Phim Ảnh

5 bộ phim kinh dị Việt 'đỉnh của đỉnh' trong 5 năm qua

Phương Thảo
Chia sẻ

Khi phim lấy đề tài ma quỷ ở Việt Nam ngày càng được chú trọng khai thác, có không ít bộ phim được khán giả coi là phim kinh dị hiện đại "đỉnh của đỉnh", không thua kém bất cứ "bom tấn" kinh dị thế giới nào!

Những năm trở lại đây, không chỉ các bộ phim tình cảm, hài hước Việt Nam nhận sự chú ý từ phía khán giả, mà phim lấy đề tài ma, kinh dị cũng có chỗ đứng không nhỏ trong lòng người hâm mộ. Những tác phẩm điện ảnh ngày càng được đầu tư nội dung, chăm chút về hình ảnh, diễn xuất, tạo ra diễn biến ly kì, hồi hộp nhưng vẫn logic. Bên cạnh đó, nếu phim kinh dị phương Tây thường khai thác yếu tố hù dọa khá xa lạ với khán giả Châu Á như: thứ Sáu ngày 13, Halloween, gã hề,… thì phim ma Việt tạo sức ám ảnh bằng chính những khung cảnh, hình ảnh gần gũi, thường ngày, nhưng trong một gam màu trầm uất, u ám hơn.

Khi phim lấy đề tài ma quỷ ở Việt Nam ngày càng được chú trọng khai thác, có không ít bộ phim được khán giả coi là phim kinh dị hiện đại “đỉnh của đỉnh”. Thậm chí, nhiều bình luận cho rằng từ diễn biến, cách xây dựng cốt truyện, cho đến diễn xuất, hình ảnh đều không thua kém bất cứ “bom tấn” kinh dị thế giới nào.

Lời nguyền huyết ngải (2012)

Lời nguyền huyết ngải là bộ phim kinh dị Việt Nam do đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thực hiện, lấy cảm hứng từ truyện ngắn Huyết đằng của Phạm Hải Anh. Phim xoay quanh ba sinh viên trường Đại học Y, tình cờ phát hiện ra loài ngải được luyện bằng máu người, cất giấu trong chiếc hộp gỗ cổ chứa mẩu cây khô héo và búa chú đặt sâu dưới ngăn sách lộn xộn ở nhà giáo sư Hoàn Sinh. Họ tìm đến ngôi nhà âm u, nơi Chiêu Dương (Yu Dương thủ vai) - cô gái 16 tuổi, xinh đẹp nhưng xanh xao, được tôn sùng là Thánh Cô - sinh sống. Phát hiện cái cây kì dị có hình dáng búi mạch máu khổng lồ sau nhà cô gái kì lạ, ba cậu sinh viên trộm cành cây mang về. Cũng từ đây, họ gặp phải những chuyện kì dị, ám ảnh ảo giác ma quỷ và dần khám phá câu chuyện về loài ngải khát máu…

Poster rùng rợn của bộ phim.

Lấy đề tài lạ lẫm: huyết ngải, Lời nguyền huyết ngải đưa người xem đến những cung bậc của sự tò mò, hồi hộp, xen lẫn sợ hãi cùng những tầng bí mật giăng mắc xuyên suốt bộ phim. Ngay từ đầu, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã khẳng định: “Đây là một câu chuyện hoàn toàn hư cấu”. Do đó, khán giả có quyền tự do với trí tưởng tượng, đẩy xa nỗi sợ hãi bằng chính các giả thuyết về bí ẩn trong phim. Bộ phim được coi là làn gió mới ở thể loại phim kinh dị Việt Nam thời điểm đó, tạo tiếng vang lớn về chất lượng cũng như doanh thu.

Trailer “Lời nguyền huyết ngải”.

Bên cạnh kịch bản độc đáo, ly kì, phim chú trọng chọn lựa diễn viên khi giao cho Yu Dương vai diễn Chiêu Dương, cô thể hiện thành công nét ngây dại trong khuôn mặt xinh đẹp nhưng xanh xao, tuy lời thoại ít, nhân vật vẫn tạo ám ảnh cho người xem bằng những hành động luẩn quẩn, ma mị như bóng ma. Ngoài ra, việc lựa chọn bối cảnh là chính khung cảnh quen thuộc tại Hà Nội, với gam màu cũ kĩ, u ám giúp Lời nguyền huyết ngải tạo nỗi sợ hãi chân thực cho khán giả Việt Nam.

