Những năm trở lại đây, nền điện ảnh Việt Nam có bước chuyển biến tích cực. Các bộ phim chạm mức doanh thu 100 tỷ đồng như Em là bà nội của anh, Em chưa 18, Siêu sao siêu ngố, Để Mai tính 2 đã khẳng định khán giả ngày càng dành sự quan tâm cho phim điện ảnh trong nước. Đồng thời, đây là dấu hiệu khả quan giúp người hâm mộ Việt Nam đặt niềm tin vào sự phát triển trong tương lai của điện ảnh nước nhà.
“Em chưa 18” là bộ phim xô đổ mọi kỷ lục về doanh thu tại Việt Nam.
Mặt khác, trước mỗi dự án phim Việt Nam ra rạp, không ít khán giả vẫn thể hiện thái độ hoài nghi suốt quá trình “thai nghén”, chính thức công chiếu, cho đến khi công bố doanh thu. Thậm chí, càng gây nhiều chú ý, các tác phẩm càng bị soi xét bởi một số người xem khó tính. Chính vì vậy, không thể phủ định, khó tính nhất đối với tác phẩm điện ảnh Việt Nam vẫn là “người nhà”.
Trước khi ra rạp, phim Việt nhận hoài nghi nhiều hơn kì vọng
Càng ngày, khán giả Việt càng dành nhiều quan tâm hơn đến giải trí trong nước, trong đó có phim điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, điều đó không giúp các bộ phim giảm bớt áp lực mỗi khi ra rạp. Thời điểm công bố thông tin chính thức, đa số tác phẩm nội đều nhận cái nhìn xét nét, nghi ngại từ dư luận, truyền thông: “Phim thuộc thể loại gì?”, “Đạo diễn phim là ai?”, “Dàn diễn viên phim thế nào, liệu có 'Bình hoa di động hay không'?”.
Các nhà làm phim trong nước cũng gặp không ít khó khăn khi lựa chọn chủ đề khai thác. Bởi lẽ, tác phẩm dễ bị cho là đi theo lối mòn nếu mang đề tài quá quen thuộc. Mặt khác, phim thuộc thể loại hành động, võ thuật, siêu anh hùng, giả tưởng thường khiến khán giả đặt ra nghi ngại rằng phim làm không tới.
“Lôi Báo” là một trong số các bộ phim siêu anh hùng hiếm hoi của Việt Nam.
Gây ra nhiều ý kiến trái chiều nhất phải kể đến dòng phim remake, tức phim làm lại từ những nguyên tác nước ngoài. Các nhà làm phim Việt Nam ngày càng chuộng xu hướng remake, có thể kể đến một số dự án gây chú ý như Em là bà nội của anh, Sắc đẹp ngàn cân, Yêu đi đừng sợ!, Tháng năm rực rỡ… Trước mỗi thông tin công bố thực hiện Việt hóa phim ngoại, những người cầm trịch đều nhận phản hồi tiêu cực, bởi định kiến từ khán giả: “Bản Việt hóa không bao giờ hay bằng bản gốc”, “Việt hóa phim sẽ làm hỏng nguyên tác”…
Những phản ứng tiêu cực từ khán giả có thể được lý giải bằng không ít dự án phim Việt có chất lượng thấp trước đây. Mặt khác, việc truyền thông thổi phồng, làm quá về phim nội thời điểm ra rạp cũng góp phần làm mất niềm tin của người xem vào điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, phim trong nước đang ngày càng được đầu tư, trau chuốt và có chiến dịch quảng bá bài bản, hợp lý hơn.
Phim Việt khi ra rạp: Càng gây chú ý, càng bị “soi”
Không có quy chuẩn đúng, sai đối với vẻ đẹp của mỗi tác phẩm điện ảnh. Khán giả chỉ có thể đánh giá một bộ phim qua sự trau chuốt, đầu tư ở kịch bản, lời thoại, hình ảnh, diễn xuất và những cảm xúc mà phim mang lại cho người xem.
Thế nhưng, một khi phim đã chính thức ra rạp, khán giả có quyền tùy ý khen, chê về bộ phim mà mình bỏ tiền ra để thưởng thức. Thậm chí, tính đa chiều xoay quanh tạo nên sức hút nghệ thuật của tác phẩm. Tuy nhiên, dường như, người xem Việt tỏ ra khó tính, soi xét kĩ hơn với những phim nội.
