Phim Ảnh

Ngày 8/3 không chỉ có hoa và lời chúc, xem ngay top 14 phim nổi tiếng của các đạo diễn nữ (Phần 1)

Dodieuha
Chia sẻ

Nhân ngày 8/3, hãy cùng thưởng thức 14 bộ phim nổi tiếng, theo các thể loại khác nhau, được chỉ đạo bởi các “chị đại” đứng sau máy quay.

American Psycho (2000) - Mary Harron

Tác giả tiểu thuyết gốc của American Psycho có niềm tin mãnh liệt rằng phụ nữ mà làm đạo diễn (hay người kể chuyện bằng hình ảnh) thì chắc chắn không bao giờ sánh nổi với đàn ông, đơn giản vì họ không có “male gaze” (góc nhìn nam tính). Éo le thay, trong số những bộ phim được chuyển thể từ sách của ông, nổi tiếng nhất lại là American Psycho - tác phẩm duy nhất do phụ nữ đạo diễn.

Đạo diễn Mary Harron

Xử lý chất liệu là một cuốn sách phức tạp và gây tranh cãi dữ dội về phân biệt giới, đạo diễn Mary Harron giảm bớt tính gây sốc hay khoái lạc ở những cảnh tình dục và bạo lực. Thay vào đó, bà tập trung làm rõ ý nghĩa châm biếm chủ nghĩa tiêu dùng trong sách, và qua ngôn ngữ điện ảnh của mình, đặc biệt mỉa mai sự ám ảnh về ngoại hình và địa vị của các nam doanh nhân phố Wall.

Trailer phim.

Ví dụ như cảnh nhân vật chính Bateman gọi gái về nhà chơi tay ba, khi anh ta vênh váo nhìn vào gương, khán giả không thấy hình ảnh một tên sát nhân đáng sợ hay “ngầu lòi”, mà chỉ thấy một gã đàn ông gia trưởng và lố bịch. Ghi nhận góc nhìn của Mary Harron, nhà phê bình Roger Ebert viết: “Cô ấy đã biến đổi một cuốn tiểu thuyết về sự khát máu thành một bộ phim về sự tự phụ của đàn ông.”

The Breadwinner (2017) - Nora Twomey

Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của Deborah Ellis, bộ phim hoạt hình Breadwinner là câu chuyện về cô bé Parvana, 11 tuổi, sống tại Kabul, Afghanistan dưới quyền kiểm soát của Taliban. Cha Parvana bị bắt giữ vô cớ, và luật cấm nữ giới ra khỏi nhà mà không có sự tháp tùng của đàn ông khiến gia đình cô bé - vốn toàn phụ nữ và trẻ em - lâm vào tình trạng nguy khốn. Với “lợi thế” là chưa phát triển những đặc trưng về giới, Parvana đã giả làm con trai để đi làm nuôi gia đình và tìm cách cứu cha, giữa tình hình chiến tranh càng ngày càng trở nên căng thẳng.

Trailer phim.

Kịch bản Breadwinner đan xen giữa câu chuyện của Parvana và câu chuyện do Parvana tưởng tượng về một cậu bé anh hùng (để xua đi những giây phút sợ hãi). Cách xử lý này khiến nhịp phim ban đầu hơi rời rạc; nhưng khi hai câu chuyện này hợp nhất ở đoạn cuối, sức nặng của nó tạo ra ám ảnh sâu sắc trong lòng người xem. Đây là sáng tạo của đạo diễn Nora Twomey. Twomey cũng khiến người viết ấn tượng với cách cô tạo ra nhân vật Parvana với một lọn tóc luôn tuột ra khỏi khăn - như ngấm ngầm trêu ngươi, ngấm ngầm thách thức sự gọn gàng quy củ, tính “đức hạnh” cưỡng ép bởi hệ thống nam quyền.

Đạo diễn Nora Twomey

Nếu quan tâm đến chủ đề này, bạn cũng có thể xem một bộ phim hoạt hình tiểu sử tên Persepolis (2007). Với góc tiếp cận hài hước, Persepolis kể về hành trình trưởng thành đầy nổi loạn của một cô bé (trọng nghĩa khí, đam mê Lý Tiểu Long và yêu văn hóa punk - rock) trên phông nền Cuộc Cách mạng Hồi giáo ở Iran.

We need to talk about Kevin (2011) - Lynne Ramsay

Một nhà làm phim với tài năng khác thường trong việc xâm nhập nội tâm nhân vật qua những hình ảnh gây ấn tượng mạnh” - Nhà phê bình Ian Buckwalter viết về Lynne Ramsay, người đứng sau những bộ phim như Ratcatcher, Morvern Callar, We Need to Talk About Kevin You Were Never Really Here.

Đạo diễn Lynne Ramsay

Trong We Need to Talk About Kevin, Ramsay bóc tách những suy nghĩ trong đầu một người mẹ mang tên Eva về mối quan hệ của bà với cậu con tội đồ Kevin. Eva tồn tại đơn độc trong căn nhà bị dội sơn đỏ, giữa ánh mắt căm thù của những người xung quanh vì những gì Kevin gây ra. Ngày thường bà đi làm, đi siêu thị, ngày nghỉ ở nhà cạo bớt sơn trên tường; nhưng dù đi đâu, làm gì, những sự kiện quá khứ liên quan đến Kevin luôn dội về.

