Phim Ảnh

Giữa cơn bão ‘Sống chung với mẹ chồng’, chạnh lòng nhớ về người mẹ chồng nổi tiếng màn ảnh hơn 20 năm trước

Vân Ngọc
Chia sẻ

Nếu là khán giả yêu phim Việt, chắc hẳn nhiều người cũng sẽ nhớ, hơn 20 năm trước, màn ảnh Việt cũng từng chao đảo vì hình ảnh một bà mẹ chồng khác, với những cảm xúc rất khác, trong trẻo và hồn hậu.

Những ngày này, câu chuyện làm dâu trên màn ảnh Việt “nóng” hơn bao giờ với sự xuất hiện của bộ phim Sống chung với mẹ chồng. Khai thác câu chuyện mẹ chồng - nàng dâu từ muôn đời nhưng với cách nhìn mới mẻ, bộ phim như “nói hộ tiếng lòng” của nhiều nàng dâu thời hiện đại bằng những tình huống quen thuộc, đơn giản mà chân thực, mang đậm hơi thở cuộc sống. Và không nằm ngoài sự suy đoán của phần đông khán giả, bộ phim nhanh chóng gây sốt ngay từ ngày những tập phim đầu tiên.

Cặp mẹ chồng - nàng dâu “sáng” nhất màn ảnh Việt những ngày qua.

Từ bà mẹ chồng nổi tiếng cay nghiệt trên màn ảnh Việt hôm nay…

Phim xoay quanh cuộc sống của cô gái trẻ trung, hiện đại Minh Vân (Bảo Thanh) trong những ngày đầu làm dâu. Mọi chuyện tưởng như sẽ mãi tốt đẹp, màu hồng, nhưng không ngờ khi tiệc cưới vừa tàn cũng là lúc Vân nhận ra cuộc đời mình đang rẽ sang một con đường mới, bắt nguồn từ sự khắt khe, soi mói có phần thái quá của mẹ chồng - bà Phương (NSND Lan Hương “bông”). Càng về sau, sự tai quái của mẹ chồng khiến cuộc sống Vân như rơi vào địa ngục.

Vai diễn bà mẹ chồng tên Phương (NSND Lan Hương “bông” thủ vai) quá hà khắc, khắt khe khiến nhiều cô gái đùa vui rằng không dám lấy chồng nữa.

Trong cơn bão bình luận của khán giả, dễ dàng để nhận thấy số đông mọi người tỏ ý đồng cảm, thương xót cho cô con dâu trẻ, hết lời chê trách bà mẹ chồng quá quắt, cay nghiệt, khiến cuộc sống gia đình bức bí, ngột ngạt. Không thể phủ nhận nhà sản xuất đã có chút phóng đại để bộ phim “có cái mà xem”, nhưng cũng từ đây nhiều người bị ám ảnh về mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, hình ảnh người mẹ chồng cũng vô hình chung bị bóp méo. Đây là một thành công của đạo diễn, nhưng cũng là nỗi day dứt cho những người đã, đang và sẽ làm mẹ chồng - nàng dâu.

Bộ phim có làm “méo mó” hình ảnh mẹ chồng - nàng dâu thời hiện đại?

Tạm bỏ qua sự đúng - sai, khéo léo - vô tâm của các nhân vật trong Sống chung với mẹ chồng, đây vẫn là bộ phim được chú ý nhất nhì sóng truyền hình thời gian qua. Và nếu là khán giả yêu phim Việt, chắc hẳn nhiều người cũng sẽ nhớ, hơn 20 năm trước, màn ảnh Việt cũng từng chao đảo vì hình ảnh một bà mẹ chồng khác, với những cảm xúc rất khác, trong trẻo và hồn hậu.

… Chạnh lòng nhớ lại “Mẹ chồng tôi” hơn 20 năm trước

Còn nhớ, vào năm 1994, khi số nhà có TV ở thành phố mới chỉ đếm trên đầu ngón tay, văn hóa xem phim ngoài rạp còn là thứ xa xỉ hiếm hoi thì đạo diễn Khải Hưng đã nhận quyết định của tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, bắt tay vào sản xuất chương trình Văn nghệ chủ nhật, trong đó có tiết mục phim truyền hình. Và Mẹ chồng tôi đã được chọn làm bộ phim đầu tiên “mở hàng” cho chương trình đặc biệt này.

Mẹ chồng tôi là bộ phim để lại tiếng vang lớn của NSƯT Thu An.

Ban đầu Mẹ chồng tôi chỉ có một tập kéo dài, nhưng để phù hợp với thời lượng của chương trình nên đạo diễn Khải Hưng cắt đôi ra thành hai tập. Bộ phim được chuyển thể kịch bản từ truyện ngắn khá đơn giản và gọn gàng trên một số báo cuối tuần. Câu chuyện nói về Thuận (NSƯT Chiều Xuân), cô vợ đang thì xuân sắc, vừa cưới xong chồng đã lên đường ra mặt trận, cô ở lại nhà với mẹ chồng (NSƯT Thu An).

