Phim Ảnh

Những vị chủ tử phản diện được yêu thích trong kho tàng cung đấu TVB

Bảo Đặng
Chia sẻ

Dù mang màu sắc phản diện, song những vị chủ tử này lại được đông đảo khán giả yêu thích bởi thần thái đỉnh cao và diễn xuất thần sầu. Tất cả tạo nên một hương vị đặc trưng mà một bộ phim cung đấu cần có: thủ đoạn, tài trí, tâm cơ.

 Như Phi - Thâm cung nội chiến

Mở đầu khung cảnh phim cho ta thấy, dù là phi tử, nhưng cốt cách của Trần Phi và Như Phi khác nhau: một bên ngồi kiệu người khiêng, kẻ giả dạng thái giám lẩn trốn trong sợ hãi. “Biết sai chịu sửa thì thật đáng khen. Nhưng bổn cung cho rằng, biết sai chịu sửa thì cũng phải thật đúng lúc, bằng không thì cũng vô ích!” - Như Phi đanh thép.

Khuất sau vẻ hào nhoáng của hậu cung lúc bấy giờ là màn tranh đấu không hồi kết giữa Như Phi và Hoàng hậu. Dù nắm giữ phụng ấn nhưng Hoàng hậu cũng phải kiêng nể Như Phi ba phần, cho thấy ở vị chủ nhân Vĩnh Thọ cung luôn toát lên một điều: thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết. Một trong những câu nói làm nên thương hiệu của Như Phi nương nương: ”Tử cấm thành có ma thì sao chứ, ma cũng là do người biến thành. Lúc sống không đấu lại bổn cung, làm ma chắc có tài này.”

Nhưng đâu ai biết trước được đường dài. Rơi vào quỷ kế của Hoàng hậu, Như phi dần bị Hoàng thượng chán ghét và mất đi sự sủng ái. Lúc này khán giả lại được chiêm ngưỡng đỉnh cao diễn xuất của Đặng Tụy Văn, một Như Phi quyền lực bỗng chốc gần như mất tất cả, cô trở nên điềm đạm và an phận trong phật đường chép kinh. Máu chảy ruột mềm, nỗi lòng mong nhớ con luôn thôi thúc Như Phi, nhưng rồi cuối cùng tận mắt nhìn đứa con gái bé bỏng qua đời trên tay mình.

Giữa đêm đông lạnh giá, có một người mẹ cố nén nước mắt, ngậm nén đau thương, một lần nữa “lợi dụng” sự ra đi của con gái để đổi lấy sự thương cảm, đau xót tột cùng của Hoàng thượng, vì cô biết rằng, chỉ khi có quyền lực, cô mới có thể trả thù cho con mình. Phượng hoàng hồi sinh, một lần nữa Vĩnh Thọ cung khôi phục vẻ uy nghiêm vốn có. Cũng từ việc vực dậy sau đau thương, Như Phi dần biến thành một con người hữu tình. Cuối phim, dù có tình cảm với Khổng đại nhân song vì muốn bảo toàn tính mạng cho tất cả, cô chọn ở lại đấu với Hoàng hậu. Một Như Phi kiên cường, mạnh mẽ cả đời không sợ mưu tính của kẻ khác, thử hỏi khán giả làm sao không yêu thích cô được chứ?

Thuần Quý nhân - Thâm cung nội chiến

Thoạt đầu Nhĩ Thuần cho chúng ta thấy hình ảnh một tiểu chủ khiêm nhường và trầm ổn. Nhưng ẩn dưới vẻ ngoài đó là một sự sắp đặt của kẻ đằng sau đưa cô tiến cung nhằm củng cố địa vị. Khoảnh khắc Nhĩ Thuần hắc hoá khiến khán giả được một phen mãn nhãn bởi nét biểu cảm, ánh mắt và ngữ điệu trong từng câu thoại. Trong đó phải kể đến màn “lật bánh tráng” với tốc độ ánh sáng khiến cho cô bạn Ngọc Doanh (Hoa Quý nhân) một phen điêu đứng dè chừng.

Thế nhưng, chìm dưới màn sương lạnh giá, tồn tại một mảnh đời bất hạnh. Nhĩ Thuần từ nhỏ đã bị chia cắt với tỷ tỷ ruột, tới cuối vẫn không biết Phúc Nhã (Phú Quý nhân) chính là tỷ tỷ ruột của mình. Nàng cứ dại khờ quan tâm, nghe lời người chia cắt hai tỷ muội - Từ Vạn Điền (Từ công công). Có ai biết rằng, lúc nàng chấp nhận việc thị tẩm, chẳng phải do một phút ghen tuông khi nhìn thấy người mình mến mộ lúc bấy giờ là Tôn Bạch Dương đem quà tới tặng cho Ngọc Doanh thôi sao? Cuối phim thì Nhĩ Thuần cũng buông bỏ lòng ghen tuông với Ngọc Doanh để đi đến cứu nàng ta. Nhìn bề ngoài, Nhĩ Thuần có vẻ vô tình, nhưng nàng lại là người có tình cảm.

Thái hoàng thái hậu - Cung tâm kế

Thái hoàng thái hậu của ba triều, còn là cháu gái của Phần Dương vương Quách Tử Nghi có công với Đại Đường, thân thế hiển hách. Với xuất thân trên, ai mà không sợ vị chủ tử này. Một trong những câu nói giáo huấn khó quên của Thái hoàng thái hậu đối với chúng cung tì trong tam cung lục viện: ”Một ngày làm nô, suốt đời làm nô.” Bà muốn cảnh tỉnh những ai đang nuôi mộng một bước từ chim trời biến thành phượng hoàng.

Với diễn xuất gạo cội cùng đôi mắt biết nói, nữ diễn viên Tạ Tuyết Tâm đã thổi hồn vào bộ phim cung đấu đình đám của TVB này. Từng động tác, cử chỉ, ngôn từ cho đến ánh mắt đều toát lên hơi thở hoàng gia của một vị chủ tử đứng trên ngôi vị bậc nhất lúc bấy giờ. Tuy thủ vai phản diện, ngày đêm muốn trừ khử hai mẹ con Trịnh Thái phi, nhưng không thể phủ nhận tài chỉnh đốn cung quy và thưởng phạt phân minh của bà. Ngay cả khi nô tì hầu hạ lúc thuở nhỏ trong một lúc bị quyền lực làm cho mờ mắt, bà cũng không vì tình xưa tha thứ. Để làm cho Thái hậu đây hài lòng, không ít lần chúng nô tài rơi vào trạng thái lao đao, lo sợ.

Lệ phi - Cung tâm kế

Nhân vật này được xem là một trong những vai diễn thành tựu của Dương Di. Nhập cung cùng Tam Hảo (Xa Thi Mạn) từ nhỏ, Diêu Kim Linh (Dương Di) cùng người chị em kết nghĩa của mình cứ thế nương nhau mà sống. Nếu như Tam Hảo nói lời hay làm việc tốt có lòng thiện thì Kim Linh trong lòng đầy toan tính. Nhiều lần bị ức hiếp và chịu tủi hờn, Kim Linh bị dã tâm muốn trở thành chủ tử thôi thúc, và cuối cùng cô đã được như ý muốn, trở thành phi tử của Hoàng thượng.

Tại đây khán giả được xem màn hắc hoá của Kim Linh sau khi được sắc phong làm Lệ phi. Sau ngày đại hôn, cô bị Hiền phi tát cho một bạt tai cảnh cáo. Nàng Lệ phi sau đó vẫn nhịn nhục lấy lòng Hiền phi, Thái hậu và cung tì dạy thêu với mục đích tặng quà cho Hiền phi tỷ tỷ. Và quà tặng chính là hai cái tát trực diện khiến cho Hiền phi không có đường để đỡ. Vừa được tát, vừa được Thái hậu và Hoàng thượng bên vực, hỏi có ai trong cung này làm lại Lệ phi? Dã tâm và ham muốn quyền lực không dừng lại ở đó, cô còn giết chết Bố công công, người đã từng dìu dắt mình và xử trí mẹ con Hiền phi, mưu sát Thái hậu vu oan Tam Hảo, cuối cùng là tiễn Mã Đại tướng quân một đoạn vì đã tát cô. Sau cùng vì lời hứa năm xưa, cả Hoàng thượng cũng không thể giết cô. Song điều làm khán giả yêu thích nàng Lệ phi là tính cách thảo mai, giả lả, mưu mô nham hiểm không ai sánh bằng.

Y Lan - Vạn phụng chi vương

Từ một Mục vương Phúc tấn không tham với đời, ngay cả khi sắp bị đưa đi tuẫn táng (chôn cùng người chết) cô - Nữu Hỗ Lộc Y Lan cũng không lời oán than. Sau khi được sắc phong làm Toàn Phi của Hoàng thượng, cô vẫn an phận thủ thường, dẫu vậy những mưu mô chước quỷ trong thâm cung nào buông tha cô, từng bước đẩy cô vào hố sâu vạn trượng. Vấp ngã thì phải biết đứng lên, kể từ đây Y Lan chính thức gia nhập cung đấu.

Thoát khỏi cạm bẫy của Hoàng hậu và Thái hậu, Toàn Phi từng bước trở thành Toàn Hoàng quý phi, trong hậu cung chỉ dưới Thái hậu và Hoàng hậu. Hoàng quý phi với trí thông minh sẵn có cùng mối thù giết cha (do gia đình Hoàng hậu gây ra) thôi thúc đã khiến cho hoàng hậu nhà tan cửa nát, sau cùng còn bị Hoàng thượng phế truất vì tư thông với Vương gia. Mặc cho Hoàng thượng đã tha thứ Thái hậu, Y Lan vẫn bức bà vào đường chết, vì kẻ đứng sau mọi chuyện thị phi trong hoàng cung chính là bà. Ngày trước, Tĩnh Quý nhân do cố ý phóng hỏa muốn giết chết con của Y Lan, nên Hoàng quý phi quyết lấy lại cả vốn lẫn lời, thiêu sống Tĩnh quý nhân đang mang thai trong Chung Tuý cung, khí quý nhân một xác hai mạng. Thuận ta thì sống, nghịch ta thì chết, có thể thấy Tuyên Huyên đã khắc họa rõ nét hình tượng một Nữu Hỗ Lộc Y Lan vạn phụng chi vương, mẫu nghi thiên hạ.

Đâu là vị chủ tử phản diện mà bạn yêu thích nhất?

Chia sẻ

Bài viết

Bảo Đặng

Tin mới nhất