Bộ phim Song Lang của đạo diễn Leon Lê và nhà sản xuất Ngô Thanh Vân là dự án phim khiến khán giả vừa ngờ vực, vừa mong chờ nhất màn ảnh rộng tháng 8 này. Tác phẩm cùng lúc khai thác hai đề tài khó là cải lương và đam mỹ, song đã thể hiện một cách hài hòa và tinh tế trong suốt thước phim dài hơn 90 phút.
Bộ phim tái hiện gần như trọn vẹn không khí của Sài Gòn thập niên 1980, từ đó viết nên câu chuyện nhiều day dứt giữa kép hát Linh Phụng (Isaac) và gã giang hồ làm nghề đòi nợ thuê Dũng “Thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát). Cộp mác Ngô Thanh Vân, được quảng bá mạnh, là chuyện tình đam mỹ của nam diễn viên Isaac; Song Lang làm hài lòng người xem song vẫn không thể trở thành cú “hit” phòng vé. Điều đó khiến người hâm mộ không khỏi băn khoăn.
Đề tài cải lương kén người xem
Ở bộ phim của Ngô Thanh Vân, cả Sài Gòn những năm 80 gói gọn trong những khu hẻm cũ kĩ, nơi mọc lên các toà nhà chung cư ẩm thấp với ánh đèn vàng vọt hắt lên mặt người. Tất cả những gì ồn ào, náo nhiệt nhất có lẽ chỉ dồn lại ở rạp hát cải lương Thiên Lý bé nhỏ. Người Sài Gòn yêu cải lương, tối tối đi nghe hát.
Không thể phủ nhận cải lương trong Song Lang đã hiện lên một cách đời thường, gần gũi; khiến người Sài Gòn không khỏi nôn nao như sống lại những năm tháng cũ. Song càng đặc trưng bao nhiêu, chúng càng trở nên xa lạ với khán giả miền Bắc, miền Trung bấy nhiêu. Đề tài cải lương vốn đã kén người xem nay càng không đủ sức kéo người hâm mộ mọi vùng miền ra rạp.
Cải lương không giống như áo dài của Cô Ba Sài Gòn. Nếu như áo dài là quốc phục, thì cải lương chỉ là bộ môn nghệ thuật lâu đời bắt nguồn từ miền Nam Việt Nam, và đối với không ít khán giả, nó hoàn toàn lạ lẫm. Bất kể rằng dòng nhạc ấy được khai thác tài tình ra sao, bản thân đề tài đã thua từ bước kéo người xem ra rạp. Và có lẽ nhà sản xuất Ngô Thanh Vân và Leon Lê cũng chấp nhận điều đó.
Cũng chính vì sự chấp nhận táo bạo ấy, Ngô Thanh Vân - Leon Lê để sự ủy mị của nhạc bolero, cải lương thấm đẫm trong bộ phim; cộng hưởng với câu chuyện dang dở giữa hai nhân vật chính để tạo nên sự tiếc nuối, ám ảnh khôn nguôi trong lòng khán giả.
Chuyện tình đam mỹ lưng chừng
Câu chuyện đam mỹ giữa Linh Phụng và Dũng “Thiên lôi” từng được khán giả kì vọng sẽ rất “sống chết”, “sinh ly tử biệt”, thậm chí là vượt qua những rào cản của xã hội thời điểm đó. Song, “chuyện tình một đêm” ngắn ngủi ấy thậm chí còn chưa có đến một cái chạm tay. Họ hiểu nhau qua những mẩu chuyện bâng quơ không đầu không cuối, và nhanh chóng bước ra chẳng để lại bất cứ vết tích nào.
Không ít khán giả khó tính dùng những từ như “lưng chừng”, “ỡm ờ”, “chưa đủ sâu sắc” miêu tả chuyện tình đam mỹ được mong chờ nhất tháng 8 này. Bao nhiêu chữ “giá như” để bù đắp lại sự hụt hẫng mà bộ phim mang lại cho người xem. Một số ý kiến còn cho rằng, đạo diễn tâm niệm tình chỉ đẹp khi còn dang dở, song tình của Song Lang còn chưa kịp dang dở, mà chỉ vừa kịp nảy mầm…
Phải chăng khán giả muốn được chiêm ngưỡng một tình cảm quyết liệt hơn của gã giang hồ bất cần đời, sẵn sàng rũ bỏ mọi thứ ngay cả dòng máu nghệ thuật; và người nghệ sĩ chưa một lần yêu, nhưng sẵn sàng bất chấp tất cả vì một chữ “tình”, như cái cách mà anh từng theo đuổi cải lương? Phải chăng Linh Phụng và Dũng “Thiên lôi” cần có nhiều “phản ứng hóa học” hơn, cho đỡ phí hoài đôi mắt lúng liếng duyên dáng của Isaac, và nét đàn ông lấn át bạn diễn của Liên Bỉnh Phát?
Bộ phim không hút khách dẫu có quá nhiều yếu tố đáng kì vọng, có thể là do những nguyên nhân khách quan. Cảnh hôn đồng tính bị cắt bỏ cũng có thể là bởi lý do chủ quan, khi đạo diễn Leon Lê muốn làm cho ra nghệ thuật: sân khấu hòa quyện với cuộc đời, tình yêu buộc phải dở dang… Điều đó khiến tác phẩm thiếu đi tính giải trí cần có, làm khán giả không có động lực ra rạp; từ đó, việc Song Lang bị thiệt thòi trên cuộc chiến phòng vé là chuyện không đáng ngạc nhiên.