Đặc biệt, với sự am hiểu về địa lý, lịch sử nước nhà, một bộ phận không nhỏ khán giả tỏ ra bất bình khi bộ phim không đúng với thực tế. Trái lại, các phim ngoại lại được thoải mái đón nhận hơn. Điển hình như phim chuyển thể Cô gái đến từ hôm qua bị cho là không đúng bối cảnh thập niên 1990. Trong khi đó, phim remake Tháng năm rực rỡ gây ý kiến trái chiều vì phân cảnh nữ sinh đánh nhau, hút thuốc - làm sai lệch hình ảnh con gái Đà Lạt năm 1975.
Dẫu điện ảnh là bức tranh phản ánh lịch sử và đời sống, dẫu tính hiện thực ở một tác phẩm mang nhiều giá trị, nhưng, phim giải trí hoàn toàn khác với phim tài liệu. Nghệ thuật sẽ chẳng còn sức hút nếu mang lên màn ảnh những gì thật nhất. Nghệ thuật chỉ tạo ra ý nghĩa khi thông qua câu chuyện giả, tạo nên cảm xúc thật, bài học thật…
Bên cạnh những soi xét về bối cảnh, các định kiến như phim phi logic, phim hài nhảm… cũng là rào cản ngăn khán giả Việt lựa chọn phim nội. Bản thân nam danh hài Hoài Linh cũng từng bất bình: “Phim hài nó phải là phim hài, nhiều phim nhảm tại sao báo chí chỉ chê Việt Nam mà không đi viết Châu Tinh Trì này kia, nó còn nhảm gấp 800 lần sao không ai viết, mà hễ phim Việt ra thì chửi nhảm. Nhiều phim nước ngoài nhập về, dù có vô vàn lý do không hợp lý vẫn khen nức nở vì nhà sản xuất hoặc nhà phát hành phim biết PR theo kiểu nào. Còn Việt Nam xem phim thì ít mà đi soi mói thì nhiều”.
Phim Việt thành công về doanh thu lại bị cho rằng “ảo tưởng”
Vượt qua những định kiến của khán giả trước và trong khi ra rạp, phim Việt tiếp tục đối mặt với không ít bàn tán vào thời điểm hết thời gian công chiếu. Phim thất bại ở cuộc chiến phòng vé sẽ nhận “gạch đá”, phim thành công về doanh thu lại bị cho rằng… “ảo tưởng”…
Không ít ý kiến cho rằng, phim nội trở thành đối thủ ngang sức với phim ngoại trong cuộc đua phòng vé trong nước không đồng nghĩa việc các tác phẩm Việt có chất lượng ngang ngửa phim quốc tế. Có thể dễ dàng nhận thấy, bộ phim trăm tỷ Để Mai tính 2, Siêu sao siêu ngố thuộc thể loại giải trí, hài gây cười, Em chưa 18 cũng là phim tình cảm, nhẹ nhàng, dễ xem nhưng khó nhớ. Trong khi đó, Em là bà nội của anh, Tháng năm rực rỡ đều là phim remake.
Do thành công của Để Mai tính 2, Em chưa 18 hay Siêu sao siêu ngố đều đến khá bất ngờ, nhiều người xem cho rằng cú bứt phá này là sự may rủi. Thậm chí, không ít cái nhìn tiêu cực nghi ngại bước tiến về doanh thu khiến nhà làm phim “ảo tưởng”, tiếp tục làm phim remake, hoặc khai thác dòng phim chick-flick, hài nhảm…
Tuy nhiên, liệu có quá bất công với nền điện ảnh Việt Nam, khi chưa kịp hân hoan bởi những điểm sáng, đã bị quy chụp tội “ảo tưởng”? Bất cứ sự phát triển nào cũng đòi hỏi thời gian, chính thành công từ các bộ phim - thậm chí là phim hài, phim thuộc dòng chick-flick, phim remake - vẫn góp phần tạo niềm tin cho người xem vào điện ảnh nước nhà, gây dựng tiền đề, cơ sở để nhà sản xuất cho “bom tấn” trong tương lai.