Trước đó, bản live-action 101 Chú Chó Đốm vào năm 1996 là bộ phim đi đầu khởi động cho trào lưu live-action của Disney, nhưng phải đến khi Alice in Wonderland năm 2010 thu về được 1 tỉ đô trên toàn cầu, Disney mới thực sự nghiêm túc đầu tư cho thể loại này. Chiến lược làm live-action đã mang về cho Disney nhiều thành công, trong đó nổi bật nhất phải kể đến Beauty and the Beast năm 2017 với tổng doanh thu 1.26 tỉ USD, trở thành bộ phim đứng vị trí thứ 14 trong danh sách những tác phẩm ăn khách nhất mọi thời đại.
Trong 2019, Disney quyết định chơi lớn khi ra mắt đến tận bốn bản live-action là The Lion King, Lady and the Tramp, Dumbo và Aladdin. Aladdin trước đó đã được nhận xét là “thế nào cũng được Disney chuyển thể thành live-action”. Bởi tác phẩm hoạt hình Aladdin gốc đã trở thành bộ phim “cá kiếm” nhất trong năm 1992 và giúp Disney vượt qua cơn khủng hoảng trong những năm 90. Không may là trailer của Aladdin vừa ra mắt đã nhận lại không ít phản ứng tiêu cực từ khán giả, mà đó là chưa kể đến những tranh cãi xoay quanh vấn đề “tẩy trắng”, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về chất lượng thực sự của bộ phim này.
Trailer vừa ra mắt đã nhận lại cả rổ gạch đá từ cư dân mạng
Trailer của Aladdin được ra mắt trong lễ trao giải Grammy và vấp phải không ít phản hồi tiêu cực từ khán giả. Trailer mới không tiết lộ gì nhiều ngoài cảnh hang động và tạo hình Thần Đèn. Điều đáng nói ở đây là phong cách của vị Thần Đèn này có gì đó sai sai, phần CGI thì cũng không được đầu tư như mọi người vẫn mong đợi, mà đó là chưa kể Will Smith ngay lập tức trở thành hình chế tràn lan trên các trang mạng. Video trailer đăng tải trên Youtube có 7.2 triệu lượt view thì đạt 59,000 lượt like trong khi lượt dislike lên đến con số 94,000.
Bối cảnh đất nước Ả Rập và dàn diễn viên cũng gây nên nhiều sự tranh cãi
Phiên bản hoạt hình Aladdin ra mắt từ 27 năm trước đã từng gây nhiều tranh cãi bởi đội ngũ đạo diễn và biên kịch là người da trắng. Lời bài hát mở đầu bộ phim là “Arabian Nights” vì vấp phải sự phản đối của một bộ phận người Ả Rập ở Mỹ mà phải thay đổi. Thậm chí, còn có một số ý kiến cho rằng Disney có ý “phân biệt màu da” vì hai nhân vật chính Aladdin và công chúa Jasmine có tông da sáng hơn hẳn so với nhân vật phản diện Jafar.
Phiên bản live-action của Aladdin được xem là một trong những cơ hội hiếm hoi để Disney có thể mang đến những thước phim sinh động về vẻ đẹp của Ả Rập và con người Trung Đông đến cho người xem qua một dự án “bom tấn” với kinh phí khủng. Tuy vậy, Disney vẫn vấp phải nhiều phản đối sau khi tuyển thêm Billy Magnussen- một diễn viên da trắng. Bởi nhiều khán giả cho rằng Disney đang cố gắng để bộ phim trở nên “thân thiện” hơn đối với đối tượng khán giả là người da trắng. Bên cạnh đó, dàn diễn viên của Aladdin không hề có người Ả Rập, người Trung Đông và đặc biệt, việc nữ diễn viên có dòng máu Anh- Ấn Naomi Scott được chọn vào vai Jasmine đã khiến dân tình vô cùng bức xúc. Điều này dấy lên nhiều câu hỏi về vấn đề phân biệt màu da, cụ thể là sự phân biệt đối xử đối với những diễn viên không thuộc chủng tộc da trắng ở Hollywood.
Tệ hơn nữa, vào tháng 1 năm 2018, đã có thông tin diễn viên quần chúng của Aladdin được trang điểm cho màu da sậm hơn để dễ dàng “hòa lẫn” với những diễn viên khác. Đương nhiên, Disney tiếp tục bị chỉ trích về việc quyết định dùng công nghệ trang điểm thay vì tuyển diễn viên da màu thực sự. Trước đó, khán giả đã hy vọng Aladdin sẽ là bước tiến lớn cho tính đa dạng hóa đối với ngành công nghiệp điện ảnh Hollywood nhưng căn cứ vào những bất cập nói trên, có lẽ Aladdin sẽ khó có thể đáp ứng điều này.
Việc chọn Guy Ritchie làm đạo diễn chưa chắc là một quyết định sáng suốt
Khác với những phim siêu anh hùng Marvel, Disney không thực sự khuyến khích đạo diễn “ứng biến” hay mang phong cách cá nhân vào đối với thể loại live-action. Điều này sẽ khiến Guy Ritchie khó có thể phát huy hết tiềm năng của mình.
Ritchie là một đạo diễn tài năng nhưng khi Disney công bố ông sẽ đạo diễn Aladdin, dân tình đã cảm thấy vô cùng bất ngờ. Trước giờ, sở trường của Ritchie vẫn là những bộ phim hình sự tập trung vào tầng lớp lao động ở London theo phong cách cá nhân không lẫn vào đâu được. Hơn nữa, Ritchie được biết đến với những thước phim dán nhãn R, hoàn toàn không “thân thiện với gia đình”. Nguyên nhân tại sao King Arthur: Legend of the Sword là một thất bại nhớ đời của Ritchie là vì ông đã cố gắng áp dụng công thức phim “bom tấn” thị trường cho bộ phim này. Chính vì vậy, tại sao Disney lại chọn Ritchie để đạo diễn một bộ phim như Aladdin là khá khó hiểu.
Công thức live-action của Disney chưa chắc sẽ hiệu quả đối với Aladdin
Aladdin là một bộ phim rất “ảo”, rất thất thường đúng cái chất của hoạt hình, đi kèm với những pha ứng biến ngẫu hứng của “Thần Đèn” Robin Williams và những pha “phá vỡ bức tường thứ tư” độc đáo. Việc truyền tải hết cái hồn của bản hoạt hình vào live-action không phải là không thể nhưng chắc chắn Disney sẽ gặp phải không ít khó khăn vì những vấn đề đã nói ở trên.
Dù vấp phải nhiều ý kiến trái chiều nhưng Aladdin vẫn được dự đoán sẽ khuynh đảo phòng vé năm sau. Có lẽ chúng ta sẽ phải chờ đến khi được chính thức chiêm ngưỡng Aladdin thì mới có thể nói thêm điều gì về chất lượng bộ phim này.