Nhắc đến các tác phẩm Hàn Quốc, có lẽ đa số khán Việt Nam sẽ liên tưởng đến các cảnh phim thơ mộng tựa như tranh, hay các lời thoại thấm đẫm chất “ngôn tình” cùng nhan sắc lung linh của các diễn viên. Đôi khi khán giả sẽ bỏ quên mất thể loại phim chính kịch - lịch sử tuy kén người xem nhưng rất giàu ý nghĩa. Lần gần nhất một tác phẩm cùng thể loại gây tiếng vang ở thị trường Việt Nam chính là The Battle Ship: Đảo địa ngục.
Điểm chung của hai tác phẩm, The Battle Ship: Đảo địa ngục và Ông hoàng đường đua, chính là đều sở hữu những cái tên “bảo chứng” cho phim. Nếu như tác phẩm ra mắt cách đây hai năm gây ấn tượng với So Ji Sub, Song Joong Ki thì Ông Hoàng Đường Đua: Um Bok Dong cũng thu hút khán giả nhờ Bi Rain và Kang So Ra. Nhờ có danh tiếng của các diễn viên thực lực, các thể loại phim kén người xem như thế này mới có cơ hội được đến gần hơn với khán giả.
Thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ nhất mà bộ phim mong muốn truyền tải xuyên suốt bộ phim chính là tinh thần dân tộc của 20 triệu người dân Đại Hàn Dân Quốc dẫu họ đang chịu sự đàn áp, cai trị của Nhật Bản trong những năm 1910. Bộ phim sẵn sàng vạch trần mặt tối của xã hội Hàn Quốc lúc bấy giờ và cả chế độ cai trị tồn tại nhiều điểm vô lý của đế chế Nhật Bản.
Khi ấy, Nhật Bản dùng nhiều hình thức bóc lột người dân Hàn Quốc bao gồm cả việc thu mua ruộng đất để nông dân thất nghiệp, bắt họ làm việc nhiều tiếng một ngày ở những nơi có điều kiện sinh sống thấp, không được phép nghỉ ngơi nếu chưa làm xong việc. Tàn nhẫn hơn, họ sẵn sàng giết chết những người làm cách mạng - nhóm người đấu tranh thầm lặng vì một tương lai tươi sáng hơn của đất nước.
Nhưng chính quyền Nhật Bản không phải là đối tượng duy nhất mà nhóm cách mạng phải đương đầu. Mục đích lớn lao và cuối cùng của họ chính là niềm tin của người dân Hàn Quốc đối với chính dân tộc của mình. Chỉ khi con tim của hàng triệu người hoà làm một, sức mạnh của một đất nước mới trở nên mãnh liệt nhất. Họ đã quyết định lựa chọn cuộc đua xe đạp để tác động lên người dân - một cuộc đua rất có tầm ảnh hưởng đối với cả hai nước mà đại diện Nhật Bản đã giành chiến thắng 12 lần liên tiếp.
Khi đó, Um Bok Dong (Bi Rain) may mắn được chọn lựa để trở thành một trong những vận động viên đua xe đạp đại diện cho Hàn Quốc. Đây thật sự là một dấu mốc thay đổi hoàn toàn bản thân cuộc đời anh chàng nói riêng và lịch sử Hàn Quốc trong giai đoạn này nói chung.
Nếu như gọi Um Bok Dong là một “anh hùng” thì có lẽ sẽ có một chút xa lạ. Thật ra, anh chàng cũng có một xuất phát điểm gần như bao người khác, thậm chí có phần vất vả hơn, đáng thương hơn. Chính vì tính cách thật thà đến mức “ngây thơ” của mình, anh đã không ít lần bị lừa gạt, bị lợi dụng bởi người khác. Nhưng ở Um Bok Dong có điều quan trọng mà lịch sử tìm kiếm: tấm lòng nhiệt huyết thuần khiết, chân thành, không nhuốm màu chiến tranh, ganh đua.
Ngoài tính cách đáng mến, Um Bok Dong còn có tình yêu mãnh liệt với xe đạp. “Xin hãy cho tôi được đạp xe” - lời cầu xin thành khẩn cứa vào trái tim của nhiều khán giả đến rạp thưởng thức bộ phim này. Lần đầu tiên kể từ khi cuộc đua xe đạp này diễn ra, Hàn Quốc đã chiến thắng. Um Bok Dong đã chiến đấu vì tình yêu xe đạp của mình, vì niềm vui của những người mà anh yêu thương, vì để giành lại trái tim của toàn bộ người dân Hàn Quốc. Một con người nhỏ bé như thế, liệu có đủ khả năng tạo một ảnh hưởng to lớn như vậy? Liệu anh có thể tránh khỏi những cám dỗ vô hình từ sự nổi tiếng và áp lực từ phía Nhật Bản?
Kỳ tích mà Um Bok Dong tạo ra không phải là một ánh hào quang của duy nhất một nhân vật. Mà phía sau, còn có sự hy sinh quên mình của người cách mạng Hyung-shin (Kang So Ra) và khả năng “nhìn xa trông rộng” của ông chủ xưởng xe đạp Hwang Jae Ho (Lee Beom So).
Ông hoàng đường đua: Um Bok Dong không phải là một bộ phim lịch sử khô khan. Thực trạng Hàn Quốc lúc bấy giờ được miêu tả rất sống động, chân thật và tác phẩm cũng lồng ghép một vài yếu tố hài hước rất khéo léo, mượt mà.
Ông hoàng đường đua: Um Bok Dong sẽ ra mắt khán giả Việt Nam vào ngày 22/03.