Đó là những mảnh ký ức từ khi Kevin còn là một đứa trẻ với những biểu hiện bất thường ban đầu về tâm lý, cho đến khi cậu đến tuổi thiếu niên với vấn đề tâm thần dần lộ rõ, đôi khi chồng lớp với hai sự kiện định mệnh được lặp đi lặp lại: ngày Eva buông thả trong quan hệ với chồng nên sinh ra Kevin ngoài ý muốn, và ngày Kevin gây ra tội ác. Màu đỏ tung tóe và chập chờn khắp cả phim, ban đầu nhắc nhớ Eva về quãng đời tự do đi đây đi đó của mình; sau là nỗi ám ảnh, đau đớn và dằn vặt về trách nhiệm “con dại cái mang”.

Trailer phim.

Điều gì khiến Kevin trở thành một tên tội phạm tuổi thiếu niên? Do Eva không biết nuôi con hay do bản tính cậu bé đã thế? Bộ phim không cho khán giả một câu trả lời rõ ràng, và bởi thế, khắc họa rõ nét những khó khăn đến tuyệt vọng của việc làm cha làm mẹ.

Citizenfour (2014) - Laura Poitras

Là tác phẩm cuối cùng trong bộ ba phim tài liệu về nước Mỹ sau vụ khủng bố 11/9, Citizenfour mở đầu bằng cảnh quay một đường hầm hun hút và được chiếu sáng yếu ớt. Giọng Poitras cất lên, đọc bức thư cô nhận được từ một người bí ẩn tự nhận là nhân viên chính phủ. Anh ta khẳng định mình đang nắm giữ những thông tin tuyệt mật cần tiết lộ, và yêu cầu cô cẩn trọng về an ninh nếu không muốn gặp nguy hiểm. Cuối thư, anh ký tên “Công dân số bốn”.

Trailer phim.

Năm 2013, thế giới rúng động trước tin NSA (Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ) xâm phạm quyền riêng tư của tất cả người dân bằng các phương pháp theo dõi. Bất cứ ai tiếp xúc với báo chí hay có kết nối mạng đều biết đến cái tên Edward Snowden - người đến giờ vẫn chia rẽ ý kiến dư luận thành hai luồng trái chiều. Anh ta thật ra là ai? Có mục đích gì? Quyền riêng tư quan trọng đến đâu để anh ta đánh đổi cuộc đời mình như thế?

Đạo diễn Laura Poitras

Bộ phim đạt Oscar cho Phim tài liệu hay nhất năm 2015 của Laura Poitras trả lời tất cả những câu hỏi đó. Là một trong hai người được Snowden “lựa chọn”, Poitras có cơ hội tiếp cận và ghi lại hành trình của anh một cách gần gũi, bộc lộ con người “kẻ phản bội” ở cả nét tính cách mạnh mẽ (sự điềm đạm, khôn ngoan) lẫn những mặt yếu đuối (bồn chồn, lo sợ). Không khí căng thẳng được duy trì xuyên suốt với những căn phòng đóng kín, những đoạn tin nhắn mã hoá, những thiết bị thông tin nằm im lìm đầy nguy hiểm…

Poitras xen kẽ vào đó những cảnh ngoài trời khoáng đạt và yên bình, mà sự đối lập của nó không làm giảm bớt, ngược lại, còn đẩy cao sự lo lắng và ngột ngạt như cảm giác luôn bị theo dõi. Là phim tài liệu, song Citizenfour mang đến trải nghiệm tương tự một bộ phim giật gân, hay thậm chí còn hơn thế, vì “đây không phải phim khoa học giả tưởng, nó là những gì đang diễn ra ngay lúc này” - như lời Snowden cảnh báo công chúng.

Leave No Trace (2018) - Debra Granik

Những thảm lá xanh miên man, vòm rêu sáng nhẹ dưới nắng, mạng nhện khẽ đung đưa, chim hót líu lo, mưa rơi tí tách. Hòa vào bản đồng ca thiên nhiên là giọng ngâm nga tựa hồ thầm thì của hai con người nhỏ bé - Ngay từ những phút đầu tiên, Leave No Trace đã tỏ ra là một bộ phim dễ mến. Nó từ tốn dẫn dắt khán giả vào một khu rừng, giới thiệu tới chúng ta hai nhân vật chính: Will - một cựu binh mắc chứng PTSD (rối loạn stress sau sang chấn) và Tom - cô con gái 13 tuổi của ông.

Chúng ta chậm chạp dành thời gian với họ, xem cách họ dựng trại, hứng nước, nhóm lửa, nấu ăn, đi ngủ, đọc sách, chơi cờ, xóa dấu vết để tránh kiểm lâm phát hiện. Thỉnh thoảng, họ vào thành phố để mua những vật dụng thiết yếu. Cuộc sống cứ thế yên bình trôi qua, cho đến khi họ bị “lộ tẩy” và “được” các nhà hoạt động xã hội giúp đỡ để trở về với cộng đồng.

