*Bài viết có tiết lộ nội dung phim, độc giả cân nhắc trước khi đọc.
Sau một Train to Busan được mệnh danh là tuyệt tác của cảm xúc, khán giả đặt nhiều kỳ vọng vào phần hậu truyện Peninsula. Bản thân tác phẩm này cũng chịu nhiều áp lực khi phải nâng tầm kịch bản để tạo dấu ấn riêng, đồng thời giữ được tinh thần vốn có của thương hiệu.
Không cố để tạo nên một Train to Busan thứ hai, đạo diễn Yeon Sang-ho đã đem đến cho Peninsula một cái “lõi” khác hẳn. Đó là hành động, là sự điên loạn và cả sự hoang tàn của thế giới hậu tận thế. Chúng giống như các mảnh ghép được sắp xếp vô cùng thuyết phục vào bối cảnh Hàn Quốc sau những gì diễn ra từ phần đầu tiên.
Peninsula lấy bối cảnh 4 năm sau các sự kiện của Train to Busan và đạo diễn đã có cách dẫn dắt câu chuyện tương đối dễ chịu và hợp lý. Cảnh mở đầu không chỉ làm tốt việc kết nối hai phần phim mà còn đưa ra những mâu thuẫn trong nội tâm nhân vật, làm tiền đề cho suy nghĩ, hành động và cả những biến chuyển của họ sau này.
Nhân vật chính của phim là chàng cựu quân nhân Jung Seok (Kang Dong Won). Sau khi trốn thoát khỏi đại dịch và lưu lạc nơi xứ người, anh được thuê trở lại quê hương để thực hiện một nhiệm vụ cảm tử với khoản thù lao hậu hĩnh. Thoạt tiên khán giả sẽ nghĩ ngay rằng cách đặt vấn đề này đúng là…có vấn đề thật. Bởi dù có tham đến đâu cũng chẳng ai dám đâm đầu vào một chỗ đầy rẫy nguy hiểm và cầm chắc cái chết như vậy. Nhưng đạo diễn đã biến cái vô lý đùng đùng ấy trở nên hợp tình hợp lý, thậm chí còn khơi gợi được sự cảm thông từ người xem.
Yếu tố tác động đến tâm lý đã có nhưng với những ai khó tính thì rõ ràng là chưa thực sự đủ sức nặng. Có lẽ thời lượng không có phép phim khai thác sâu hơn nên chỉ có thể chọn cách đề cập trong thoáng chốc và chờ đợi cách phản ứng của nhân vật.
Chất hành động chắc chắn là một trong những điểm mạnh nhất của Peninsula. Nếu như từng ca thán rằng cảnh đánh đấm của Train to Busan chẳng thấm vào đâu thì sang đến Peninsula bạn sẽ được chiêu đãi bằng rất nhiều trường đoạn gay cấn đến nghẹt thở. Tính giải trí của những phân cảnh rượt đuổi này là cực kỳ cao nên mặc dù có “ảo tung chảo” đến đâu thì khán giả vẫn sẽ vô cùng thỏa mãn.
Tuy nhiên vì quá thiên về hành động nên chất kinh dị của Peninsula bị giảm sút đáng kể. Zombie trong phần này không còn là trung tâm của vấn đề nữa mà chỉ còn làm nền cho cuộc chiến của con người. Với diễn biến câu chuyện phần lớn về đêm nên khán giả không còn được chứng kiến tạo hình ghê rợn, máu me của chúng nữa và đây là điều khá đáng tiếc.
Bên cạnh đó Peninsula còn áp dụng một vài tiểu xảo, góc máy tương tự Train to Busan. Bản thân trong phim cũng có nhiều cảnh na ná nhau dễ khiến người xem cảm thấy nhàm chán và không còn nhiều bất ngờ.
Đáng ngạc nhiên ở Peninsula chính là tuyến nhân vật phụ hoàn toàn áp đảo so với nhân vật chính của Kang Dong Won. Điều mà khán giả nhớ nhất về Jung Seok có lẽ chỉ dừng lại ở việc anh thay đổi ra sao khi kết thúc chuyến hành trình. Còn xét về tính cách thì chắc chắn không thể ấn tượng bằng những nhân vật còn lại.
Nhưng Jung Seok lại chính là “mồi lửa” hoàn hảo để tạo nên cái kết đầy cảm xúc cho Peninsula. Mạnh về hành động nhưng phim không bỏ quên yếu tố đã làm nên thành công vang dội của phần đầu tiên. Giống như Train to Busan, Peninsula kết thúc trong sự giằng xé, đau đớn nhưng không kém phần duy mỹ nhờ hiệu ứng âm thanh và hình ảnh đẹp xuất sắc.
Peninsula – Bán Đảo chính thức khởi chiếu từ 24/7/2020.