Có những bộ phim ảnh hưởng rất lớn và sau bao năm vẫn còn nguyên giá trị đã từng bị trượt giải Oscar. Có những diễn viên đã cống hiến rất nhiều và năm nào fan hâm mộ cũng chờ đón anh ấy/cô ấy được vinh danh nhưng mãi không thấy tên họ. Có những hạng mục luôn bị tranh cãi khi trao giải. Vì thế không tránh khỏi những câu hỏi được đặt ra về tính công bằng của giải thưởng này. Nguyên nhân đầu tiên của những tranh cãi về giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm Mỹ đến từ thành viên trong hội đồng bỏ phiếu. Họ là ai?
Tính đến năm 2011, có 6.404 thành viên trong hội đồng bỏ phiếu. Hội đồng có 15 nhánh tất cả, trong đó chiếm phần nhiều nhất là diễn viên với 1.205 thành viên (chiếm 22), nhiều thứ nhì là các nhà sản xuất (452 người), các giám đốc điều hành (437 người), tiếp đó là các nhà báo (368 người), cuối cùng là những người làm về âm thanh, ánh sáng, thiết kế, vân vân. Mỗi nhánh trong 15 nhánh nói trên được viết ra tên của 5 phim mà họ cho rằng hay nhất, từ số này sẽ được lập thành danh sách các đề cử chính thức.
Trong danh sách này, các thành viên lại tiếp tục chọn ra một cái tên duy nhất đánh dấu “X” gửi về Pricewaterhouse. Trong vòng 3 ngày, có 4 kiểm toán viên ngồi tại đây kiểm phiếu (họ bị cấm liên lạc bên ngoài và thậm chí không được nói chuyện với nhau trong suốt thời gian làm việc) và đưa kết quả cho hai người đứng đầu. Chỉ hai người này biết được kết quả chính thức cho tới đêm trao giải Oscar hàng năm.Và theo một nghiên cứu của Los Angeles Times năm 2012 chỉ ra rằng thành viên của Academy có tới 94% là người da trắng và 77% là nam giới với tuổi trung bình là 62. Quy trình nộp phiếu, kiểm phiếu và giữ bí mật thì không có vấn đề gì, vấn đề ở quy trình từng cá nhân bình chọn cho bộ phim/diễn viên/đạo diễn mà họ cho rằng xứng đáng.
Đa số thành viên ban giám khảo là đàn ông với độ tuổi trung bình 57, chịu trách nhiệm về việc lựa chọn những bộ phim hay nhất hàng năm, nhưng “chịu trách nhiệm” đến đâu và “lựa chọn” như thế nào thì vẫn là một ẩn số, bởi dường như Viện Hàn lâm không rõ ràng lắm về quy trình lựa chọn. Đã đành các thành viên phải được mời mới có cơ hội bỏ phiếu, nhưng họ có xem hết các phim và tự mình đánh giá chúng hay không? Trong lịch sử đã từng có trường hợp Henry Fonda (1905 - 1982) và James Garner (1928 - 2014), hai thành viên hội đồng xuất thân từ diễn viên, thừa nhận họ đã để vợ mình điền vào phiếu bầu. Dư luận đương nhiên không hài lòng về việc này.
Vẫn trong chủ đề tuổi tác, ở độ tuổi trung bình ngoài ngũ thập, liệu các thành viên hội đồng có quan tâm và ủng hộ những vấn đề thuộc xu hướng mới hay không? Lấy ví dụ, năm 2010, The King’s Speech và The Social Network đều được đề cử trong hạng mục Phim hay nhất. Một phim về vị vua Anh tìm cách vượt qua chứng nói lắp của mình để lãnh đạo dân tộc, một phim về anh chàng start-up xây dựng một mạng xã hội trên toàn cầu, phim nào sẽ được những người trung niên ưa thích hơn? Thậm chí trong thành viên hội đồng còn có cả những người 60 tuổi, 70 tuổi. Họ thấy phim The Social Network không đủ hấp dẫn hay họ chẳng hiểu phim này nói về cái gì?
Mãi tận năm 2013, Viện Hàn lâm Mỹ mới mời Cheryl Boone Isaacs làm chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Oscar, đưa bà trở thành người phụ nữ da đen đầu tiên giữ chức vụ này, đồng thời mời Ellen DeGeneres làm MC chương trình lễ trao giải cho năm 2014. Hành động này được coi là nhằm đa dạng hóa đội ngũ và giảm những chỉ trích về sự bất cân đối trong nội bộ những người bỏ phiếu. Như vậy, trong tổng số 87 mùa Oscar đã trao, 85 mùa được bình chọn bởi Hội đồng bất cân đối. Điều này lý giải phần nào những giải thưởng không được tâm phục khẩu phục.
Nhưng bất luận việc ai là chủ tịch của hội đồng trao giải, Oscar 2015 và danh sách đề cử năm 2016 đã cho thấy sự bất công và tính phân biệt. Dù Selma, tác phẩm do một người phụ nữ da đen chỉ đạo là Ava DuVernay, đã lọt vào hạng mục Phim hay nhất nhưng vẫn không thể giúp cô chen chân vào hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất. Với 94% đề cử thuộc về người da trắng, đó là lần thứ hai trong hai thập kỷ kể từ năm 1998, không hề góp mặt một người da đen nào. Trang Daily Beast bình luận rằng: “Oscar chẳng hề phản ánh xu hướng điện ảnh phức tạp, hiện đại và đa dạng văn hóa như thực tế, mà chỉ là ngày hội của những ông-già-da -trắng”.
Tưởng chừng những tiếng xấu sắp tan hoặc những chuyên gia Viện Hàn lâm sẽ làm mọi cách nhằm xoa dịu dư luận, tuy nhiên, Oscar năm nay tiếp tục sáng bóng hơn. Bộ phim về nhóm rap N.W.AS Straight Outta Compton dù gây tiếng vang vào mùa thu cũng chỉ giành được một đề cử Kịch bản xuất sắc nhất. Hàng loạt gương mặt khác bao gồm Michael B. Jordan và Tessa Thompson trong Creed, Idris Elba trong Beasts of No Nation, Teyonah Parris trong và sự xuất thần của Benicio Del Toro trong Sicario, thậm chí hai phụ nữ chuyển giới Mya Taylor và Kitana Kiki Rodriguez trong Tangerine đều nên có cơ hội được vinh danh tại giải thưởng điện ảnh cao quý này.
Theo bảng thống kê, chỉ có 6,7% đề cử diễn xuất trong tổng 1,668 đề cử kể từ năm 1929 là rơi vào tay người da màu. Đạo diễn Spike lee và diễn viên Jeda Pinkett Smith đã tuyên bố rằng sẽ tẩy chay buổi lẽ năm nay. Hôm thứ hai vừa qua, chủ tịch của Viện Hàn lâm Cheryl Boone Issaacs đã khẳng định về việc ra soát lại cách thức bình chọn và ngụ ý rằng, sự đa dạng hiện tại của Viện Hàn lâm “vẫn chưa diễn ra một cách nhanh nhất và theo cách mà chúng ta đều muốn”.