Ngôi nhà trong hẻm (2012)

Cũng trong khoảng thời gian đầu năm 2012, cùng với Lời nguyền huyết ngải, bộ phim kinh dị của đạo diễn Lê Văn Kiệt mang tên Ngôi nhà trong hẻm nhận sự đón nhận từ đông đảo người hâm mộ. Phim bắt đầu bằng một bi kịch xảy đến với đôi vợ chồng trẻ: họ mất đứa con đầu lòng do người vợ (Ngô Thanh Vân thủ vai) sảy thai. Trở về nhà sau thời gian dưỡng thương trong bệnh viện, cặp vợ chồng Thành (Trần Bảo Sơn) - Thảo gặp những thay đổi kì lạ ở chính ngôi nhà.

Phim được đánh giá cao về những chi tiết hù dọa “rất đắt”, từ tiếng bước chân người chạy qua chạy lại, tiếng trẻ con khóc, cho đến các không gian hẹp, u ám: con hẻm nhỏ, ngôi nhà vắng, cánh cổng tự khép lại, mở ra… Đặc biệt, nỗi đau mất mát đến điên dại của người mẹ mất con được “đả nữ” Ngô Thanh Vân thể hiện sâu sắc, đẩy lên cao trào bằng hình ảnh cô cầm rìu đuổi chồng mình. Ngoài tình tiết kinh dị, nội tâm nhân vật là yếu tố không nhỏ tạo nên màu sắc trầm uất, bi thương đến “lạnh người” trong Ngôi nhà trong hẻm.

Trailer “Ngôi nhà trong hẻm”.

Chính vì thế, Ngôi nhà trong hẻm được giới chuyên môn đánh giá cao, phim trở thành chủ đề bàn tán cho khán giả trên các diễn đàn, trang mạng xã hội thời điểm đó. Phan Anh từng chia sẻ sau khi xem xong bộ phim: “Xét trên tiêu chí một bộ phim kinh dị thì trong một chừng mực nào đó, có thể nói Ngôi nhà trong hẻm rất thành công khi trong rạp có rất, rất, rất nhiều khán giả đã hét lên”. Bộ phim của đạo diễn Lê Văn Kiệt đạt doanh thu 2,4 tỷ đồng trong ngày đầu tiên ra mắt.

Quả tim máu (2014)

Quả tim máu là bộ phim tâm lý, ly kỳ kinh dị của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Victor Vũ, phim quy tụ dàn diễn viên Nhã Phương, Thái Hòa, NSƯT Kim Xuân, Quý Bình, Hoàng Bách, Tú Vi,… Dựa theo vở kịch cùng tên nổi tiếng một thời của Sân khấu kịch Phú Nhuận, phim kể về cô gái mới cưới - Linh (Nhã Phương thủ vai), được chồng đưa đi nghỉ sau ca phẫu thuật thay tim. Tuy nhiên, kể từ ngày thay tim, Linh liên tục gặp chuyện lạ và mơ về ngôi nhà trên vùng quê Đà Lạt. Đặc biệt, cơn mộng du kỳ lạ đưa vợ Sơn đến nấm mộ cô gái tên Phương, thì ra, Phương là chủ nhân cũ trái tim Linh mang trong người.

Hình ảnh Nhã Phương trong vai Linh.

Mang trong mình trái tim người đã chết, Linh và chồng liên tục gặp những hiện tượng siêu nhiên và bóng ma lởn vởn trong nhà. Cũng từ đây, bí mật dần hé lộ, từ câu chuyện Sơn từng lái xe va trúng Phương, hay bàn thờ cô gái tên Hồng được đặt ở tủ quần áo Tâm - chồng Phương, đến chủ nhân thật sự của quả tim. Quả tim máu tạo cho người xem cảm giác vừa hồi hộp, vừa lo sợ khi câu chuyện thắt, mở đầy kịch tính, xen kẽ cùng chi tiết kinh dị xuất hiện một cách bất ngờ.

Trailer “Quả tim máu”.

Quả tim máu được xem là bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng đến từng góc máy quay, ánh sáng mờ ảo, khung cảnh cũ kỹ, không gian mờ ảo bóng người, cho đến âm thanh cánh cửa va nhau lạch cạch… Bên cạnh đó, diễn xuất nội tâm của dàn diễn viên như Nhã Phương, Thái Hòa, Hoàng Bách,… gây ấn tượng cho người xem. Phim tạo nên “cơn sốt”, luồng gió mới lạ thời điểm đó, nhanh chóng cán mốc doanh thu 55 tỷ đồng với hơn 700.000 lượt người xem sau 10 ngày công chiếu.

Đoạt hồn (2014)

Hè năm 2014, bộ phim kinh dị “làm mưa làm gió” các rạp phim của đạo diễn Trần Hàm mang tên Đoạt hồn, đây là tác phẩm trong nước đầu tiên khai thác trực diện đề tài ma quỷ nhập hồn, tín ngưỡng tâm linh được thông qua kiểm duyệt. Do đó, phim dễ dàng “hù dọa” người xem bằng những chi tiết tâm linh, khi oan hồn đầy thù hận nhập vào thân xác đứa trẻ.

