Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Review phim Pháp Sư Mù: Kỳ ảo, hài hước và thông điệp 'Luật nhân quả không chừa một ai'

Người xem có thể ít nhiều thất vọng nếu mang tâm lý đi xem "phiên bản điện ảnh của Ai chết giơ tay", nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ điện ảnh độc lập, bộ phim vẫn là một trải nghiệm điện ảnh đáng giá.

Từ thành công của web-drama Ai chết giơ tay, nam đạo diễn-diễn viên-biên kịch Huỳnh Lập bắt tay với đạo diễn Lý Minh Thắng để đưa lên màn ảnh rộng bộ phim điện ảnh Pháp sư mùTác phẩm điện ảnh kết hợp giữa thể loại hài hước, kinh dị, tâm linh được giới mộ điệu dành nhiều kỳ vọng, nhất là sau khi Thất Sơn tâm linh Bắc Kim Thang không thành công như mong đợi.

Huỳnh Lập không giấu diếm tham vọng với “Pháp Sư Mù”

Chuyện phim Pháp sư mù theo chân bộ ba bắt ma Tinh Lâm (Huỳnh Lập), Thụy Du (Quang Trung) và Thiên Thanh (Hạnh Thảo) trên hành trình lấy lại đôi mắt cho Tinh Lâm. Nguyệt Minh (Khả Như) đã đưa nhóm Tinh Lâm đến gặp cậu Út Quái (Đại Nghĩa) để tìm sự giúp đỡ. Không chút nghi ngờ, Tinh Lâm làm theo những bài tập luyện của cậu Út Quái rồi dần phát hiện ra hàng loạt bí ẩn đằng sau đôi mắt mình, cũng như các oan hồn, ma quỷ luôn rình rập xung quanh cả nhóm.

Bản thân Huỳnh Lập ngoài đời từng có thời gian “gặp gì cũng cúng”, giai đoạn này đã tạo cảm hứng cho nam diễn viên phát triển Ai chết giơ tay Pháp sư mù. Với phiên bản điện ảnh được đầu tư mạnh tay, Huỳnh Lập không giấu diếm tham vọng xây dựng một thế giới độc nhất của pháp sư, ma, quỷ, cô hồn… Ngay cả trường đoạn chiến đấu giữa phe chính diện-phản diện cũng khác biệt với những pháp thuật để trừ tà/sai khiến quỷ.

Kết hợp yếu tố hài hước, kinh dị và tâm linh vào cùng một câu chuyện không phải việc dễ dàng. Thêm vào đó, Pháp sư mù còn cùng lúc muốn làm bật lên thông điệp về niềm tin giữa người với người, tình yêu trắc trở, sự hy sinh, luật nhân-quả và lòng đố kỵ.

Riêng thông điệp về luật nhân-quả được nhấn mạnh hơn cả: “Thiện Căn ở tại lòng ta - Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Những thông điệp này được lặp đi lặp lại xuyên suốt bộ phim, thể hiện tinh thần của toàn tác phẩm nhưng cũng không quá hỗn độn hay mang tính giáo điều.

Hệ thống nhân vật phức tạp 

Đạo diễn Lý Minh Thắng vẫn luôn có cách riêng để xử lý hệ thống nhân vật đồ sộ của mình, và bộ phim Pháp sư mù cũng không ngoại lệ. Tác phẩm của Huỳnh Lập có nhiều tuyến nhân vật, mỗi nhóm nhân vật lại có liên kết riêng với nhân vật trung tâm là Tinh Lâm: từ bộ ba bắt ma, nhân vật phản diện, người chị Nguyệt Minh - những người tin vào tâm linh, pháp thuật; nhóm oan hồn, ma quỷ thân thiết với bộ ba bắt ma; cho đến người bà hay bác sĩ chữa mắt cho Tinh Lâm (Kiều Trinh Xíu) - các nhân vật thậm chí không tin vào chuyện tâm linh.

Nhưng sự tài tình của đạo diễn Lý Minh Thắng nằm ở chỗ mỗi nhân vật đều xuất hiện vừa vặn, không thừa không thiếu, mỗi người sở hữu nét tính cách và số phận riêng biệt, đồng thời làm bật lên một thông điệp riêng.

Giữ nguyên điểm mạnh trong Ai chết giơ tay, bộ ba bắt ma của Quang Trung, Huỳnh Lập, Hạnh Thảo vẫn tung hứng nhịp nhàng, chinh phục khán giả bằng nét diễn xuất tự nhiên và khả năng gây cười duyên dáng, gần gũi. Đặc biệt lần nàynam diễn viên Huỳnh Lập có cơ hội phô diễn diễn xuất nhiều chiều sâu hơn ở những cảnh quay nội tâm.

Nhưng điểm sáng của Pháp sư mù lại nằm ở tuyến nhân vật phụ như Nguyệt Minh, người bà bán vé số, bà An (Việt Hương) và con trai, bác sĩ chữa mắt cho Huỳnh Lập. Bên cạnh thông điệp về luật nhân quả và lòng đố kỵ, những nhân vật như bà An lại mang đến một câu chuyện khác. Vốn là người mê tín, bà dốc lòng “tích đức”, làm việc thiện để có được may mắn, bình an, nhưng đối với những người thân thiết như mẹ hay con trai, bà An lại bỏ bê, không quan tâm. Nghịch lý này đã tạo nên tiếng cười châm biếm và các cá nhân giống bà An cũng không xa lạ ở ngoài đời thật.

Kịch bản dễ đoán 

Tuy vậy, sự ôm đồm trong kịch bản khiến khán giả cùng lúc phải tiếp nhận quá nhiều thông tin và câu chuyện. Từ hành trình lấy lại đôi mắt, lòng tin giữa người với người, những âm mưu âm hiểm vì lòng đố kỵ, tình yêu hiện tại đến tình yêu tiền kiếp, bộ phim Pháp sư mù trở nên vừa rối rắm lại vừa dễ đoán. Nhiều tình tiết được đưa ra nhưng bị bỏ lửng giữa chừng gây hoang mang cho khán giả.

Bên cạnh đó, cách lý giải về căn bệnh ở mắt của Tinh Lâm, vấn đề đốt túi nilon đậm tính thời sự hay việc Phước bị bắt vì sử dụng chất cấm cũng gây nhiều tranh cãi. Những tình tiết này có vẻ lệch lạc so với nội dung toàn bộ phim. Tuy nhiên không thể phủ nhận rằng, “cú bẻ lái” như vậy là cần thiết đối với các bộ phim như Pháp sư mù, Người bất tử, Thất Sơn tâm linh để được ra rạp toàn vẹn.

Nhìn ở một khía cạnh khác, cách giải quyết này thậm chí được xem là sáng tạo và thông minh so với viễn cảnh bị cắt hay chắp vá nội dung chồng chéo như một số bộ phim kinh dị khác.

Nhìn chung, Pháp sư mù là một tác phẩm chỉn chu, đáng xem của màn ảnh rộng Việt Nam nửa cuối năm 2019. Người xem có thể ít nhiều thất vọng nếu mang tâm lý đi xem “phiên bản điện ảnh của Ai chết giơ tay”, nhưng nếu nhìn nhận ở góc độ điện ảnh độc lập, bộ phim vẫn là một trải nghiệm điện ảnh đáng giá khi táo bạo khai thác đề tài kinh dị, hài hước và tâm linh cùng một lúc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Grassie

Được quan tâm

Tin mới nhất
VietNam Future Fashion Show - MoonLight: Một Đêm Thời Trang Thăng Hoa