Phim Ảnh

'Ghost in the Shell' (2017): Không quá mới, nhưng chấp nhận được

Anh Phan
Chia sẻ

Ghost in the Shell là bộ phim sẽ không mang đến cho bạn quá nhiều ý tưởng mới, nhưng nó sẽ là một bộ phim hành động giả tưởng trơn tru và mãn nhãn mà bạn không phải cân nhắc quá nhiều khi chọn xem.

Ghost in the Shell dẫn người xem đến với một phát hiện khá thú vị, có lẽ nó đã luôn ở đó, nhưng cho đến bây giờ họ mới thực sự nhận ra, đó là công thức quy đổi vai diễn trứ danh của Hollywood. Như thể “tay chơi + thông minh + thiếu nghiêm túc = Robert Downey Jr.” hay “sống khép kín + gặp các vấn đề về tâm lí = Jake Gyllenhaal”… Chiếu theo công thức ấy, chắc hẳn Scarlett Johanson = siêu nữ anh hùng + ngoại hình nóng bỏng + chiến đấu siêu phàm. Công thức quy đổi này đã khiến việc đi xem Ghost in the Shell vô tình trở thành “đi xem Scarlett Johanson” nhiều hơn là đi xem bộ phim với trọn vẹn nội dung và hình thức biểu đạt.

Ghost in the Shell mang Scarlett Johanson trở lại với kiểu nhân vật sở trường của mình - siêu nữ anh hùng.

Nhưng cũng không thể phàn nàn quá nhiều điều phi lí khi bạn ngồi ở hàng ghế khán giả, giữa rạp chiếu phim, với những người đang say mê thưởng thức điện ảnh ở bốn phía vì xét cho cùng, Scarlett Johanson có thể là một lựa chọn không có tính đột phá, nhưng là an toàn và tối ưu trong điều kiện mà việc casting một diễn viên châu Á thực sự để vào vai một nhân vật gốc Á, hay một nhân vật gốc Á là nhân vật trung tâm trong cả bộ phim vẫn còn là giấc mơ xa vời gây nhiều tranh cãi ở xứ cờ hoa. Và sự thực là, ở mức lưng chừng của chất lượng như cách mình đã làm với Lucy hay Black Widow, Scarlett Johanson đã phần nào thành công trong việc tạo ra một phiên bản điện ảnh của Major cho riêng mình.

Major là một robot với câu hỏi không lời đáp về sự tồn tại của mình.

Nếu như Scarlett Johanson trong vai Major lênh đênh giữa hai phía của một con robot chuyển động và một nữ diễn viên có tâm hồn, thì bản thân Ghost in the Shell nằm chênh vênh giữa bên này là một bộ phim hành động giải trí bạn có thể ra rạp xem bất cứ lúc nào, và bên kia là một tác phẩm sci-fi với xương cốt chống đỡ là những tư tưởng triết học được gài cắm. Có thể thấy rất rõ điều này trong nửa đầu của bộ phim, khi vị bác sĩ Ouelet hết lần này đến lần khác trấn an Major về thân phận, hay quá khứ của mình, gợi nhắc cô về sự tồn tại của phần “con người” trước đây - giờ tồn tại như một hồn ma giữa bộ não sinh học và cơ thể cơ khí. Ouelet không muốn Major quên đi quá khứ con người của mình - vì bộ não quyết định tất cả.

Scarlett Johanson đã phần nào thành công trong việc tạo ra một phiên bản điện ảnh của Major cho riêng mình.

Nhưng sự gợi nhắc ấy cũng chỉ dừng lại ở lớp bề mặt, bởi nó không có một chất dẫn truyền cụ thể để “thấm” vào Major. Khán giả có thể phàn nàn bởi lối dẫn dắt của Ghost in the Shell quá chậm chạp - trong nửa đầu khi Major vẫn còn là niềm hi vọng của tương lai mới, và cả phần sau, khi Major bắt đầu lao vào trận chiến thực sự. Mọi thứ đều có lí do của nó. Sự chậm chạp ấy chính là quãng thời gian cần và đủ để thực tại “thấm” vào Major, giúp những ý tưởng của Ouelet bám rễ vào bộ não sinh học của cô gái trẻ. Nhìn nhận bộ phim ở khía cạnh này, Ghost in the Shell là hành trình đi tìm lại “bóng ma” ẩn sau lớp vỏ của Major thay vì một cuộc chiến nổ ra vì tương lai của nhân loại hay sự diệt vong của loài người.

Ghost in the Shell là hành trình đi tìm lại “bóng ma” ẩn sau lớp vỏ của Major thay vì một cuộc chiến nổ ra vì tương lai của nhân loại hay sự diệt vong của loài người.

Một chút chuyện bên lề bộ phim. Nếu đã từng đọc qua tiểu thuyết Bản đồ mây (Cloud Atlas) của David Mitchell, ắt hẳn khán giả sẽ thốt lên “Ồ, đây chính là thành phố tương lai nơi chàng phiến quân Hae-joo Im và cô người máy Sonmi đã sống!”. Còn nếu trong trường hợp bạn chưa đọc cuốn sách này, thì cũng đừng muộn phiền. Hãy cứ trầm trồ trước những thứ bạn thấy trên màn ảnh. Một thành phố với những toà cao ốc mà mặt tiền nào cũng đầy rẫy những hình 3D kích thước khổng lồ. Một thành phố hiện đại và hoành tráng nhìn từ trên cao, nhưng trong từng góc nhỏ nhất vẫn hiện diện những thân phận khốn khổ vốn dĩ đầy rẫy trong bất kì xã hội “lạc hậu” nào trước nó. Đó là một thành phố mà giới hạn giữa con người và máy móc ngày một mờ nhạt. Con người sống trong xã hội ấy bị ám ảnh bởi việc muốn vượt qua những giới hạn mà cơ thể sinh học của mình có thể đạt được. Dường như tạo ra những con robot với họ còn chưa đủ. Họ muốn biến chính bản thân mình thành những con robot.

Concept art của bộ phim chắc chắn sẽ khiến người xem phải choáng ngợp.

Ngay ở đỉnh cao của sáng tạo, khi họ đã biết cách áp đặt cảm xúc của một con người vào cơ thể máy móc của robot, biến những con robot trở nên giống người hơn, thì ở phía ngược lại, loài người lại quên đi cách để làm chính mình. Có lẽ không hề sai khi cho rằng Major là tạo vật đầu tiên của giống loài mới - với cơ thể máy móc và xúc cảm của con người. Cũng không sai khi coi Major là hình tượng mà bất kì ai cũng muốn trở thành trong tương lai như lời bác sĩ Ouelet. Major hoàn toàn có thể chính là hình mẫu cao nhất, không phải của tiến bộ khoa học, mà chính là của sự tiến hoá mà con người có thể đạt được, trong viễn cảnh tương lai đầy bất trắc mà Ghost in the Shell đã vẽ ra trong 107 phút phim hành động chìm trong sắc xám - xanh lạnh lẽo.

Chia sẻ

Bài viết

Anh Phan

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất