Như Phi là một trong những vị phi tần có địa vị và hành động quả quyết nhất trong hậu cung của Gia Khánh Đế. Trong phim, Như Phi (diễn viên Đặng Tụy Văn) có tên thật là Nữu Hỗ Lộc Như Nguyệt, nhập cung từ rất sớm. Sau đó, khi có được ân sủng vô hạn từ Hoàng thượng, bà thậm chí còn át mất quyền quản lí lục cung của Hoàng hậu Hiếu Hòa Duệ.
Như Phi giai đoạn đầu trong phim, ngoài việc bức chết phi tần, dùng con tranh sủng, bà còn lôi kéo và nắm giữ không ít bí mật của những tú nữ mới nhập cung. Chỉ tiếc bà trúng kế của Hoàng hậu nên chịu cảnh cấm túc. Không chấp nhận sống tàn trong cung, bà từng có ý bỏ trốn, nhưng số kiếp buộc bà ở lại hậu cung. Từ đó, bà quyết đấu đến chết cùng Hoàng hậu Hiếu Hòa Duệ. Cả hai không phân thắng bại.
Trong Hậu cung Chân Hoàn truyện, chúng ta không thể bỏ qua “sủng phi ngàn đời” - Hi Quý phi (Nữu Hỗ Lộc) Chân Hoàn (diễn viên Tôn Lệ) của Ung Chính Đế. Cô từ thân phận một phi tần nhỏ bé, sống không màng thế sự, dần dần trở thành một phi tử nhiều thâm kế. Đối mặt với một Hoàng hậu Nghi Tu (diễn viên Thái Thiếu Phân) quá mưu mô và một Hoa Phi Niên Thế Lan độc đoán (diễn viên Tưởng Hân), Chân Hoàn đã không ngại lôi kéo thêm nhiều đồng minh, giở không ít mưu kế như gậy ông đập lưng ong, kế nghi binh,... để đưa các đối thủ của mình về miền cực lạc.
Có lẽ, ngoài ân sủng, việc giúp bà củng cố địa vị của mình trong cung đó là sinh cho hoàng gia ba người con và làm dưỡng mẫu của Tân đế, Hi Quý phi một bước trở thành Thái hậu, hậu thuẫn mạnh mẽ. Đổi lại, sau nhiều năm tranh tranh đấu đấu, cô đã không còn tha thiết gì về tình yêu đôi lứa, sự thủy chung với quân vương.
Bộ ba phi tần Hân - Đoan - Kính là những hậu phi đã vượt qua được trận đấu không hồi kết của hậu cung Ung Chính Đế. Lí do duy nhất để họ sinh tồn được sau bao sóng gió đó chính là lên đúng thuyền, phò đúng chúa. Từ đầu, cả ba nhân vật này đều nhìn thấy được sự đáng tin cậy ở Chân Hoàn. Kính Phi thì nhìn được sự thiện lương của Chân Hoàn khi cô là người duy nhất quan tâm đến một Tứ A ca đang chịu cảnh thất sủng. Hay Đoan Phi sớm đoán định được sự cơ trí và vẻ ngoài xuất chúng của Chân Hoàn sẽ giúp Chân Hoàn có được sủng ái bất tận trong cung. Với Hân Tần, Hân Tần vốn là một phi tần nhỏ bé, ngay từ đầu, có lẽ cô dựa dẫm vào Chân Hoàn để lấy tiếng, tuy vậy, càng về sau, cô càng nể phục khả năng đối nhân xử thế của Chân Hoàn.
Sự thật chứng minh, mắt nhìn người của ba vị nương nương là không hề sai khi đã về phe quán quân. Thái hậu Chân Hoàn đã giúp họ an ổn trong cung với vị trí Thái phi lão luyện.
Không hoàn toàn giống với bộ ba Đoan-Kính-Hân của Hậu cung Chân Hoàn truyện, bộ sậu phi tử trường sinh của vua Càn Long gồm Dĩnh Phi - Dung Phi - Du Phi và Khác Tần, họ không theo phe ai cả (vì Như Ý - Kế hậu đã mất trước đó rất lâu), họ tự tạo nên giang sơn của mình trong cung. Du Phi trở thành người phụ nữ quyền lực nhờ việc cô sinh hạ Ngũ A ca Vĩnh Kì - vị Hoàng tử được Vua Càn Long gửi gắm nhiều kì vọng. Đồng thời, cô cũng là người có thâm niên trong cung khi nhập cung từ thời Càn Long Đế còn ở Tiềm Để làm Bảo Thân vương.
Về phía Dĩnh Phi và Khác Tần, hai cô tuy ban đầu cũng mong cầu sự sủng ái của Hoàng thượng, nhưng về sau, họ cũng không trông mong nhiều vào thứ tình cảm sớm nắng chiều mưa. Thứ họ dựa dẫm vào chính là tiềm lực về quân sự và kinh tế cho triều đình của nhà mẹ - 48 bộ tộc Mông Cổ. Đây là lí do vì sao Lệnh Hoàng quý phi, tuy giữ chức cao nhưng chưa bao giờ hạ bệ được các phi tần Mông Cổ. Thậm chí, con cái của Lệnh Hoàng quý phi cũng sớm được Càn Long tách khỏi mẹ ruột, gửi cho các phi tần Mông Cổ nuôi dạy.
Dung Phi Hàn Hương Kiến - cao thủ không cần tranh thủ trong cung, cô là người phụ nữ duy nhất không ham muốn sinh con cho Càn Long. Cô nhập cung vì bị ép buộc. Sau đó, cô ngầm nhận ra sự sủng ái, si mê mà Hoàng thượng muốn dành cho mình, nên cô thẳng thừng quăng bỏ thứ tình cảm này. Cầu mà không được, Càn Long lại càng thêm yêu chiều cô. Đây trở thành vũ khí giúp Dung Phi sống trường thọ trong cung mà không sợ bất cứ thế lực nào.
Bộ phim Mị Nguyệt truyện giới thiệu đến khán giả một trong những nhân vật quyền lực nhất trong lịch sử Trung Hoa đó là Tuyên Thái hậu Mị thị. Bà chỉ là thị thiếp của Tần Huệ Văn vương. Khi Tần vương qua đời, chính thê của ông là Huệ hậu và đích thái tử Doanh Đãng chấp chính nhưng không thành công, dẫn đến họa diệt vong Đại Tần. Lúc này, Mị Bát tử cùng con trai Doanh Tắc được hồi triều, và các quan ủng lập làm Thái hậu và Tân đế.
Theo bộ phim, để có được vị thế này, bà không hề tranh sủng với các nữ nhân trong cung. Bà chỉ nuôi trong mình chí lớn nhìn non sông khắp nơi thống nhất. Điều này đã đúng với tâm nguyện của Tần Huệ Văn vương. Cả hai ngoài là vợ chồng, thì còn là hai người chung chí lớn. Mị Bát tử, bên cạnh việc không vướng vào thị phi hậu cung, bà còn được sự che chở ngầm từ Đại vương, do đó bà không hề nhúng chàm tranh sủng, trở thành một người có địa vị và đức độ của hậu cung. Dù cho Vương hậu căm ghét bà ra sao, Ngụy Phu nhân ganh tị bà thế nào, cũng không làm gì được.