Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Nhạc phim: Yếu tố làm nên điểm sáng cho phim remake Việt!

Khi phim remake Việt luôn cố gắng thoát ra khỏi cái bóng của nguyên tác, tạo màu sắc thuần Việt, gần gũi đối với người xem trong nước, thì âm nhạc không chỉ góp phần dẫn dắt cảm xúc khán giả, làm nổi bật nội dung tác phẩm, mà còn là công cụ truyền thông hiệu quả.

Thời gian gần đây, các nhà làm phim Việt Nam ưa chuộng xu hướng remake phim từ những tác phẩm điện ảnh ăn khách nước ngoài. Con đường này giúp giảm bớt gánh nặng kịch bản, tận dụng sức nóng nguyên tác, tranh thủ tình cảm từ người hâm mộ. Trái lại, phim Việt remake cũng gặp không ít khó khăn bởi định kiến của khán giả: “Phim làm lại không bao giờ hay bằng bản gốc”. Do đó, những người “cầm trịch” bị đặt dưới áp lực vượt qua cái bóng của bản gốc.

Trailer bộ phim remake “Ông ngoại tuổi 30”.

Có thể dễ dàng nhận thấy, nhạc phim là một trong những “công cụ” hữu dụng được các nhà làm phim remake Việt Nam khai thác, giúp tác phẩm thoát khỏi nguyên tác, chiếm được tình cảm từ người xem trong nước.

Âm nhạc - Chất liệu dẫn dắt cảm xúc khán giả 

Việc các nhà làm phim trau chuốt kịch bản, lời thoại, lựa chọn dàn diễn viên, tạo dựng bối cảnh kì công… suy cho cùng đều không ngoài mục đích mang lại cảm xúc trọn vẹn cho người xem. Thậm chí, không ít khán giả, đặc biệt là nữ giới, có thể đánh giá một tác phẩm thông qua trải nghiệm xúc cảm mà nó mang lại thay vì tính logic hay giá trị hiện thực. Trong đó, âm nhạc là yếu tố làm tốt nhiệm vụ dẫn dắt tình cảm.

Minh Hằng thể hiện ca khúc “Ngôi sao cô đơn”, nhạc phim “Sắc đẹp ngàn cân”.

Những giai điệu nhạc phim được chọn lọc kĩ lưỡng, phân bố thích hợp ở từng phân cảnh góp phần nâng niu, dẫn dắt cảm xúc người xem và tạo chiều sâu cho một tác phẩm. Âm nhạc có thể khiến khán giả cùng cười, cùng khóc, nhất là trong các phân đoạn cao trào.

Ca sĩ Trịnh Thăng Bình trong phim remake “Ông ngoại tuổi 30”.

Thậm chí, ở không ít bộ phim remake, nhạc phim còn đóng vai trò tạo nên nội dung phim, như những bài hát trong Sắc đẹp ngàn cân - phim xoay quanh cô ca sĩ có thân hình ngoại cỡ, nhưng sở hữu giọng hát thiên phú Hà My (Minh Hằng), hay Ông ngoại tuổi 30 - tác phẩm kể về ngôi sao Sơn Huy (Trịnh Thăng Bình) và cô con gái Mi Trần (Kiều Trinh) mang ước mơ tham gia cuộc thi về âm nhạc.

Kiều Trinh trong “Ông ngoại tuổi 30”.

Âm nhạc tạo nên màu sắc Việt cho phim remake 

So với nguyên tác nước ngoài, nhạc phim Việt Nam sẽ dễ dàng đưa nội dung chạm đến trái tim người hâm mộ, khi người xem có thể hiểu và cảm thụ lời bài hát. Bởi lẽ không phải khán giả nào cũng đủ khả năng ngoại ngữ để hiểu lời nhạc phim ngoại.

“Tâm sự tuổi 30” - Nhạc phim “Ông ngoại tuổi 30”.

