Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

‘Ready Player One’: Steven Spielberg không hổ danh là bậc thầy của những chuyến phiêu lưu kỳ vĩ

"Ready Player One" (Đấu trường ảo) lấy bối cảnh tương lai điêu tàn năm 2045, khi cả thế giới đang đắm chìm vào trò chơi thực tế ảo với tựa đề OASIS.

Bộ phim Ready Player One (Đấu trường ảo) là câu chuyện xoay quanh chàng trai trẻ Wade Owen Watts (Tye Sheridan thủ vai) cùng với người bạn Aech (Lena Waithe) trên hành trình tìm kiếm các Easter Egg được cất giấu bởi người sáng lập OASIS James Halliday (Mark Rylance). Người chơi nào tìm được tất cả các Easter Egg sẽ được thừa kế mớ tài sản kếch xù và quyền điều hành đế chế game khổng lồ do James Donovan Halliday để lại sau khi ông qua đời. Wade là một “gunter” hoạt động riêng lẻ và sử dụng tên gọi Parzival để tham gia trò chơi. Ngoài việc phải chạm trán với những “gunter” khác có cùng mục tiêu thì Wade còn phải đối đầu với tập đoàn địch thủ IOI và cô nàng “gunter” bí ẩn Art3mis (Olivia Cooke).

Có rất nhiều tình tiết xảy ra ở Ready Player One và khán giả có thể dễ dàng cảm nhận sự căng thẳng xuyên suốt mạch phim. Trong đó có rất nhiều khoảnh khắc khi một chi tiết nào đó được cố tình lặp lại hai lần một cách khó hiểu, ví dụ như cái chết của bố mẹ Wade chẳng hạn. Nhưng Spielberg vẫn truyền tải thành công bức tranh về thế giới kỳ ảo OASIS nên những chi tiết dư thừa nói trên cũng không phải vấn đề quá lớn đối với khán giả.

Trước giờ, Spielberg vốn không phải kiểu đạo diễn quá tập trung vào việc giấu “easter egg” trong phim của mình, mà nếu có thì những chi tiết đó cũng chẳng ảnh hưởng nhiều đến mạch truyện chính của bộ phim. Tuy nhiên, tác phẩm lần này của Spielberg lại chứa hàng loạt các “easter egg” liên quan đến văn hóa đại chúng ở thập niên 80 từ phim ảnh, hoạt hình cho đến truyện tranh (như Back to the Future, Star Wars, Star Trek, The Shining, Jurassic Park, những nhân vật thuộc DC Comics,…) và chắc chắn sẽ có không ít người hâm mộ kiên nhẫn ngồi “soi” từng khung hình một với quyết tâm đào bới cho bằng hết những “easter egg” này.

Tóm gọn lại, nhân vật chính của chúng ta đã quyết định từ bỏ cuộc sống trống rỗng của bản thân để đi tìm tòi về thế giới do người khác tạo nên. Ở ngoài đời thật, có thể nói Wade chẳng là ai. Cậu chỉ đơn giản là một fanboy cực kỳ nhiệt tình của OASIS và thần tượng nhà sáng lập OASIS James Halliday đến mức thuộc làu tiểu sử về ông hơn ai hết. Mặc dù chưa bao giờ đưa ra lời lý giải tại sao mọi người lại ám ảnh với OASIS đến vậy, tuy nhiên bộ phim có đặt ra câu hỏi về mục đích cuối cùng của cộng động fan yêu thích game thực tế ảo này.

Ready Player One vẫn chưa đủ phức tạp để khiến khán giả hoang mang tột độ như ba tác phẩm khoa học viễn tưởng trước của Spielberg là A.I., Minority Report và War of the Worlds. Bộ phim cũng không thực sự đi quá sâu vào bất kỳ khía cạnh nào và điều này càng tạo cho khán giả cảm giác mơ hồ hơn, ví dụ như gốc gác về nguồn tài nguyên liên tục của tập đoàn IOI chẳng hạn. Bù lại, bằng việc không giải thích quá cặn kẽ vấn đề, bộ phim không chỉ tạo được nhiều không gian để đầu tư vào các tình tiết chủ đạo mà còn khiến khán giả đỡ cảm thấy rối rắm, nặng nề hơn.

Bên cạnh đó, bộ phim cũng thể hiện khả năng thần sầu của Spielberg trong việc ứng dụng công nghệ ghi hình chuyển động (motion capture). Ready Player One có phần hình ảnh hết sức lung linh vi diệu với công nghệ kỹ xảo bậc thầy và chắc chắn, việc chiêm ngưỡng bộ phim trên màn ảnh rộng sẽ là một trải nghiệm khó quên đối với khán giả. Một chi tiết đáng chú ý nữa đó là khi Wade sử dụng tiền thưởng để mua một vật thể có tên là “Zemeckis Cube”. Ở đây, Spielberg không chỉ gợi nhớ đến đạo diễn Robert Zemeckis của bộ phim kinh điển Back to the Future mà còn bày tỏ sự kính trọng đối với một trong những nhà làm phim đã đặt nền móng cho sự phát triển của công nghệ ghi hình chuyển động đang rất phổ biến ở Hollywood ngày nay.

Như nhiều người đã biết, Ready Player One được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết bestseller cùng tên của tác giả Ernest Cline. Thông thường, người hâm mộ tiểu thuyết ít khi được dịp vừa ý với phiên bản điện ảnh chuyển thể và điều này cũng khó trách, bởi việc truyền tải toàn bộ quyển sách lên màn ảnh rộng một cách hoàn hảo rõ ràng chẳng phải chuyện dễ dàng, nhưng Ready Player One có thể được xem là một trong số ít những trường hợp ngoại lệ. Mặc dù bộ phim vẫn còn một số tình tiết bị khán giả đánh giá là khá vụng nhưng cách dẫn dắt câu chuyện khéo léo của Spielberg vẫn khiến bộ phim dễ dàng dành được nhiều tình cảm từ phía người xem.

Trailer phim.

Ready Player One không phải là không có mặt hạn chế, phần bắt đầu và kết thúc tương đối lê thê và phần giữa lại diễn biến khá nhanh, nhưng những hành trình biến ảo khôn lường và đầy mê hoặc của bộ phim chính là điểm sáng khiến khán giả khó có thể rời mắt khỏi màn hình. Tuy rằng Ready Player One vẫn chưa thể sánh ngang hàng với những tác phẩm kinh điển khác của Steven Spielberg nhưng bộ phim này vẫn đủ sức chứng minh sự tài hoa của bậc thầy điện ảnh lão làng này.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Anh Anh

Được quan tâm

Tin mới nhất
NewJeans gây tranh cãi