Phim Ảnh

Nếu không có yếu tố Việt Nam, 'Kong: Skull Island' hoá ra cũng… bình thường thôi

Thùy Vân
Chia sẻ

Tạm gác lại những ngợi khen về kỹ xảo tuyệt vời, khung cảnh Việt Nam đẹp lung linh mỹ mãn, thì câu chuyện mới của vua Kong trên Đảo Đầu lâu liệu còn đọng lại gì trong lòng khán giả?

Sau 3 ngày công chiếu, Kong: Skull Island hiện đang nắm giữ kỷ lục là phim cán mốc 60 tỷ đồng nhanh nhất tại thị trường Việt Nam. Tại thị trường quốc tế, phim cũng thu về 151 triệu USD và trở thành quán quân phòng vé trong đầu tháng ba.

Rất nhiều mỹ từ được dành để ca ngợi bộ phim bom tấn trị giá 190 triệu USD của đạo diễn Jordan Vogt- Roberts. Một bộ phim hành động đơn thuần đậm chất giải trí, kỹ xảo xuất sắc cùng một bối cảnh đẹp đến siêu thực. Dù vậy, bỏ qua những lời khen tặng tới tấp ấy, Kong: Skull Island vẫn còn những điều “chưa ổn” khiến nhiều khán giả phải lắc đầu ngao ngán.

Kịch bản thiên vị cho quái vật quá nhiều

Do quá chú trọng tới việc dành đất diễn để King Kong cùng lũ quái vật khổng lồ thể hiện, bộ đôi biên kịch Dan Gilroy và Max Borenstein cũng vô tình quên luôn việc đầu tư tới các nhân vật con người.

Có quá nhiều con người xuất hiện trong phim. Hai nhóm, một thám hiểm, một quân đội đi cùng nhau với gần 20 người được dàn trải thành nhiều tuyến truyện nhỏ lẻ. Nhưng số lượng thì chẳng đi cùng với chất lượng, làm cho người xem có cảm giác, các nhân vật góp mặt trong phim chỉ để phụ họa việc la hét, gào rú và làm mồi cho quái vật.

Đáng thất vọng nhất là cặp đôi nam nữ chính của phim. Anh chàng James Conrad (Tom Hiddleston) được giới thiệu rất ngầu, rất bá đạo với cảnh dùng gậy bi-da hạ gục hai kẻ vô danh tiểu tốt. Nhưng những gì anh để lại trong phim, chỉ đơn thuần là chạy tới chạy lui, nói những lời thoại đầy sách vở và xuất hiện khi mọi chuyện đã an bài.

Nhân vật của Tom Hiddleston bá đạo nhưng vẫn không đủ sức nặng của một nhân vật chính.

Cô đào từng đoạt giải Oscar Brie Larson được hứa hẹn sẽ trở thành Kong-girl thế hệ mới thông qua nhân vật Mason Weaver. Thế nhưng, hóa ra cô lại là mỹ nhân mờ nhạt nhất trong số những người đẹp từng đi qua đời Kong. Dù không đặt mối quan hệ giữa Kong - người đẹp lên hàng đầu như những phim King Kong trước, nhưng các khoảnh khắc riêng của Mason và Kong lại không tạo đủ cảm xúc cho người xem. Mối quan hệ với người đẹp là yếu tố rất quan trọng để khắc họa King Kong không chỉ là một con thú hung hăn, dữ tợn mà nó còn là một cá thể mang đầy cảm xúc. Đây chính là chìa khóa tạo nên sự kết nối với khán giả.

Yếu tố con người trong phim cực kỳ nhàm chán.

Điểm ấn tượng nhất bên phía con người chính là nhân vật chỉ huy Preston Packard - một người đàn ông bị ám ảnh vì chiến tranh tới mức trở nên điên loạn. Ánh mắt nảy lửa, điên dại của Preston trước King Kong - kẻ đã giết nhiều thuộc cấp của ông ta khiến mạch phim trở nên gây cấn, thú vị hơn. Tiếc rằng, một cánh én chẳng thể “cứu vãn” được cả một nhóm nhân vật quá ư mờ nhạt.

