiếu ngày 22/5/2020.