*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, tiết lộ một phần nội dung phim
Theo cập nhật từ Box Office Vietnam ngày 23/9, Cám vượt mốc doanh thu 50 tỷ sau 3 ngày công chiếu chính thức. Phim đạt tốc độ bán vé ấn tượng, xô đổ nhiều kỷ lục của điện ảnh Việt. Cám nhiều khả năng sẽ chạm mốc 100 tỷ nếu giữ vững phong độ như hiện tại.
Nhìn chung, đứa con tinh thần của đạo diễn Trần Hữu Tấn ghi điểm bởi bối cảnh đẹp, chỉn chu, song lại tồn đọng nhiều điểm trừ gây tiếc nuối.
Kịch bản gượng gạo, thiếu logic
Cám có tên cũ là Con Cám nhưng được nhà sản xuất đổi vào phút chót. Phim thuộc đề tài kinh dị, được lấy cảm hứng từ truyện cổ tích Tấm Cám nổi tiếng. Dự án này đánh dấu sự trở lại của bộ đôi ăn ý, đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân của Kẻ Ăn Hồn và Tết Ở Làng Địa Ngục.
Cám được thai nghén trước 2 dự án nói trên, tuy nhiên, ê-kíp muốn dành thời gian để đầu tư hơn vào đứa con tinh thần này. Theo Hoàng Quân, kinh phí cho cả bộ phim vượt 1 triệu USD, riêng chiếc mặt nạ hóa trang của Cám (Lâm Thanh Mỹ) đã là 2.000 USD. Trong phim, cô nàng sử dụng tổng cộng 19 chiếc.
Nhờ sự đầu tư bài bản, chỉn chu, Cám ghi điểm bởi hình ảnh đẹp, phục trang cầu kỳ. Làng Hương được hiện lên tuyệt đẹp, vừa yên bình, vừa nhuốm màu quỷ dị, kỳ bí. Bối cảnh chính của phim được đặt tại Quảng Trị, dàn cast ghi hình dưới cái nóng 42 độ C trong thời gian dài. Lớp hóa trang của nhân vật Cám, với chiếc mặt nạ xấu xí, con mắt giả gây ấn tượng mạnh.
Cám có thời lượng 122 phút, gắn nhãn 18+, với nhiều phân cảnh bạo lực, kinh dị. Nội dung phim dài dòng, kịch bản thiếu mạch lạc. Người xem sẽ có cảm giác phim bị cắt nhiều, chắp vá, đôi chỗ gây khó hiểu. Một số tình tiết, hành động của nhân vật có phần gượng gạo, dư thừa. Nhiều nhân vật phụ xuất hiện nhưng không được đào sâu, thậm chí có thể bỏ đi cũng không làm ảnh hưởng đến mạch phim.
Các phân cảnh hù dọa, kinh dị được thực hiện tốt ở hồi đầu, càng về sau càng nhạt, không gây bất ngờ. “Twist” được đặt vào khiên cưỡng, cái kết chưa đủ thuyết phục để kết lại sức nặng của câu chuyện. Được biết, ê-kíp vừa thông báo sẽ ra mắt phần 2, theo Thúy Diễm, đây là lời giải đáp cho những thắc mắc của khán giả ở phần 1.
Thúy Diễm an toàn, Lâm Thanh Mỹ tỏa sáng
Cám quy tụ sự tham gia của nhiều gương mặt mới, cùng các diễn viên đã dày dặn kinh nghiệm đóng phim. Thúy Diễm có sự trở lại an toàn, sau thời gian dài phát triển ở mảng truyền hình. Cách xây dựng nhân vật mẹ kế của Thúy Diễm thiếu chiều sâu. Rõ ràng mẹ kế có quá khứ rất bí ẩn, đau thương, nhưng về sau lại không được khai thác.
Cả phim người này chỉ biết cam chịu, nũng nịu với chồng, không thể hiện được sự uy quyền của phu nhân trưởng làng. Có thể nói, nhân vật lần này chưa khai thác được hết khả năng diễn xuất của Thúy Diễm.
Cũng như Thúy Diễm, Quốc Cường có màn thể hiện tròn vai nếu so với dự án trước của anh là Lật Mặt 6. Nam diễn viên có màn tung hứng tự nhiên với Thúy Diễm khi vào vai vợ chồng.
Còn Rima Thanh Vy gây ấn tượng mạnh với “cảnh nóng” táo bạo ở cuối phim. Nữ diễn viên phát huy lợi thế về ngoại hình, diễn xuất cũng ngày một tiến bộ. Màn thể hiện của Rima Thanh Vy gợi nhớ đến nhân vật của cô ở Mười: Lời Nguyền Trở Lại, đóng cùng Chi Pu. Nhân vật hoàng tử của Hải Nam rất điển trai, nhưng diễn xuất lại chưa ấn tượng.
Điểm sáng trong diễn xuất của phim Cám là diễn viên Lâm Thanh Mỹ. Trong vai Cám, nữ diễn viên biến hóa thuyết phục, chuyển cảm xúc tốt từ chính diện sang phản diện. Khác với truyện cổ tích, nhân vật Cám ở dự án này được xây dựng với tâm lý phức tạp, thiện - ác đan xen.
Khi bị “hắc hóa”, Lâm Thanh Mỹ “lột xác” chứng minh thực lực diễn xuất, khiến người xem tạm quên hình tượng diễn viên nhí, hay bé ma của điện ảnh Việt gắn liền với cô nhiều năm qua.
Ngoài tuyến nhân vật chính, một số diễn viên phụ làm mất điểm bởi màn thể hiện gượng gạo, lời thoại và đài từ cũng thiếu tự nhiên.