Lại một lần nữa, đạo diễn thiên tài Steven Spielberg lại gây choáng ngợp thế giới bằng một siêu phẩm thực thụ về cả mặt nội dung lẫn kĩ xảo. Ready Player One (tựa tiếng Việt: Đấu Trường Ảo) hứa hẹn sẽ làm mưa làm gió và gây sốt khắp các phòng vé toàn thế giới.
Một thế giới tương lai vừa tuyệt diệu mà cũng vừa tàn khốc
Thêm một câu hỏì nữa được đặt ra: chuyện gì sẽ xảy ra nếu mạng xã hội Facebook kết hợp với trò chơi thực tế ảo The Sims? Đó chắc chắn sẽ là một phát minh đầy thú vị mà hàng tỉ người dùng trên mạng xã hội hằng ao ước. Rồi, bây giờ bạn hãy lấy sự kết hợp trên, nhân lên gấp… 100 tỉ lần, đó chính là OASIS. Trong thế giới tương lai không xa thời điểm hiện tại, James Halliday đã phát minh ra trò chơi vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, đã khiến bộ mặt của toàn thế giới thay đổi hoàn toàn.
Con người ở thời đại ấy chả phải lo lắng về những nỗi muộn phiền hằng ngày như chúng ta, bởi vì sao? Bởi vì thế giới kì ảo phi thường ấy giờ đây đã trở thành ngôi nhà chung của hàng tỉ người trên thế giới. Mọi lo toan về cuộc sống có còn ý nghĩa gì nữa khi giờ đây con người đã có thể thoát ly khỏi thực tại và đến một thế giới lý tưởng, không phải trong tương lai cũng chả phải trong kiếp sau, mà nó nằm ngay trong chiếc kính thực tế ảo VR - giấy thông hành dẫn thẳng đến “miền đất hứa” OASIS.
Cho đến một ngày, James Halliday qua đời, để lại khoản thừa kế 500 tỉ USD cùng vị trí thống lĩnh OASIS. Nhưng không phải là qua di chúc hay thừa kế trong thế giới thật, mà nằm đâu đó trong vũ trụ thực tế ảo vĩ đại mà ông dựng nên. Và đó cũng là lúc câu chuyện được bắt đầu…
Trở lại thập niên 80 đầy hoài niệm
Ready Player One không chỉ là màn phô diễn ma thuật của bậc thầy kĩ xảo Hollywood Steven Spielberg, mà đó còn là tấm vé đưa người xem trở lại thập niên 80 đầy hoàng kim và bùng nổ. Suốt 140 phút của thước phim ngập tràn trong các “Easter Egg” (Trứng phục sinh), đây là một khái niệm để chỉ những tình tiết hay nhân vật của một tác phẩm này được xuất hiện bất ngờ trong một tác phẩm khác, đòi hỏi khán giả vừa phải tinh mắt vừa phải tinh ý để phát hiện ra. Phần thưởng tinh thần khi nhận ra được “Trứng phục sinh” chả khác gì trẻ em tìm được những quả trứng đáng yêu này trong ngày lễ.
Những năm 80 thế kỉ 20 là khoảng thời gian mà pop culture (văn hoá đại chúng) đạt cực thịnh, với sư ra đời của vô số những cái tên mang tính biểu tượng ở nhiều thể loại, từ phim ảnh, âm nhạc đến cả trò chơi điện tử. Thập kỉ này được xem là tiền đề cho văn hoá đại chúng phát triển rực rỡ như ngày hôm nay.
Xuyên suốt bộ phim, công chúng yêu nhạc sẽ có dịp thưởng thức trọn bộ playlist những bản hit nhạc pop đi vào năm tháng từng làm mưa làm gió thị trường Mỹ. Ngoài ra, cảnh thử đồ của Parzival cho cuộc hẹn với Art3mis cũng đã phản ánh những cái tên dẫn đầu xu thế âm nhạc bấy giờ như Michael Jackson, Prince, Duran Duran,… Phần âm nhạc của một bộ phim lấy bối cảnh tương lai, kì lạ thay, lại toàn những ca khúc kinh điển thập niên 80, tưởng không hợp nhưng lại hợp không tưởng.
