Nghệ sĩ Hoài Linh: Dùng cái tâm để làm nghề - Dùng cuộc đời để cống hiến

Giai đoạn này, khi nhắc đến cái tên Hoài Linh, người ta sẽ nghĩ ngay đến một nghệ sĩ đa năng, mẫu mực, một người có tâm và có tầm của nền nghệ thuật Việt Nam.

Bài viết Jin Yin
Chia sẻ
Nghệ sĩ Hoài Linh: Dùng cái tâm để làm nghề - Dùng cuộc đời để cống hiến

Nghệ sĩ Hoài Linh tên thật là Võ Nguyễn Hoài Linh, sinh ngày 18/12/1969 tại Cam Ranh - Khánh Hòa, là con trong một gia đình đông anh em. Có thể nói, đây là nghệ sĩ đa năng nhất nhì showbiz và là người dành cho nghệ thuật cái tâm rất lớn nhiều năm qua.

Thành danh và ghi dấu tên tuổi mình ở lĩnh vực hài kịch, song ít ai biết rằng nghệ sĩ Hoài Linh có xuất phát điểm là một vũ công. Cộng tác cùng đoàn múa Ponaga từ trước những năm 90, danh hài này lưu diễn khắp các tỉnh miền Trung và một số khu vực ở miền Nam. Dần dần, bằng nhân duyên tình cờ, Hoài Linh lấn sân sang sân khấu. Thời gian đầu nam danh hài đi theo con đường chính kịch, sau nhờ gặp gỡ danh hài Vân Sơn tại Mỹ, giới hài kịch đã biết đến cái tên Hoài Linh. Vào khoảng tháng 10/1994, cặp đôi bạn diễn Vân Sơn - Hoài Linh chính thức sát cánh cùng nhau trên sân khấu bởi thời điểm đó, danh hài Bảo Liêm đột ngột ngưng hợp tác, buộc nghệ sĩ Vân Sơn phải tìm cho mình một “partner” mới.

Nghệ sĩ Hoài Linh: Dùng cái tâm để làm nghề - Dùng cuộc đời để cống hiến

Cộng tác một thời gian, danh hài Hoài Linh bắt đầu có live show riêng, sau đó lại hợp tác cùng Trung tâm Thúy Nga (Paris by Night) - một trong những nhà tổ chức biểu diễn và sản xuất các sản phẩm băng đĩa ca múa nhạc lớn nhất của người Việt tại hải ngoại để ra mắt DVD. Từ đó, tên tuổi nam danh hài đến gần hơn với công chúng và trở nên thân thuộc với người Việt trong nước lẫn quốc tế.

Không chỉ diễn hài duyên, Hoài Linh còn được biết đến với khả năng hát nhiều làn điệu dân ca lẫn tân nhạc. Bên cạnh đó, nam danh hài còn nói được tiếng của rất nhiều vùng miền khác nhau nhờ lưu diễn nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người ở khắp các tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, người ta còn nhắc nhiều đến người nghệ sĩ này nhờ khả năng giả gái không ai bì kịp. Điều này một thời đã trở thành “thương hiệu” của cái tên Hoài Linh mỗi khi có người nói về nam danh hài.

Sự duyên dáng, tinh tế cùng thân hình mảnh dẻ đã giúp hình ảnh nhân vật nữ mà Hoài Linh hóa thân trở nên vô cùng điệu đà, mang dấu ấn riêng. Vì lẽ đó, mỗi khi có nam nghệ sĩ nào muốn đóng giả thành phụ nữ đều có phần e dè bởi cái bóng nam danh hài tạo ra là quá lớn.

Về sau, Hoài Linh tuyên bố sẽ không giả gái trong bất kì show truyền hình hay bộ phim nào mình tham gia vì nam nghệ sĩ cho rằng mình đã già, da nhăn nheo, sẽ không còn đẹp như khi còn trẻ. Tuy nhiên gần đây, người ta lại thấy một cô Bảy Tình bán trà đá ở bến phà Thuận Mỹ trong web drama Tay buôn, buông tay? của diễn viên trẻ Võ Đăng Khoa với phong thái vô cùng duyên dáng và thu hút.