Đạo diễn Debra Granik

Trailer phim.

Bộ phim của Debra Granik không đưa ra một thông điệp chính trị to lớn nào, nếu có thì chỉ nhẹ nhàng nêu lên cảnh ngộ của những cựu binh buộc phải tìm cách sống chung với bóng ma vĩnh viễn của chiến tranh. Granik cũng cẩn thận miêu tả những nguy hiểm của môi trường tự nhiên, tránh tình trạng lãng mạn hóa hay khuyến khích sự cự tuyệt xã hội. Ẩn dật hay hòa nhập, đó chỉ là những cách sống khác nhau, phù hợp với những cá nhân khác nhau, không thể áp đặt. Điều duy nhất con người nên làm cho nhau là tôn trọng và cảm thông; như chính tình cảm của Granik dành cho từng cá thể bé nhỏ, bình dị trong phim bà vậy.

The Matrix (1999) - Chị em nhà Wachowski

Bộ phim “hành động não to” của chị em nhà Wachowski (khi chưa dám công khai là người chuyển giới, họ xưng danh là anh em nhà Wachowski) xoay quanh sự vật lộn để nắm bắt thế giới và bản dạng thật sự bên trong mỗi người. The Matrix gợi ra những suy tư vô hạn về cái thực - cái ảo, tự do - kiểm soát, ý chí - định mệnh…; đồng thời cân bằng yếu tố của một bom tấn giải trí với những cảnh hành động, đấu súng, đấu võ vô cùng đã mắt.

Chị em đạo diễn Wachowski

Chị em Wachowski ghi dấu chân mình vào lịch sử điện ảnh khi nâng cấp hiệu ứng slow - motion lên một tầm cao mới và khai sinh thuật ngữ “bullet time”. Hiểu một cách đơn giản, “bullet time” là hiệu ứng tạo ảo giác thời gian bị làm chậm lại đến mức cực đoan trong khi máy quay quét một đường vòng cung quanh chủ thể, đủ cho ta thấy một cảnh mà thị giác thông thường không thể nào nắm bắt (ví dụ cảnh nhân vật né những viên đạn).

Trailer phim.

Vì không một loại máy quay phim nào có thể chuyển động đủ nhanh để ghi lại một khoảnh khắc vụt qua như thế, Wachowski cùng các kỹ thuật viên của họ đã lắp đặt 120 máy ảnh tĩnh đặt theo vòng cung, chụp ảnh tự động liên tục các góc của nhân vật với tốc độ siêu nhanh; sau đó cho vào máy tính xử lý (dựa trên nguyên lý tạo chuyển động từ một chuỗi ảnh tĩnh). Kết quả làm ra những cảnh có tốc độ 12.000 khung hình trên giây (con số này ở cảnh phim thường là 24), “điên” và “ngầu” đến mức khiến khán giả cũng như các nhà phê bình phải sửng sốt và tấm tắc mãi. Cùng với The Matrix, “bullet time” trở nên nổi tiếng và được vô số bộ phim, quảng cáo, trò chơi điện tử sau này bắt chước.

Little Miss Sunshine (2006) - Jonathan Dayton và Valerie Faris

Cần một chút nắng ấm cho ngày ủ dột? Hãy xem Little Miss Sunshine. Hoặc xem lại Little Miss Sunshine.

Từ nhỏ, cô bé có cái bụng tròn xoe Olive đã dán mắt lên ti vi theo dõi các cuộc thi hoa hậu và ước mơ một ngày nào đó, mình cũng được đội vương miện trên đầu. Cơ hội xảy đến khi cô bé được thông báo dự tuyển một cuộc thi hoa hậu nhí, sẽ diễn ra tại bang California trong vài ngày tới. Vấn đề là bố mẹ cô bé phải có mặt để động viên, trong khi ông nội cũng muốn đi cùng, mà gia đình thì không đủ tiền đi máy bay. Hơn nữa, ông chú vừa tự tử bất thành lại cần giám sát 24/24, mà anh trai cô bé thì cũng vấn đề chẳng kém, không thể trông nom lẫn nhau. Bất đắc dĩ, ông bố phải lôi cái xe buýt màu vàng cũ rích của gia đình ra, tống cả nhà lên xe và bắt đầu hành trình tháp tùng Olive trên con đường chinh phục vương miện.

Jonathan Dayton và Valerie Faris

Trailer phim.

Little Miss Sunshine là phim dài đầu tiên cặp vợ chồng Jonathan Dayton Valerie Faris đạo diễn, dựa trên kịch bản của Michael Arndt. Sự hài hước của bộ phim nằm ở cách nó phát triển 6 nhân vật chính đều đồng thời ở trong một cuộc đua riêng và cuộc đua chung cùng bé Olive, châm biếm nỗi ám ảnh của người Mỹ về vấn đề thắng - thua và tuân thủ thước đo xã hội. Sức hấp dẫn và hợp thời của nó đã mang về doanh thu 100 triệu đô, một con số ấn tượng khi so với 8 triệu đô kinh phí.

Chia sẻ

Bài viết

Dodieuha

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất