Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Những khúc ca nồng nàn thổi hồn cho câu chuyện tình yêu của Issac và Phan Ngân trong 'Mùa viết tình ca'

“Mùa viết tình ca” là câu chuyện tình yêu mà ai cũng muốn được kể một lần trong đời. Điều khiến cho bộ phim trở nên hấp dẫn và ngọt ngào chính là khung cảnh lãng mạn được vẽ nên bằng những khúc nhạc réo rắt. Hãy cùng điểm qua những bản nhạc trong trẻo ấy nhé!

Mùa viết tình ca mang hai tâm hồn xa lạ là Bảo Trung (Issac) và Lam (Phan Ngân) lại gần nhau hơn. Bảo Trung, chàng công tử nhà giàu, tưởng chừng như đang rất thành công trên đài danh vọng bỗng hoá tội đồ chỉ sau một đêm. Lam, cô gái có vẻ đẹp mặn mòi vị biển cả, tưởng chừng như sẽ có một đám cưới hoành tráng bỗng hoá thành cô gái độc thân cũng chỉ sau một đêm. Họ được gió biển Mũi Né thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu nguội lạnh, được những bản nhạc đậm đà âm hưởng nhiệt đới réo gọi phải đến bên nhau. Chuyện tình đẹp ngời ngời ấy chính thức bắt đầu.

Một trong những yếu tố làm nên thành công cho Mùa viết tình ca chính là khung cảnh biển trời mênh mang. Với những góc quay rộng và màu sắc được căn chỉnh hợp lý, bộ phim thật sự đã mang được cả một miền biển nhiệt đới oi ả về thành thị, giúp khán giả cảm nhận được sự sống động của câu chuyện mà nhà làm phim muốn kể. Quả thật với những hàng dừa tươi xanh, những bè cá vuông vắn, những chiếc thuyền được sơn phết sáng tạo, biển Phan Thiết hiện lên đầy trẻ trung và tinh khôi trong mắt khán giả.

Điểm đặc biệt của khung cảnh trong Mùa viết tình ca chính là sự chân thật. Cảnh du ngoạn ở miền biển thì bao la bát ngát, cảnh tỏ tình thì du dương, bay bổng. Để làm được điều đó, nhà làm phim đã khéo léo dệt lên giữa những bối cảnh khô khan những khúc nhạc mướt mát, sôi động.

Bảo Trung và Lam có thể có được những khoảnh khắc yêu đầy thơ mộng đều nhờ vào những bài hát được lồng ghép phía sau. Hãy cùng điểm qua một số ca khúc tươi trẻ đã làm nên điều diệu kì cho Mùa viết tình ca nhé!

Vào hạ (sáng tác: Lê Hựu Hà)

Khung cảnh cả nhóm Bảo Trung cùng nô đùa với nhau dưới bầu trời bát ngát bỗng vang lên giai điệu của ca khúc Vào hạ: “Trời nhẹ dần lên cao hồn tôi dường như bóng chim” quả thật đã giúp cho biển Mũi Né thêm phần tự do, khoáng đạt. Cũng nhờ ca khúc này đã cho biển cả có sự gắn kết với các tuổi trẻ của nhân vật.

Màu xanh của biển vốn trong trẻo và xanh mát như tuổi thanh xuân của một người. Nghe Vào hạ giữa mây trời Phan Thiết quả thật khiến khán giả muốn ùa vào những trò chơi trên biển cùng các nhân vật.

Dòng thời gian (sáng tác: Nguyễn Hải Phong)

Khoảnh khắc Bảo Trung cảm thấy mọi cánh cửa như đóng sầm lại với mình cũng được kể bằng âm nhạc. Không sử dụng dày đặc ngôn ngữ điện ảnh để diễn tả nội tâm nhân vật, chỉ một bản Dòng thời gian: “Bao nhiêu năm rồi làm gì và được gì, ngày tháng sao vội đi, đôi khi không như ý” đã giúp Bảo Trung nói hết nỗi lòng của mình với khán giả. Bước chuyển trong bài hát từ mộc (acoustic) sang điện tử (EDM) như ẩn dụ cho một tuổi trẻ nếu sai thì phải dám đương đầu, vấp ngã thì phải đứng lên bắt đầu lại. Quả thật, bài hát này tuy không được Bảo Trung hát vang trên bãi biển nhưng nó cũng khiến không ít người nhớ về biển cả và cát vàng. Tuổi trẻ nếu được ví như bờ cát dài cũng rất thú vị. Bởi cả hai đều có một điểm chung là có thể xoá đi những dấu vết mà con người để lại. Những gì tuyệt vời nhất sẽ khắc sâu vào trong tim, những gì buồn bã nhất sẽ được biển cuốn trôi vào dĩ vãng.

Liên khúc Còn mãi yêu em - Huyền thoại người con gái (sáng tác: Nguyễn Trung Cang - Lê Hựu Hà)

Trong phim, tuổi trẻ được kể không chỉ ở một thế hệ mà là hai thế hệ. Tuổi trẻ của nhóm bạn Lam và tuổi trẻ của ba Lam đều được bộ phim vẽ lại một cách tròn trịa. Không sử dụng quá nhiều những cảnh hồi ức, bộ phim chọn cho mình liên khúc Còn mãi yêu em - Huyền thoại người con gái để kể về tuổi trẻ của các nhân vật. Cả hai bài hát đều được viết từ rất lâu, xuất hiện trong bộ phim lần đầu tiên với phiên bản mộc. Nó là khúc hát tuổi trẻ của chú Phong (Chí Tài), ba Lam. Chỉ cần nhìn cách chú Phong cảm nhận bài hát và hát vang lên giữa núi rừng Phan Thiết, chúng ta có thể hình dung được cái sức trẻ hừng hực năm nào vẫn còn cháy mãi trong người nghệ sĩ ấy.

Và ca khúc ấy đã được xuất hiện một lần nữa, nhưng trong một diện mạo rất hiện đại - Electro. Bản nhạc được phối lại và được hát nghêu ngao bởi chú Phong và bạn bè của Lam cho thấy tuổi trẻ của cả hai thế hệ đang hoà nhịp cùng nhau. Và khúc hát này như một bài hoan ca hát cho những ngày trẻ tươi đẹp. Chỉ cần bạn có tuổi trẻ, bạn hoàn toàn có quyền tung tẩy với nó và bạn nên tự hào về những tháng năm tưng bừng, khó phai ấy.

Con đường màu xanh (sáng tác: Trịnh Nam Sơn)

Bên cạnh những bài hát thơm nồng hương vị tuổi trẻ, chúng ta phải kể đến những bản tình ca xuất hiện trong phim, giúp khung cảnh của phim thêm phần lãng mạn, tha thiết. Tình ca trong bộ phim, ngoài những khúc hát hạnh phúc còn có cả những khúc ca nói về sự biệt li. Trong cảnh Lam chia tay người yêu cũ, cả hai đã cùng hoà giọng lần cuối cùng với ca khúc Con đường màu xanh: “Người yêu ơi vẫy tay biệt li, em thênh thang trên con đường dài”. Ca khúc chia li này không khiến con người ta day dứt hay dằn vặt mà gợi lên cho khán giả cảm giác đoạn tình này đã có riêng cho mình một hồi kết.

Khung cảnh xung quanh Lam và người yêu cũ chìm giữa không gian âm nhạc vang vọng cũng thoáng buồn bã theo. Chiếc cầu dây văng một thời ngóng trông cả hai hát lời chung đôi nay lại phải lặng lẽ tiễn đưa một người, quả là luyến tiếc. Rừng cây Phan Thiết cũng khe khẽ hoà với bài hát để chào tạm biệt một chuyện tình đẹp nhưng không trọn vẹn. Cả hai người rồi sẽ tìm được một bản tình ca mới cho mình. Một chuyện tình đẹp là một chuyện tình có đầu và có kết rõ ràng, dù có trọn vẹn hay không thì chúng ta cũng nên sống vì tương lai phía trước, không nên giày vò người mình từng một thời yêu thương.

Mùa viết tình ca (sáng tác: Nguyễn Hoàng Dũng)

Và cuối cùng, ca khúc Mùa viết tình ca, bản tình ca tạo nên điểm sáng đáng nhớ cho bộ phim. Dẫu biết đây là ca khúc được viết riêng cho bộ phim, song ca khúc này đã được phối với rất nhiều phiên bản. Mỗi phiên bản khi xuất hiện lại mang đến cho người xem một cảm xúc khác nhau. Nếu như ở lần xuất hiện đầu tiên, bản nhạc nhẹ nhàng, chân phương qua phiên bản mộc được Bảo Trung gảy bằng đàn guitar thì ở lần xuất hiện thứ hai, phiên bản Mùa viết tình ca đã được hát trên nền nhạc ballad sâu lắng. Lần đầu tiên, sự mộc mạc của bài hát đã biến không gian Bảo Trung tỏ tình với Lam trở nên gần gũi, minh chứng cho tình yêu sâu thẳm trong tim hai người là tình yêu chân thành.

Ở lần xuất hiện thứ hai, sự sâu lắng của bài nhạc đã khiến cho không gian của bộ phim trải rộng ra bởi sự thăng trầm của những nốt nhạc. Lam và Trung sau thời gian dài xa cách được gặp lại nhau trong nỗi nhớ vô bờ. Sự lắng đọng, da diết của bản phối mới đã giúp cho nỗi nhớ ấy như được bao trùm cả bộ phim.

Qua một số bản nhạc phim được nhắc qua trong bài viết này, khán giả sẽ như thấy lại từng chặng đường đáng trân trọng của bộ phim. Trong những năm trở lại đây, các nhà làm phim đã chịu đầu tư nhiều hơn cho khâu sáng tác, phối khí nhạc phim; giúp yếu tố này trở thành một yếu tố quan trọng tạo nên linh hồn cho tác phẩm. Và với Mùa viết tình ca chúng ta càng cảm nhận rõ được điều đó. Hãy ra rạp ngay từ ngày 31/08 để có thể hoà mình cùng những khúc nhạc du dương của tình yêu và những điệu nhảy căng tràn của tuổi trẻ trong Mùa viết tình ca thôi nào!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Anh Quân

Được quan tâm

Tin mới nhất