Thuận có giọng hát hay nên được cử làm văn công cho đài phát thanh xã. Tại đây, cô gặp và yêu Lực (NSƯT Trần Lực), người phụ trách đài phát thanh ở xã, rồi hai người có con với nhau. Bà mẹ chồng sau khi biết chuyện đã rộng lòng tha thứ cho con dâu, khuyên Thuận cắt đứt tình cảm với Lực nhưng vẫn đồng ý để cô sinh con nhưng không cho cha đẻ đứa bé biết. Đón đứa cháu không cùng huyết mạch ra đời, bà vẫn hết lòng yêu con thương cháu.

Sau khi Thuận trót dại, sinh đứa bé ra đời, người mẹ chồng vẫn hết lòng thương con, yêu cháu.

Dù là một câu chuyện rất hồn hậu, đầy tính nhăn văn, nhưng bộ phim ban đầu không được duyệt vì thời ấy nhiều người nghĩ rằng vấn đề hậu phương được đề cập trong phim động chạm đến những vấn đề nhạy cảm. Sau thời gian dài đạo diễn Khải Hưng mang kịch bản đến tận Ban Văn hóa tư tưởng để đề nghị xem xét, phim mới được thông qua.

Sau khi lên sóng, bộ phim đã gặt hái được sự thành công rực rỡ, trở thành một hiện tượng trên sóng truyền hình vào thời gian ấy (năm 1994). Thời điểm ấy, dòng phim “mì ăn liền” với những câu chuyện tình ủy mị, sướt mướt đang mất dần vị trí sau một vài năm làm mưa làm gió, sự xuất hiện của Mẹ chồng tôi như một làn gió mới rất dung dị, đời thường mà đầy tính nhân văn thổi qua màn ảnh nhỏ.

NSƯT Chiều Xuân vai Thuận.

NSƯT Trần Lực vai Lực.

Đến nay, sau hơn 20 năm, nhiều người vẫn gìn giữ những hình ảnh rất đẹp về hình ảnh người mẹ chồng chân chất, thuần phác do NSƯT Thu An thủ vai. Con trai đi kháng chiến xa nhà, bà sống cùng con dâu. Cả hai yêu thương, san sẻ với nhau mọi điều trong cuộc sống. Khi phát hiện con dâu có bầu với người đàn ông không phải con trai mình, bà nén nỗi đau để tha thứ, khuyên giải và che chở cho con dâu. Hành động này tưởng chừng sẽ chẳng có người mẹ chồng nào đủ bao dung để làm, thế nhưng với diễn xuất chân thực của NSƯT Thu An, hình ảnh ấy như được hiển hiện ngay trong cuộc sống của mỗi người.

Bộ phim là bức tranh đẹp, cảm động về tình cảm mẹ chồng - nàng dâu trong những năm tháng đất nước còn gian khó.

Dù kịch bản phim được dựa trên một truyện ngắn đơn giản, nhưng khi dựng thành phim lai vô cùng cô đọng, hàm súc. Các nhân vật trong phim hồn hậu, dễ mến, chẳng có ai xấu xa nhưng mạch phim vẫn đầy kịch tính do hoàn cảnh tạo nên. Đến nay, sau hơn 20 năm, dù dàn diễn viên nhiều người không còn nữa, nhưng khi nhắc đến Mẹ chồng tôi, ai cũng phải mỉm cười và ồ lên rằng: “Hóa ra ngày xưa, cái thời còn nghèo khó, con người ta vẫn sống với nhau chân tình đến vậy”.

Bộ phim kết thúc khi Lực đi bộ đội và hi sinh, Thuận không muốn đưa con đến đám tang nhưng mẹ chồng vẫn khuyên nhủ con nên làm trọn một nghĩa cử sau cuối với người đã khuất. Phân cảnh bà đích thân đưa cô cháu gái đến thắp hương cho người bố chưa từng biết mặt khiến không ít khán giả rơi nước mắt. Vĩnh biệt Lực, khép lại những quá khứ day dứt, bà lại chăm cháu cho Thuận an tâm đi công tác và không nguôi hi vọng về một tương lai tốt đẹp, khi đất nước hòa bình, con trai bà trở về từ nơi chiến trận. Và lời nói của bà với Thuận dường như đã trở thành một chân lý sống chẳng bao giờ cũ với những người đã, đang hoặc sẽ làm mẹ chồng - nàng dâu: “Làm người đàn bà cực nhọc lắm mà cũng hạnh phúc lắm. Rồi con sẽ thay mẹ, cháu sẽ thay con, cứ thế nối tiếp nhau, bồi đắp mãi cho mảnh đất này. Muốn thế, phải giữ tình người cho đẹp con ạ”.

Phải, nếu chúng ta giữ tình người thật đẹp, sống với nhau bằng trọn tấm lòng, thì có lẽ những câu chuyện buồn như con dâu trách mẹ chồng ác nghiệt, mẹ chồng mắng con dâu không biết điều sẽ chẳng xảy ra, hoặc được hạn chế đi nhiều lắm, có phải không?

Chia sẻ

Bài viết

Vân Ngọc

Tin mới nhất