Phiên bản quái vật bị lỗi của Apocalypse Now

Đại sứ Du lịch Việt Nam nhiệm kỳ (2017 - 2020) Jordan Vogt- Roberts đã không ngần ngại nói rằng, Kong: Skull Island được anh thực hiện với rất nhiều cảm hứng lấy từ bộ phim kinh điển Apocalypse Now. Phim có bối cảnh và không gian liên quan tới cuộc chiến tranh Việt Nam mà Mỹ can thiệp đang dần đi tới hồi kết vào năm 1973. Vì thế, bầu không khí phim cũng cài cắm nhiều chi tiết gợi nhắc tới nỗi ám ảnh cùng hậu quả mà chiến tranh để lại.

Nhưng việc kịch bản quá dàn trải, lê thê, nhiều chi tiết thừa thãi do ôm đồm nhiều tuyến nhân vật. Dựng phim đôi khi cẩu thả, chuyển cảnh một cách bất hợp lý khiến cho sự kết hợp giữa Apocalypse NowKing Kong giống như một nồi lẩu thập cẩm nhiều vị. Nhưng chẳng vị nào đủ mặn mà đáng nhớ. Lời thoại trong phim đôi khi khó hiểu, đôi khi lại ngớ ngẩn tới mức chẳng thể cười nổi.

Samuel L. Jackson trên talkshow của Jimmy Fallow còn nói rằng: “Tôi thấy mọi người cứ nhắc đến những thông điệp ngầm về bảo vệ môi trường, chiến tranh Việt Nam, tình hình chính trị thế giới vào thời điểm trong phim… Trời ạ! Đây chỉ là một phim quái vật thôi! Chúng tôi bị săn đuổi bởi một sinh vật kỳ lạ, chúng tôi chỉ đang chạy trốn khỏi nó thôi”.

Nhiều quái vật, thiếu trọng tâm con người đã làm cho Kong: Skull Island trở thành một phim hành động thiếu chiều sâu cần thiết.

Phim hướng đến những thị trường đặc thù

Kong: Skull Island gây sốt tại Việt Nam là điều dễ hiểu. Bởi có tới 80% bối cảnh trong phim được quay tại dải đất hình chữ S và đây cũng là bộ phim lớn đầu tiên của Hollywood “chiều chuộng” thị trường này đến thế. Những điều khiến khán giả đổ xô ra rạp cũng chính vì lời gợi ý về “Việt Nam qua phim Hollywood như thế nào?”, “Việt Nam đẹp quá, lung linh quá”…Một bộ phim quốc tế khơi dậy lòng tự hào dân tộc của người Việt. Nhưng ở thị trường quốc tế, ở những quốc gia khác, sức hấp dẫn của King Kong liệu có đủ sức kéo họ ra rạp?

Ngoài yếu tố Việt Nam, một thị trường khác mà Hollywood đặc biệt ưu ái hơn cả chính là Trung Quốc. Việc cô diễn viên “danh gia vọng tộc” Cảnh Điềm được sắp xếp xuất hiện trong phim với một vai “có cũng được, không có cũng chẳng sao” là một sự cài cắm đầy ngụ ý. Ngày 24/3 tới, Kong: Skull Island sẽ chính thức trình chiếu tại Trung Quốc.

Nhân vật nữ phụ nhưng còn được “quan tâm” hơn cả nữ chính.

Gương mặt đơ như tượng sáp của Cảnh Điềm, cảnh đẹp của Việt Nam là hai câu chuyện nổi bật nhất mà khán giả có thể nói về Kong: Skull Island trong suốt thời gian qua. Cái đáng nhớ ấy khiến khán giả bàn tán rôm rả nhưng lại chẳng thể nào đọng lại lâu dài cùng thời gian. Sau khi xem Kong: Skull Island, rất nhiều người đã chọn tìm lại bản phim King Kong của Peter Jackson 12 năm về trước, để hồi tưởng lại ánh mắt đau thương của Kong và nàng Naomi Watts trong quá khứ.

King Kong (2005)

Chia sẻ

Bài viết

Thùy Vân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất