Phim Ảnh

Ngoài 'Cỗ máy thời gian', đã có 5 bộ phim TVB có phiên bản điện ảnh

Nga Cao
Chia sẻ

Trước khi "Cỗ máy thời gian" tiến hành bắt tay thực hiện phiên bản điện ảnh, khán giả đã từng được xem những phiên bản điện ảnh của 5 bộ phim TVB đình đám dưới đây.

1. Bước ngoặt (Turning point 1, 2009)

Bước ngoặt (Turning point 1, 2009) - phiên bản tiền truyện/ ngoại truyện (prequel/spin-off) của nhân vật Laughing Lương Tiếu Đường trong Cảnh sát 3: Học cảnh truy kích (E.U, 2009)

Sau thành công của Học cảnh truy kích với cái kết không rõ ràng dành cho nhân vật được yêu thích nhất phim là cảnh sát chìm Laughing Lương Tiếu Đường (Tạ Thiên Hoa), hãng Shaw Brothers đã kết hợp với TVB để xây dựng câu chuyện riêng biệt dành cho nhân vật này trong giai đoạn những năm 2000, trước khi anh trở thành cảnh sát chìm trong tập đoàn xã hội đen Chính Hưng. Bước ngoặt 1  khắc họa quá trình Laughing - đã nghe theo lời của tay xã hội đen cộm cán tập đoàn Chính Hưng là anh Nhất (Huỳnh Thu Sinh) để thi vào trường Cảnh sát và trở thành “nội gián” cho hắn.

Không ngờ sau khi trở thành cảnh sát một thời gian, Laughing cũng được xếp Xỉ (Nguyên Bưu) cài ngược lại vào Chính Hưng và Laughing từ đây trở thành “điệp viên 2 mang” cho cả 2 phe chính tà. Ngoài ra, Laughing còn có ân oán với Tọa Đầu (Ngô Trấn Vũ) - đối thủ lớn nhất của anh Nhất và nảy sinh tình cảm với em gái anh ta là Karen (Trần Pháp Lạp). Đến cuối cùng, giữa cảnh sát và xã hội đen, Laughinh chỉ có thể chọn một…

Tuy có vài chi tiết khá khác biệt so với Học cảnh truy kích nhưng Bước ngoặt 1 cũng trở thành hit phòng vé của Hồng Kông vào năm 2009 khi cơn sốt dành cho nhân vật “cảnh sát chìm” này vẫn còn chưa “nguội” đồng thời mời được nhiều tên tuổi bảo chứng phòng vé hợp diễn ăn ý với Tạ Thiên Hoa.

2. Bước ngoặt 2 (Turning point 2: Laughing Gor return, 2012) 

Bước ngoặt 2 (Turning point 2: Laughing Gor return, 2012) là phiên bản sequel (hậu truyện) của Tiềm hành truy kích (Lives of Omission, 2011)  

Sau khi giết chết tay trùm Co Què Tô Tinh Bá (Huỳnh Tông Trạch), Laughing (Tạ Thiên Hoa) phải chịu án tù và vô tình gặp được người bạn tù là Hoắc Thiên Nhậm (Ngô Trấn Vũ) - một giáo sư tâm lí học bị kết tội tàng trữ ma túy. Mặc dù bề ngoài lịch thiệp nhưng ông là một kẻ máu lạnh. Hơn nữa ông dùng khả năng của mình đã có thể kiểm soát âm thầm những người khác. Nghi ngờ rằng một vụ việc liên quan đến lực lượng cảnh sát tham nhũng, Phó Bí thư Cảnh sát An ninh đã giao nhiệm vụ cho Laughing điều tra chân tướng trong khi anh đang là tù nhân.

Carmen (Văn Vịnh San) là điều hành viên của Văn phòng An ninh và là người liên lạc của Laughing, trong khi thực tế thì cô làm gián điệp cho Hoắc Thiên Nhậm. Dù vậy, Carmen yêu Laughing và hi sinh để cứu anh. Paris Diêu (Từ Tử San) là bạn gái của Co què. Sau cái chết của người yêu, Paris đã mắc chứng PTSD (hậu chấn thương tâm lý, rối loạn căng thẳng) và trở thành bệnh nhân của Hoắc Thiên Nhậm. Paris cũng khao khát giết Laughing để trả thù cho Co què.

Bước ngoặt 2 không có tiết tấu quá dồn dập, căng thẳng như phần 1 và cũng thiên về “tâm lí chiến” hơn Tiềm hành truy kích nhưng phim vẫn thu hút được lượng khán giả khả quan do cái tên Laughing là một “thỏi nam châm”. Dù anh có làm gì, người ta vẫn cứ cảm thấy rất anh rất chok (từ “chok” là tiếng lóng của người Hong Kong, bắt nguồn từ “choke” trong tiếng Anh, có nghĩa là tạo dáng ra vẻ “ngầu”). Hiếm có nhân vật tay trong nào “trường thọ” suốt 4 bộ phim đến vậy từ trước tới nay như Laughing của Tạ Thiên Hoa. Và cho đến giờ, Tạ Thiên Hoa cũng chưa thể tìm được vai nào vượt qua được ánh hào quang của Laughing.

3. Bao la vùng trời (Triumph in the skies, 2015) 

 Bao la vùng trời (Triumph in the skies, 2015) - bản cải biên của Bao la vùng trời 2 (Triumph in the skies 2, 2013)

Bao la vùng trời đến giờ được xem là “tường thành” của dòng phim hàng không với phần 1 ra mắt vào 2003 và phần 2 lên sóng vào đúng 10 năm sau với dàn cast đổi mới 70%. Hiện tượng “ma cool” Cố Hạ Dương đào hoa, lãng tử của Trương Trí Lâm  “sốt” không kém anh Sam Đường Diệc Sâm với kiểu tóc “máy bay” nghiêm khắc, từng trải của Ngô Trấn Vũ năm nào. Chính vì thế bản điện ảnh đã giữ lại 2 nhân vật “đinh” này và kéo thêm “đứa con cũ của TVB” Cổ Thiên Lạc trở thành “thiết tam giác phi công” trung niên chất lừ.

Song vì bản phim điện ảnh đã “làm mới” hoàn toàn cốt truyện cũng như chỉ giữ lại vài nhân vật phụ của bản truyền hình nên khán giả cảm thấy phim chỉ đang “ăn theo” cái tên Bao la vùng trời mà thôi. Đây cũng là điều hơi đáng tiếc vì phim có dàn cast hùng hậu cũng như ngoại cảnh đẹp mắt.

4. Đường về hạnh phúc (Return of the cuckoo, 2015)

Đường về hạnh phúc (Return of the cuckoo, 2015) - bản hậu truyện (sequel) của phim truyền hình cùng tên ra mắt năm 2000

Đường về hạnh phúc là phiên bản điện ảnh của bộ phim truyền hình cùng tên chiếu vào 15 năm trước (tên gốc: Ánh Trăng Mùng 5 tháng 10) do Trương Trí Lâm, Xa Thi Mạn và Trần Kiều Ân đóng chính, Diệp Niệm Sâm cầm loa chỉ đạo. Vài năm đã trôi qua sau loạt phim truyền hình, Văn Sơ (Trương Trí Lâm) tiếp tục cuộc đời của mình như một cậu bé đi lang thang địa phương, cung cấp thực phẩm và đồ ăn cho người dân trên đường phố Macau. Trong thời gian này, Văn Sơ gặp một cô gái câm xinh đẹp là Kỳ Kỳ (Trần Kiều Ân).

Cả hai ở bên nhau cho tới người em gái yêu dấu của Văn Sơ là Chúc Quân Hảo (Xa Thi Mạn) xuất hiện. Không ai biết, Quân Hảo đã mất tất cả mọi thứ trong cuộc đời và muốn tự sát. Ngoài ra, khối u của Văn Sơ ngày càng trở nặng sau lần cứu Quân Hảo khỏi một vụ lở đất. Bác sĩ cảnh báo anh cần phẫu thuật sớm hoặc anh sẽ chết hoặc bị mất trí nhớ vĩnh viễn… Tình yêu của cả 2 một lần nữa lại phải đối diện với thách thức lớn lao…

Đường về hạnh phúc bản điện ảnh chỉ gặt hái doanh thu phòng vé ở mức trung bình vì khán giả cho rằng, bộ phim có quá nhiều tình tiết đã lỗi thời kiểu như mất trí nhớ hay tình tay ba lòng vòng…

5. Mất dấu (Line walker: The movie 2016) 

Mất dấu (Line walker: The movie 2016) - bản cải biên của Mất dấu (Line walker, 2014)

Trong Mất dấu bản điện ảnh, Nữ cảnh sát chìm Đinh Tiểu Gia hay còn gọi là Đinh tỷ (Xa Thi Mạn) nhận được một tin nhắn nặc danh bằng mã Morse, nội dung tin nhắn tự xưng là một cảnh sát chìm với biệt hiệu Blackjack đã mất liên lạc với phía đặc vụ cảnh sát. Đinh Tỷ vội vã báo cáo lên cấp trên là Q-Sir (Ngô Trấn Vũ) và lập tức triển khai nhiệm vụ “tìm kiểm mật vụ”. Đinh Tỷ một lần nữa thâm nhập vào thế giới ngầm để tìm kiếm tung tích của vị cảnh sát chìm đó. Trong suốt quá trình điều tra, cô vô tình bị dẫn dắt đến sòng bạc và phát hiện ra Đàm Hoan Hỷ (Hứa Thiệu Hùng) bị bắn chết năm nào nay đã đột ngột “sống lại”. Đồng thời Sếp Q cũng điều tra được thông tin một tập đoàn thương nghiệp âm thầm nhúng tay vào một phi vụ giao dịch chất cấm tại Brazil.

Họ bắt đầu khoanh vùng và thu hẹp phạm vi vị trí của “Blackjack” bao gồm cả những nhân vật bị tình nghi nhúng tay vào vụ giao dịch trên như : Chủ tịch tập đoàn Quách Minh, tên tham mưu quỷ quyệt A Lam (Trương Gia Huy), đồng bọn của A Lam - Thiếu Gia (Cổ Thiên Lạc) và cả tên trùm vừa hồi sinh Đàm Hoan Hỷ… Quá trình điều tra của họ ngày càng phức tạp khi ai ai cũng bắt đầu dấy lên sự nghi ngờ khi có nội gián. Rốt cuộc ai là “Blackjack”?

Bộ phim được đầu tư với kinh phí lớn, ngoại cảnh trải dài từ Hồng Kông, Macao, Thâm Quyến, Rio de Janeiro… với tuyến vai Đinh Tiểu Gia và Đàm Hoan Hỷ còn được bảo lưu lại về thân phận cũng như cá tính từ bản truyền hình cực kì ăn khách chiếu vào năm 2014. Ngoài ra, cần phải kể đến cái tên Văn Vĩ Hồng - đạo diễn của bản truyền hình cũng tiếp tục cầm trịch cho bản điện ảnh. Đó là một lợi thế vì điều này đồng nghĩa với việc giữ lại được 50% linh hồn cho thương hiệu Mất dấu từ thuở sơ khai và cũng giúp cho phim tránh vết xe đổ của Bao la vùng trời bản điện ảnh.

Chia sẻ

Bài viết

Nga Cao

Tin mới nhất