Đoạt hồn gây ám ảnh cho người xem về hình ảnh người phụ nữ tên Tuyết (Nhung Kate) điên cuồng, tay nắm chặt tượng đền thờ nhảy từ cây cầu xuống sông Hậu tại miền Nam Việt Nam. Cùng ngày ấy, cô bé 8 tuổi tên Ái (Thanh Mỹ) đi lang thang và chết đuối ở sông, tuy nhiên, em trở về từ cõi chết. Cũng từ ấy, nhiều chuyện kì lạ liên tục xảy ra trong gia đình ông Vương Gia Huy (Trần Bảo Sơn). Khai thác trực diện đề tài ma quỷ nhập hồn, tâm linh, Đoạt hồn tạo cảm xúc mạnh mẽ cho khán giả. Đặc biệt, khi nạn nhân là em bé gái 8 tuổi, người xem càng ám ảnh hơn bởi khuôn mặt ngây dại, đầy bí ẩn của em.

Trailer “Đoạt hồn”.

Bên cạnh đó, do đạo diễn Trần Hàm đảm nhận vai trò từ đạo diễn, viết kịch bản, dựng phim đến quay phim, Đoạt hồn thể hiện sự logic, liên kết chặt chẽ trong từng phân cảnh. Ngoài yếu tố kinh dị, phim “hack não” người xem bởi các sự thật kinh hoàng đằng sau những cái chết, như đạo diễn cho hay: “Phim là một câu đố mà khán giả cố gắng tìm lời giải đáp. Đó là một bí mật được hé lộ chậm rãi, đưa chúng ta ngày càng đi sâu hơn vào nỗi lo lắng và sợ hãi của nhân vật Chi. Cái kết của phim luôn là một phần của quá trình thiết kế phim, được dẫn dắt theo diễn biến câu chuyện. Tôi xem đó là một thách thức sáng tạo. Tôi tin với những ai hiểu được, họ sẽ thấy thỏa mãn”. Phim vượt qua kì vọng nhà sản xuất về doanh thu với 12 tỷ đồng sau 4 ngày công chiếu.

Cô hầu gái (2016) 

Trong không khí khá ảm đạm của dòng phim kinh dị Việt Nam năm 2016, Cô hầu gái của đạo diễn Derek Nguyễn như một làn gió mới, tạo nên “cơn sốt” trên màn ảnh rộng Việt. Lấy bối cảnh năm 1953, bộ phim xoay quanh những bí ẩn về căn biệt thự ở Đồn điền Sa Cát, nơi mang nhiều lời đồn thổi về hồn ma Camille - phu nhân đã mất của đại úy Sebastien Laurent, chủ đồn điền ma quái này. Linh (Nhung Kate), cô gái nghèo đã mất hết người thân sau trận dội bom khốc liệt chiến tranh, trong cơn đói khát tìm đến nơi đây mong có một công việc, chỗ nương thân…

Lược bỏ những tình tiết hài hước vốn thường xuất hiện trong phim Việt để tạo sức hút, Cô hầu gái mạnh dạn đan xen yếu tố kinh dị, ám ảnh cùng chuyện tình cảm lứa đôi, lãng mạn. Sự hù dọa có đầu cuối, không gian ma mị, kết hợp liền mạch giữa kịch bản, hình ảnh, âm thanh khiến Cô hầu gái trở nên chỉn chu và đáng xem. Đặc biệt, phim làm sống dậy bầu không khí ma mị của đồn điền u tối, chứa đầy tội ác thời kì Pháp thuộc, mang đến cho người xem trải nghiệm mới lạ, kích thích đến “từng tế bào thần kinh”.

Trailer “Cô hầu gái”.

Tình yêu giữa cô hầu gái và đại úy…

…đã thức dậy linh hồn.

Ngoài ra, khán giả ấn tượng với Nhung Kate, nữ diễn viên được đánh giá cao từ ngoại hình cho đến diễn xuất đầy nội tâm: từ cái chân chất, e dè của cô gái thôn quê, sự rung động, ghen tuông trong tình yêu khi thấy đại úy bên bà vợ, hay biểu cảm hoang mang, sợ hãi tột độ lúc nhìn thấy những bóng ma,… Có thể nói, lựa chọn Nhung Kate cho vai diễn này là quyết định thông minh của nhà làm phim, góp phần khiến Cô hầu gái trở thành một trong những bộ phim kinh dị đáng xem nhất năm 2016.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất