Khoảng đầu tháng 10/2017, câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) cùng việc thu mua mờ ám 100% vốn cổ phần từ Tổng Công ty Vận tải thuỷ (gọi tắt là Vivaso, do ông Thủy Nguyên đứng đầu) từng gây nhiều tranh cãi. Giữa đại gia Thủy Nguyên và các nhân viên Hãng phim xảy vấn đề gay gắt, thậm chí thốt ra những lời to tiếng, mạt sát lẫn nhau, đến mức chính phủ phải bắt tay vào dàn xếp vụ việc.
Tưởng rằng mọi việc đã được êm xuôi từ đó nhưng mới đây, dường như câu chuyện tiếp tục được lật lại. Cụ thể, sáng 17/1, bất chấp thời tiết giá lạnh, hơn 30 đạo diễn, biên kịch và diễn viên của đã treo băng rôn, biểu ngữ ở trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam (ở số 4 Thuỵ Khuê, quận Ba Đình, Hà Nội). Nội dung kêu gọi gồm có: “Vivaso (Tổng công ty Vận tải thủy - nhà đầu tư chiến lược, đơn vị mua lại 65% cổ phần (32,5 tỉ đồng) của Hãng phim truyện Việt Nam) hãy thoái vốn khỏi hãng phim”, “Hãy chia sẻ cùng VFS: Tại sao cắt lương, bảo hiểm của chúng tôi”, “Đất số 4 Thuỵ Khuê là của VFS”, “Trả lại VFS cho người làm điện ảnh”…
Trả lời truyền thông, NSND Thanh Vân khẳng định bản thân anh cùng hơn 30 nhân viên khác không hề nhận được bất kỳ quyền lợi, lương bổng nào từ Hãng trong suốt thời gian qua. Đồng thời, việc tất cả các nghệ sĩ đều bị cắt bảo hiểm từ tháng 10/2018 đã như “giọt nước tràn ly” khiến tất cả cùng nhau lên tiếng phản đối.
Đạo diễn Đức Việt chia sẻ: “Hiện tại Hãng có nhân sự khoảng 70 người, trong đó 30 người khối nghệ thuật là bị cắt hết lương, bảo hiểm. Những người còn lại là làm bên bộ phận hành chính, bảo vệ, và một số người nằm trong đoàn phim Người yêu ơi là có lương. Nhưng phim đó hiện tại cũng đã dừng lại, không làm tiếp, tất cả chúng tôi cùng đồng lòng đấu tranh đến cùng để giữ lại hãng phim”.
Được biết, các nhân viên đã đệ đơn lên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam (VFS) (tên gọi mới của Hãng phim truyện Việt Nam sau khi cổ phần hóa) phải trả lời bằng văn bản lý do vì sao họ bị cắt bảo hiểm. Tuy nhiên, họ vẫn chưa liên hệ trực tiếp được với đại diện VIVASO vì ông Nguyễn Danh Thắng - Chủ tịch Công ty “rất ít lên cơ quan”. Các nghệ sĩ cũng đã kiến nghị lên công đoàn nhưng chưa nhận được phản hồi.
Từ khi cổ phần hóa đến nay, các nhân viên Hãng phim đều không có việc gì làm, bộ phim duy nhất được thực hiện là Người yêu ơi do nhà nước đặt hàng từ nước cũng bị ngưng giữa chừng vì Bộ Tài chính không cấp thêm tiền. Lý do mà họ đưa ra là không biết khoản tiền ấy rồi sẽ đi đâu và đem lại kết quả gì.
Không có kế hoạch cải tổ hay sản xuất phim mới, thoái thác trách nhiệm với nhân viên, đó là điều khiến các nghệ sĩ của Hãng phim tỏ ra vô cùng bức xúc: “Theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ còn một ngày VIVASO cũng phải trả lương, bảo hiểm cho nghệ sĩ nhưng họ đã không làm. Chúng tôi đã báo cáo các vấn đề trên với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tuy nhiên, các nghệ sĩ được thông báo phải chờ. Anh em cán bộ, nhân viên hoàn toàn không biết gì về lộ trình thoái vốn. VIVASO luôn kéo dài thời gian, không biết bao giờ họ mới đi. Chúng tôi muốn họ thoái vốn trước Tết” - Đạo diễn Đức Việt cho hay.
Trong khi đó, trao đổi với truyền thông, ông Nguyễn Thủy Nguyên đáp lại: “Tôi cũng đã đóng bảo hiểm cho 13 tháng rồi nhưng họ không lên cơ quan, thậm chí chống đối. Không đi làm mà tôi vẫn đóng cho chừng ấy tháng còn thế nào nữa. Không làm gì cả mà vẫn đòi lương, bảo hiểm, chống đối, rồi biểu tình. Tôi cho tự quản lý cũng làm, mời người khác làm giám đốc cũng không đồng ý. Tôi chỉ là chủ đầu tư, nhưng họ luôn là phản đối mọi thứ”.
Còn yêu cầu Vivaso thoái vốn, ông Thủy Nguyên khẳng định: “Không thể xâm phạm quyền của tôi. Nói thật, cũng không ai mua lại đâu. Yêu cầu thế là… vớ vẩn!”.
Chánh văn phòng, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là ông Nguyễn Thái Bình cho biết bộ đã nắm được tình hình của hãng phim truyện và sẽ làm việc với Vivaso. Saostar sẽ tiếp tục theo dõi và cập nhật về sự việc.