Không chỉ về âm nhạc mà phim ảnh cũng được chính đạo diễn Steven Spielberg khéo léo lồng ghép vào từng thước phim. Qua ba thử thách tàn khốc ẩn mình trong OASIS, khán giả có thể bắt gặp một số dáng hình thân quen của nền điện ảnh đương thời như King Kong đong đưa trên toà Empire State, khủng long T-Rex của Jurassic Park, Mecha-Godzilla và Gundam - biểu tượng điện ảnh và sản phẩm đồ chơi hàng đầu Nhật Bản, hay thậm chí là Batman, Joker, Harley Quinn và Deadstroke của DC.
Đặc biệt nhất, cha đẻ của Indiana Jones đã dựng lại hàng loạt cảnh quay huyền thoại của một trong những bộ phim kinh dị hay nhất lịch sử - The Shining. Rạp hát Outlook, căn phòng 237, mê cung lạnh lẽo bên ngoài, cặp sinh đôi chết chóc, và nhất là cơn lũ máu ở hành lang chết chóc dường như cuốn người xem trở lại những ngày xa xưa, từ đó lại bất ngờ đưa đến bữa tiệc khiêu vũ đầy những thây ma chậm chạp đậm chất Thriller hay Day of the Dead.
Chưa dừng lại ở đó, hàng loạt biểu tượng dòng phim kinh dị cổ điển cũng có đất diễn trong phim, như sự xuất hiện của búp bê ma Chucky, “sát thủ giấc mơ” Freddy Krueger, “khắc tinh thứ 6 ngày 13” Jason Vorhees, chiếc xe ma Christine, và cả phân cảnh người ngoài hành tinh xé tung lồng ngực trong siêu phẩm Alien. Thật sự biết ơn Ernest Cline và cả Steven Spielberg vì đã nhắc đến thời kì thịnh vượng nhất của dòng phim kinh dị, cũng là thời điểm sản sinh ra những huyền thoại vượt thời gian kể trên.
Người sáng lập ra OASIS - Halliday không những yêu thích phim ảnh và âm nhạc những năm 1980, mà ông cũng cực kì “nghiện” trò chơi điện tử. Ready Player One cũng là dịp để các game thủ ôn lại những hoài niệm xưa về một thời vàng son của thể loại phiêu lưu phá đảo, điển hình là sự xuất hiện của tựa game Adventure dựng nên bởi Warren Robinett, người đã mang tên mình giấu vào trò chơi nhằm tạo nên “Easter Egg” đầu tiên trong lịch sử dòng game điện tử.
Có thể nói, hành trình đi tìm “quả trứng phục sinh” không chỉ là nhiệm vụ mà các tay thủ OASIS theo đuổi trong Ready Player One, mà đó cũng là cuộc hành trình của chính người xem tìm lại những mảnh ghép cảm xúc thời quá khứ, để rồi tạo nên một bức tranh văn hoá đại chúng mang đậm dấu ấn những năm 80 đầy hoài niệm và nhớ nhung.
OASIS - là thiên đường trong mơ hay địa ngục trần gian
Nếu so với việc “nghiện” OASIS thì việc nghiện các mạng xã hội hiện tại trở thành… không đáng kể. Người nghiện mạng xã hội ít ra vẫn đi ra ngoài, vẫn làm việc, vẫn giao tế vì đó là tư liệu dồi dào để họ “sống ảo”, còn với việc nghiện OASIS thì họ sẵn sàng bỏ hàng đống thời gian từ ngày nay sang ngày khác để chìm đắm trong thế giới ảo, cắt đứt hoàn toàn liên lạc với thực tại bởi vì trong OASIS, “giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng của bạn”.
Ready Player One đã đặt các vấn đề thực tại mang tính sống còn vào bộ phim một cách chân thật nhất khiến cho bộ phim dù đặt ở bối cảnh cách chúng ta hơn 20 năm nhưng vẫn có sức ám ảnh mãnh liệt.
Trailer phim Ready Player One.
Mà thôi, không nói nhiều nữa, mời các bạn hãy ra rạp và chiêm ngưỡng “siêu phẩm” mới nhất từ bậc thầy Steven Spielberg.