Phim Ảnh

Review 'Brahms: The Boy 2': Liệu đã xứng đáng làm Annabelle phiên bản nam?

Nguyễn Trần Đăng Khoa
Chia sẻ

Sẽ không ngoa nếu nói, Brahms: The Boy 2 đang là bộ phim kinh dị hấp dẫn nhất tại phòng vé ở thời điểm hiện tại

Sau 4 năm, cuối cùng thì các fan của thương hiệu Brahms cũng đã có cơ hội được tái ngộ búp bê búp bê sứ này trên màn ảnh lớn, và lần trở lại này của Brahms sẽ mạnh mẽ mà đáng sợ hơn bao giờ hết.

Brahms: Cậu bé ma 2 là phần tiếp theo của phim kinh dị về một con búp bê bị ma ám được ra mắt vào năm 2016. Dù năm nay bộ phim có sự tham gia diễn xuất của dàn diễn viên hoàn toàn mới, nhưng William Brent Bell vẫn là cái tên được chọn để làm đạo diễn.

Cốt truyện không quá mới lạ

Câu chuyện xoay quanh một gia đình 3 người từ bỏ cuộc sống nhộn nhịp ở thành phố sau khi họ bị một nhóm cướp tấn công tại nhà. Đó cũng chính là sự kiện đánh dấu mọi thứ, khi người mẹ bị sang chấn tâm lý và không thể nào ngủ ngon mỗi đêm, còn đứa con trai duy nhất của họ quyết định sẽ không nói chuyện với bất kì ai nữa. Cậu bé luôn mang theo bên mình cuốn sổ, và viết lên đó chính là cách mà cậu giao tiếp với mọi người. Sau khi gia đình chuyển ngôi nhà mới gần biệt thự Heelshire, cậu nhóc đã vô tình nhặt được một con búp bê bằng sứ bị chôn vùi trong rừng, kèm theo đó là cả một thùng đồ để có thể thay cho con búp bê. Brahms chính là cái tên mà cậu bé đặt cho con nó, hay chính xác hơn, là con búp bê đã thì thầm cho cậu tên của nó.

Kể từ khi cậu nhóc mang Brahms về nhà, những sự kiện kì lạ bắt đầu xuất hiện. Những món đồ tự dưng di chuyển một cách lì lạ, những tiếng bước chân, những tiếng thì thầm, luôn hiện hữu trong chính ngôi nhà nhỏ của gia đình đáng thương. Dần dần, những mảnh ghép được đưa vào vị trí của nó, và bí ẩn của con búp bê lẫn những câu chuyện xoay quanh căn biệt thự của gia đình Heelshire được hé lộ. Những cái chết man rợn và thảm khốc sẽ được giải mã, và các nhân vật trong phim sẽ phải cố gắng hết sức để có thể thoát được số phận tương tự.

Hình ảnh đẹp nhưng âm thanh chán và jump-scare cũng chán không kém

Nói về khâu hình ảnh, thứ mà Brahms: The Boy 2 mang đến thật sự xịn xò. Có vẻ như sau 4 năm, đạo diễn William Brent Bell đã có rất nhiều sự tiến bộ. Từng góc quay hay cách bài trí các vật dụng trong phòng thật sự khiến người xem phải lạnh sống lưng. Một khung cảnh rùng rợn được khắc họa vô cùng rõ nét cùng tông màu u tối, và bất kì ai yếu tim sẽ chẳng thể nào ngồi xem mà không có sự đề phòng.

Tuy nhiên, nếu xét về khâu âm thanh, thì có vẻ như phần tiếng của các nhân vật vẫn chưa được hoàn thiện. Trong những phút đầu phim, phần lồng tiếng dẫu đã khớp với khuôn miệng của diễn viên, nhưng với những ai tinh ý sẽ nhận thấy ngay được bề nổi của phần tiếng, tạo cảm giác khá khó chịu. Ngoài ra, hiệu ứng trong những pha jump-scare cũng rất chán. Tất cả những người khán giả được trải nghiệm chỉ là một tiếng động lớn thật lớn làm họ thật mình, và điều đó chỉ có tác dụng trong nửa đầu phim, còn nửa sau thì Brahms cần phải học nhiều thứ mới hơn để có thể hù được người xem.

Mà nhắc đến jump-scare, thì thật sự làm Brahms 2 vẫn chưa đủ…phê. Không hề có những hình tượng ghê rợn như trong vũ trụ The Conjuring, mà Brahms 2 chỉ có một vài pha hù là chất lượng, còn lại, như đã nói ở trên, chỉ là âm thanh thật to để khiến khán giả nhảy dựng, trong khi thứ mà các fan của thể loại phim này mong đợi chính là…tùm lum thứ nhảy ra từ màn hình.

Khán giả nên xem phần đầu trước khi đến rạp

Brahms: The Boy 2 có giải thích tất cả mọi thứ trong xuyên suốt thời lượng phim của mình, nhưng lời khuyên là các fan vẫn nên xem trước phần đầu trước khi đến rạp. Với việc biết qua về con búp bê sứ cũng như căn biệt thự nhà Heelshire, khán giả sẽ hiểu rõ hơn về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ, vì dù sao đi nữa thì phần 2 này cũng được liên kết trực tiếp với phần đầu.

Nhưng có một sự thật khá đáng tiếc, đó là phần 1 có vẻ như vẫn hấp dẫn hơn. Câu chuyện của 4 năm trước hoàn toàn giữ được nét bí ẩn trong con búp bê, mà dường như mọi chuyện đều được giải thích một cách vô cùng logic. Tuy nhiên khi đến với Brahms 2, yếu tố siêu thực đã được đan xen vào xuyên suốt các sự kiện ở hiện tại và cả quá khứ. Những tưởng, điều này sẽ “buff” độ li kì, nhưng bằng cách nào đó, nó lại chẳng thể lấp dẫn như người tiền nhiệm.

Brahms vs Bell?

So với Annabelle của vũ trụ điện ảnh kinh dị The Conjuring, dù Brahms không thể nào nhây bằng chị Beo, nhưng cảm giác mà nó mang đến là hoàn toàn khác. Khi nhắc đến Annabelle, các fan sẽ nghĩ ngay đến một thế lực vô cùng to lớn, đen tối và hùng mạnh, luôn khao khát chế ngự và chiếm hữu một cơ thể nào đó. Còn đối với Brahms, thứ mà hắn cần chỉ là một ai đó để chơi cùng, để bầu bạn và để ở bên nó mãi mãi. Nếu Beo xuất hiện trên màn ảnh với nguồn sức mạnh đáng sợ, thì Brahms lại chọn cách tiếp cận nhẹ nhàng, huyền bí và lạnh lẽo hơn rất nhiều. Chính điều này đã tạo sự tò mò và rùng rợn đặc trưng cho con búp bê bằng sứ.

Tạm kết

Dù vẫn còn kha khá những hạt sạn và vẫn chưa thể vượt qua được cái bóng của người tiền nhiệm, nhưng Brahms: The Boy 2 vẫn là một sự lựa chọn tuyệt vời đối với những ai không quá khó tính về tiểu tiết. Bộ phim vẫn hội tụ đầy đủ những yếu tố mà một tác phẩm kinh dị cần có.

Bộ phim sẽ chính thức được công chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 21/2.

Trailer phim The Boy 2

Chia sẻ

Bài viết

Nguyễn Trần Đăng Khoa

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất