Để sản xuất được một bộ phim điện ảnh, hẳn nhiên là điều không dễ dàng gì. Với mong muốn mang đến cho khán giả những thước phim đẹp, chỉn chu, hẳn đạo diễn và các ê-kíp trong đoàn đã mất nhiều tháng trời chuẩn bị từ bộ quần áo, góc phố để quay phim… Bù lại, những tác phẩm được đầu tư kĩ lưỡng, nghiêm túc này đều nhận được nhiều thiện cảm và sự ủng hộ từ phía khán giả.
Phim kỳ ảo Tấm Cám: Tất tần tật mọi thứ từ phục trang đến kỹ xảo
Dù là một đạo diễn trẻ nhưng với bản tính cẩn thận, cầu toàn, nên những tác phẩm từ trước đến giờ do Ngô Thanh Vân chỉ đạo đều được chăm chút, đầu tư kĩ lưỡng, tỉ mỉ từ khâu nội dung cho đến phần hình ảnh. Với Tấm Cám - dự án phim mới nhất của nữ đạo diễn xinh đẹp, kinh phí được chi ra lên đến 20 tỷ đồng, trong đó riêng phần phục trang cho các diễn viên từ chính đến phụ đã chiếm đến gần 10% ngân sách.
Được biết trong suốt hơn 100 phút phim, Ngô Thanh Vân đã dùng đến 120 trang phục (10 nhân vật chính có trung bình bốn bộ trang phục mỗi người để thay đổi, ngoài ra nhân vật phụ như quan, quân lính ở ngoài cung, trong cung, hầu nữ… đều được thiết kế riêng). Để hoàn thành được khối lượng công việc khổng lồ này, một ê-kíp 30 người đã phải làm việc cật lực nhiều tháng trời, chăm chút từng đường kim mũi chỉ cho mỗi bộ trang phục. Trong đó có đến gần 10 nhà thiết kế, stylist luôn túc trực tại xưởng may để tư vấn, thiết kế, sáng tạo các mẫu trang phục cho phù hợp với nhân vật, phối hơp với đội ngũ thợ may, thợ thêu, đính kết…
Nói về con số 2 tỷ đồng tiền trang phục, đại diện nhà sản xuất cho biết con số này không rẻ, nhưng nó xứng đáng với kỳ vọng của Ngô Thanh Vân và ê-kíp về những thiết kế phù hợp với bối cảnh phim và toát lên văn hóa Việt. Với thái độ làm việc chuyên nghiệp, khẩn trương, nghiêm túc của Ngô Thanh Vân cùng các đồng sự, Tấm Cám được kỳ vọng sẽ làm thỏa mãn khán giả cả ở nội dung lẫn phần nhìn.
Một lý do khác, vì được chuyển thể từ cổ tích, thuộc thể loại cổ trang pha với fantasy cho nên kỹ xảo sẽ là công cụ chính để làm nên Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Ngay từ trailer, các thước phim đã mở ra một thế giới vô cùng rực rỡ, những phép màu thần tiên và cả trận chiến với giặc ngoại xâm lúc cuối cùng.
Fan cuồng: Cuộc du hành ngược thời gian đầy tốn kém
Ra mắt từ ngày 15/7, Fan cuồng chọn một đề tài khá kén người xem đó là sự phát triển của nhạc rock vào những năm 90 của thế kỉ trước, vậy nên riêng khâu chuẩn bị trang phục (cho cả diễn viên chín lẫn diễn viên quần chúng), xây dựng bối cảnh 20 năm trước đã ngốn của nhf làm phim số tiền không nhỏ.
Được biết để hoàn thành bộ phim Fan cuồng, ê-kíp sản xuất đã dùng đến con số khổng lồ là 600-700 bộ trang phục, trong đó chỉ riêng cho diễn viên chính cũng đã gần 100 bộ. Phụ trách trang phục cho đoàn làm phim là một nữ stylist đến từ Thái Lan. Cô phải lặn lội khắp nhiều khu chợ đồ cũ ở nhiều tỉnh quanh TP HCM, tự tay khâu vá, chỉnh sửa. làm cũ lại trang phục sao cho thật giống với trào lưu thời kỳ đó.
Được biết một trong những phân đoạn vất vả và tốn kém nhất của bộ phim đó là khung cảnh đại nhạc hội rock hoành tráng với sự tham gia của 2000 người. Ngoài số ít diễn viên quần chúng được thuê thì phần lớn khán giả đều là thật. Cảnh quay đã được thực hiện liên tục trong suốt 3 ngày, với sự tham gia của nhiều ban nhạc rock. Để khung cảnh tạo được hiệu ứng như những năm 90, nhà sản xuất đã in thiệp mời và dặn người tham gia mặc áo tối màu, quần jeans tới nhưng không phải ai cũng làm theo. Để giải quyết, ê-kíp Fan cuồng đã vô cùng “chịu chơi” khi tặng luôn mấy trăm chiếc áo cho khán giả để tạo ra không khí rock sôi động nhất.
Phim đề tài trộm cướp Siêu trộm: Bối cảnh tương lai được đầu tư kỹ lưỡng
Siêu trộm được biết đến như bộ phim mở đầu trào lưu về hacker, siêu tội phạm trên màn ảnh Việt. Phim lấy bối cảnh năm 2020, khi mục tiêu tranh giành giữa các thế lực lúc này là bitcoin - loại tiền ảo trên mạng Internet nhưng có giá trị quy đổi cực lớn. Đây không phải là thể loại mới mẻ đối với những nền điện ảnh lớn như Hollywood, Trung Quốc hay Hàn Quốc, nhưng đối với Việt Nam, đó là thách thức thực sự bởi đạo diễn phải tạo được mạch truyện logic, các pha hành động đủ kịch tính để lôi kéo người xem.
Theo chia sẻ của diễn viên Mai Thế Hiệp - đồng thời là đại diện nhà sản xuất, để có được những thước phim tốt nhất, cả ê-kip đã mất hơn hai tháng trời làm việc cật lực với số lượng diễn viên ước tích gần 700 người, bao gồm 40 diễn viên có thoại. Không tiết lộ cụ thể về mức kinh phí nhưng đại diện cho biết bộ phim đã bỏ ra một số tiền không nhỏ.
Không chỉ ghi dấu ở thể loại phim, Siêu trộm còn tiếp tục mang đến những trải nghiệm hình ảnh ấn tượng bằng những cảnh hành động được dàn trải từ Việt Nam sang Đài Loan. Và vì phim diễn ra vào thời tương lai nên hầu hết trang phục, bối cảnh đều phải có sự can thiệp từ ê-kip sản xuất. Điều này càng khiến các khâu chuẩn bị của phim bị đẩy lên mức cao điểm cả về công sức lẫn chi phí bỏ ra ban đầu.
Thiên mệnh anh hùng: Những vất vả của phim điện ảnh cổ trang thế hệ đầu
Nếu Tấm Cám đang được kỳ vọng là bom tấn cổ trang trong năm nay thì Thiên mệnh anh hùng lại là bộ phim mở ra thời kỳ mới cho phim cổ trang Việt. Dựa theo tiểu thuyết Bức huyết thư, mang màu sắc cổ trang mới lạ, phim nhận được số tiền đầu tư cực khủng vào thời điểm bấy giờ, lên đến con số 25 tỷ đồng. Với mức đầu tư cao, phim có nhiều cơ hội trong việc xử lý hình ảnh, mang đến cho khán giả nhiều cảnh quay đẹp đến choáng ngợp được đưa lên phim. Cũng nhờ được đầu tư bài bản mà phim được chăm chút về phục trang, chất lượng dàn diễn viên, kịch bản đầy sức hút cũng như những chi tiết bên lề như âm nhạc tốt, đánh đấm ổn… Để có những thước phim vừa đẹp diễm lệ vừa hùng vỹ, hoành tráng, đoàn làm phim đã phải di chuyển từ Nam ra Bắc, bối cảnh chín của phim được ghi ở Ninh Bình.
Tuy nhiên, do vị thế người đi tiên phong nên Thiên mệnh anh hùng cũng gặp rất nhiều vất vả. Ví dụ điển hình nhất là dù được giới chuyên môn đánh giá cao nhưng bộ phim chưa được khán giả mở lòng đón nhận vào thời điểm đó. Do vậy, dù được truyền thông rầm rộ, đầu tư khủng nhưng phim chỉ thu về được 16 tỷ (trong đó gần một nửa thuộc về rạp), phim lỗ 17 tỷ, một con số không hề nhỏ. Nhưng dù sao, cho đến nay, nhắc về Thiên mệnh anh hùng, khán giả vẫn giữ được những ấn tượng đẹp về một bộ phim điện ảnh cổ trang Việt Nam thế hệ đầu tiên được đầu tư, chăm chút kĩ lưỡng, nghiêm túc.
Bụi đời chợ lớn: Sự “mất trắng” của một dự án điện ảnh được đầu tư
Cho đến nay, Bụi đời chợ lớn vẫn là một dự án dang dở gây nhiều tiếc nuối cho khán giả. Bộ phim võ thuật đầy cảnh hành động này được nhắc đến như một bức tranh miêu tả về cuộc sống của những đại ca giang hồ trong khu chợ Lớn. Dù được đầu tư hơn 16 tỷ nhưng gần đến ngày công chiếu thì bị Cục điện ảnh không cho ra rạp với lý do “không phản ánh đúng hiện thực xã hội”. Dù khán giả chỉ được biết về phim qua một số hình ảnh hậu trường, trailer và những đoạn phim thô rò rỉ nhưng ai cũng hiểu, dựng được những thước phim đó, đạo diễn Charlie Nguyễn cùng ê-kíp của mình đã phải bỏ ra không ít tâm huyết, sức lực.
Khu vực xung quanh chợ Kim Biên, chợ Bình Tây được sử dụng nhiều nhất cho những cảnh hành động lớn trong phim. Đường dây kịch bản ly kỳ phức tạp, nhiều cảnh đánh đấm, có khi số lượng diễn viên lên đến gần 150 người với nhiều đạo cụ, do đó, chuyện một cảnh quay mà phải thực hiện đến cả tuần lễ đã trở thành khá quen thuộc với cả đoàn làm phim.
Ngoài việc phải vận động lượng lớn nhân viên hậu kỳ để dựng bối cảnh, Bụi đời chợ lớn còn phải dùng đến nhiều trang thiết bị hiện đại, trong đó có flycam (máy quay phim trên không). Số tiền vận hành, bảo dưỡng những trang thiết bị đắt tiền, hiện đại cũng là một vấn đề lớn của đoàn làm phim. Tuy nhiên, cùng với việc bị cấm ra rạp, nhà sản xuất Bụi đời chợ lớn đã mất trắng số tiền đầu tư 16 tỷ. Đây là một cú vấp, một trường hợp điển hình mà bất cứ nhà đầu tư phim Việt nào cũng nhớ đến.