Lần đầu tiên sau lời tuyên bố của mình Hoài Linh “phá lệ”, điều này có lẽ rất ý nghĩa đối với chàng trai Võ Đăng Khoa và sản phẩm web drama đầu tay của anh. Thậm chí, có nhiều nguồn tin cho biết nam danh hài đã không lấy cát-xê vai diễn này, đến nỗi Võ Đăng Khoa phải chạy theo xe của “tiền bối” để trao tận tay nhưng nam danh hài vẫn một mực từ chối. Có thể thấy, cái tâm người nghệ sĩ này không chỉ đặt vào nghề nghiệp mình đang theo đuổi, mà còn đặt nơi lớp thế hệ trẻ tài năng sẽ nối gót nam danh hài, cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.

Ngoài sân khấu, nghệ sĩ Hoài Linh còn được biết đến qua hàng loạt tác phẩm điện ảnh/truyền hình/chiếu mạng, chủ yếu là phim hài Tết vui nhộn, dễ xem, dễ cảm, mang đến cho khán giả không khí vui tươi, nhẹ nhàng những ngày đầu xuân.

Một số phim nam danh hài từng góp mặt có thể kể đến như: Nụ hôn thần chết (2008), Hello cô ba (2012), Nhà có 5 nàng tiên (2015), Bảo mẫu siêu quậy 2 (2016), Quý tử bất đắc dĩ (2018),… Và đặc biệt là bộ phim lấy nước mắt của rất nhiều khán giả - Dạ cổ hoài lang (2017).

Năm 2016 có thể xem là quãng thời gian đáng nhớ của danh hài này khi danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú đã được gắn với cái tên Hoài Linh sau nửa đời người cống hiến cho nghệ thuật nước nhà của người nghệ sĩ tài hoa này. Đây là nghệ sĩ hải ngoại đầu tiên được phong tặng danh hiệu cao quý Nghệ sĩ ưu tú của Việt Nam.

Thành công, được nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ ngưỡng mộ, được khán giả biết đến và yêu thương song người ta vẫn thấy ở nam danh hài toát lên sự bình dị, gần gũi. Với người tìm đến hào quang từ gian khó như nghệ sĩ Hoài Linh thì “Mặc đồ để khỏi trúng gió, trúng máy, chứ không cần đẹp!”.

Hơn thế nữa, dù nổi tiếng từ Bắc chí Nam, tên tuổi có được vị trí nhất định nơi trời Tây và cống hiến hết mình cho nghệ thuật nhưng danh hài đã chia sẻ với truyền thông rằng nhiều khi giật mình tỉnh giấc, bản thân cũng không hiểu vì sao mình nổi tiếng. Có lẽ cái duyên nợ của nam nghệ sĩ này với nghề là một điều rất tình cờ, nhưng Tổ nghiệp dường như đã chọn cái tên Hoài Linh để kí thác sứ mệnh cao quý đối với nghệ thuật nước nhà.

Tháng 9/2016, sau quãng thời gian dài gặp nhiều khó khăn, nghệ sĩ Hoài Linh đã khánh thành nhà thờ Tổ với kinh phí xây dựng lên đến 100 tỷ. Được biết đây là tâm nguyện nam danh hài ấp ủ từ rất lâu và mong muốn sẽ tự mình thực hiện nó mà không nhận bất kì sự giúp đỡ từ bất kì bạn bè hay đồng nghiệp nào. Bởi lẽ với nghệ sĩ Hoài Linh, đền thờ Tổ là nơi để anh em nghệ sĩ lui đến vào ngày giỗ Tổ thường niên, và cũng là chốn để họ nương náu, là chỗ dựa tinh thần, là nơi gửi gắm tâm tư của mình với nghề những khi khó khăn hay tuyệt vọng.

Với tất cả ý nghĩa đó Hoài Linh đã nguyện dành quãng đời còn lại để phục vụ Tổ vì cảm thấy rằng mình được Tổ “đãi”, nên mới có một Hoài Linh như ngày hôm nay. Có thể nói, cái tâm và cái tầm của người nghệ sĩ như Hoài Linh là điều khiến rất nhiều lớp nghệ sĩ đi sau ngưỡng vọng và kính nể.

Nghệ sĩ Hoài Linh: Dùng cái tâm để làm nghề - Dùng cuộc đời để cống hiến

18/12/2018 là ngày nghệ sĩ Hoài Linh bước sang tuổi mới. Hy vọng rằng nam danh hài sẽ tiếp tục cống hiến nhiều hơn với cái tâm lớn của một nghệ sĩ có tầm đã gắn bó đời mình với nghệ thuật nước nhà.

Bài viết

Jin Yin

Chia sẻ