Trong phim remake đang thu hút sự chú ý thời gian gần đây - Ông ngoại tuổi 30, lời hát do Trịnh Thăng Bình thể hiện cũng bộc lộ tâm tư nhân vật: “Anh đã đi hết một phần ba cuộc đời/ Mà sao trái tim vẫn còn một mình chơi vơi/ Nhiều lần muốn đôi chân dừng lại nghỉ ngơi”. Hay trước đó, bài hát Nụ hôn đánh rơi của Hoàng Yến Chibi cũng khiến khán giả xốn xang khi vang lên trong cảnh quay nhân vật Hiểu Phương đau lòng chứng kiến chàng trai trong mơ hôn cô gái khác: “Em đánh rơi nụ hôn đầu sau lưng anh/ Em đánh rơi tình yêu đầu sau lưng anh”.

“Nụ hôn đánh rơi” là bài hát nhận nhiều sự yêu thích trong phim “Tháng năm rực rỡ”.

Bên cạnh đó, các nhà làm phim trong nước thường lựa chọn nhạc phim để tạo nên màu sắc thân thuộc cho câu chuyện Việt hóa của mình. Vì trên thực tế, việc không bị đóng khung bởi nguyên tác, mang hơi thở thuần Việt, gần gũi với người xem là điều không dễ dàng đối với phim làm lại.

Ở dự án Tháng năm rực rỡ, remake từ bản gốc Hàn Quốc Sunny, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng đã sử dụng những bài hát vừa mang không khí tuổi trẻ mạnh mẽ, phóng khoáng, vừa đậm màu sắc trong trẻo, xưa cũ của Đà Lạt năm 1975 - 2000 như Kim ơi, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Niệm khúc cuối, Tôi muốn… Đó là các ca khúc đã góp phần tạo nên một nhóm nữ quái Ngựa Hoang không bị rập khuôn bởi bản gốc Sunny. Tươi trẻ, nổi loạn nhưng vẫn thuần Việt.

“Vết thù trên lưng ngựa hoang”.

Trước đó, một bộ phim remake gây ấn tượng về doanh thu trăm tỷ khác là Em là bà nội của anh, cũng được đánh giá cao về những ca khúc nhạc phim mang hơi thở “rất Việt Nam” trong tác phẩm. Bên cạnh nhạc Trịnh Công Sơn như 60 năm cuộc đời, Diễm Xưa, Còn tuổi nào cho em, thì bài hát Mình yêu từ bao giờ do Nguyễn Hải Phong sáng tác cũng được cho là ca khúc thuần Việt, để lại nhiều cảm xúc cho người xem.

“Mình yêu từ bao giờ”.

Nhạc phim và khả năng truyền thông hiệu quả

Đối với không ít tác phẩm điện ảnh, các ca khúc nhạc phim là yếu tố truyền thông hiệu quả. Khi mọi người không phải ai cũng có cơ hội ra rạp xem phim, thì nhạc phim, MV ca nhạc lại được khán giả dễ dàng tiếp cận hơn. Bộ phim Em là bà nội của anh từng “gây sốt” với Còn tuổi nào cho em, Mình yêu từ bao giờ. Trong khi đó, bài hát Tâm sự tuổi 30 cũng đang trên đà trở thành “hit”, ngay cả lúc Ông ngoại tuổi 30 chưa thực sự “gây bão” màn ảnh.

Đặc biệt, đối với trường hợp phim remake Tháng năm rực rỡ, ca khúc nhạc phim Rực rỡ tháng năm của Mỹ Tâm đã tạo nên sức hút khổng lồ cho tác phẩm. Thậm chí, người hâm mộ “Họa mi tóc nâu” bao cả rạp, ngồi xem bộ phim của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, chỉ để nghe 4 phút nhạc xuất hiện cuối phim, dù Mỹ Tâm không tham gia diễn xuất.

“Rực rỡ tháng năm”.

Khi phim remake Việt luôn cố gắng thoát ra khỏi cái bóng của nguyên tác, tạo màu sắc thuần Việt, gần gũi đối với người xem trong nước, thì âm nhạc không chỉ góp phần dẫn dắt cảm xúc khán giả, làm nổi bật nội dung tác phẩm, mà còn là công cụ truyền thông hiệu quả.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất