Phim Ảnh

Ngô Thanh Vân, Cát Phượng và chân dung 2 người mẹ đối lập trên màn ảnh rộng

Phương Thảo
Chia sẻ

Tựu trung lại, dù chân dung nhân vật có đối lập ra sao, cả hai tác phẩm đều muốn thông qua chuyến hành trình - hành trình tìm con và hành trình nuôi dưỡng giấc mơ cho con - để tôn vinh mẹ, nhất là những người mẹ đơn thân cứng cỏi, bản lĩnh. 

Dịp Quốc tế Phụ Nữ 08/03/2019, bộ phim Hạnh phúc của mẹ được cầm trịch bởi đạo diễn Huỳnh Đông, cùng với sự góp mặt của Kiều Minh Tuấn, Cát Phượng, bé Huy Khang sẽ chính thức ra rạp. Trong khi đó, tác phẩm hành động Hai Phượng của “đả nữ” Ngô Thanh Vân vẫn còn đang nóng hổi tại các rạp chiếu, cùng với hình tượng người mẹ đối lập hoàn toàn nhân vật mẹ Tuệ của Cát Phượng trong Hạnh phúc của mẹ.

Ngô Thanh Vân: Người mẹ lăn xả trong phim hành động liều cao

Chuyện phim Hai Phượng theo chân Hai Phượng (Ngô Thanh Vân), người phụ nữ từng có quá khứ làm bảo kê nhà hàng, quán bar tại Sài Gòn, trở về Cần Thơ để sinh con, chăm sóc, nuôi nấng cô con gái bằng nghề đòi nợ thuê. Cuộc đời của hai mẹ con bước sang trang mới khi Mai bị bắt cóc trong một lần cùng mẹ đi chợ. Lần theo đám người bắt cóc lên Sài Gòn, Hai Phượng trở về chốn cũ, một thân một mình lăn xả, đi vào từng hang cùng ngõ hẻm để tìm con gái và đối mặt với những gã giang hồ lì lợm, nguy hiểm bậc nhất.

Không ngôn ngoa khi nói rằng, Hai Phượng là bộ phim hành động Việt Nam hiếm hoi có thể vươn tầm Hollywood. Song, đó không phải là sự rập khuôn, bắt chước máy móc, ăn theo. Trên hành trình Hai Phượng tìm con từ Cần Thơ đến Sài Gòn, những cảnh đánh đấm nổi bật trên phông nền đa dạng nhưng đậm màu sắc Việt Nam: từ bờ sông, cánh rừng cho đến hẻm nhỏ trong thành phố, chuyến tàu chạy trong đêm… Không những thế, các cảnh cận chiến cũng được dàn dựng riêng với thế võ sáng tạo mới, phù hợp với vóc dáng người Việt, tôn lên vẻ đẹp của người mẹ nhỏ bé nhưng lăn xả Hai Phượng.

Với kịch bản đơn tuyến, Hai Phượng hạn chế khai thác nội tâm nhân vật, lược bỏ hoàn toàn những đấu tranh trong suy nghĩ nhân vật chính, bà mẹ Hai Phượng đi một mạch từ vùng quê Cần Thơ đến hang ổ cuối cùng của kẻ bắt cóc con, với mục tiêu duy nhất là mang con trở về. Cũng vì thế, tình yêu dành cho bé Mai của Hai Phượng được thể hiện qua sự lăn xả, bất chấp của cô trong những pha đánh đấm dài hơi.

Những trường đoạn hành động của người mẹ đơn thân Hai Phượng được giới mộ điệu hết lời khen ngợi, thậm chí sánh ngang với các tác phẩm Hollywood. Song, bộ phim bị xem là khá đơn điệu, dễ đoán về mặt nội dung, Ngô Thanh Vân gần như độc diễn trong Hai Phượng, trong khi tình mẫu tử ở tác phẩm cũng chưa đẩy cảm xúc của khán giả lên đến cao trào.

Cát Phượng mang chân dung ngoài đời lên màn ảnh rộng khi vào vai người mẹ đơn thân

Thay tựa đề từ tên cũ Mẹ Tuệ, Hạnh phúc của mẹ là câu chuyện lấy chủ đề tình cảm gia đình, với mong muốn tri ân mẹ dịp Quốc tế Phụ Nữ 08/03. Tác phẩm của đạo diễn Huỳnh Đông xoay quanh mẹ Tuệ - một người mẹ đơn thân phải nuôi đứa con mắc bệnh tự kỷ. Bé Tim chỉ có thể nói duy nhất một chữ Tuệ cho bất kỳ câu hỏi nào, thế nhưng cậu bé có niềm yêu thích nhảy múa. Mẹ Tuệ quyết tâm giúp con đến trường, tự tin vào bản thân và đăng ký tham gia cuộc thi Bước nhảy diệu kỳ.

Trailer phim “Hạnh phúc của mẹ”.

Hạnh phúc của mẹ không phải một bộ phim hành động liều cao như Hai Phượng, song mức độ làm việc của người mẹ đơn thân để nuôi con trai cũng “dài hơi” và căng thẳng không thua kém bất cứ tác phẩm đánh đấm nào. Để kiếm kế sinh nhai và nâng niu ước mơ của đứa con thua thiệt, mẹ Tuệ gần như làm mọi công việc tại làng chài ven biển miền Trung, từ diêm dân, bốc vác đến bán hàng…

Trong khi hành trình gian nan, nguy hiểm đến tính mạng của Hai Phượng đã thể hiện tình yêu mẹ dành cho con, thì đối với người mẹ đơn thân trong Hạnh phúc của mẹ là sự bán mạng, bán sức, ngay cả khi mắc bệnh vẫn lo rằng sẽ không ai che chở cho con suốt phần đời còn lại.

Khác với bộ phim nặng hành động và có phần hời hợt về mặt nội dung như Hai Phượng, Hạnh phúc của mẹ hứa hẹn dễ dàng lấy nước mắt người xem với câu chuyện cảm động, sâu sắc về tình mẫu tử. Song, tựu trung lại, dù chân dung nhân vật có đối lập ra sao, cả hai tác phẩm đều muốn thông qua chuyến hành trình - hành trình tìm con và hành trình nuôi dưỡng giấc mơ cho con - để tôn vinh mẹ, nhất là những người mẹ đơn thân cứng cỏi, bản lĩnh.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất