Chỉ vừa ra mắt vào ngày 17/8, song siêu phẩm văn hoá Việt Song Lang do Ngô Thanh Vân sản xuất đã nhận được đông đảo sự yêu mến của các khán giả gần xa, đặc biệt là những người con Sài Gòn yêu mến loại hình cải lương ca cổ. Bên cạnh bức tranh thành phố Bác những năm 80 cuộn trào kí ức xưa cũ, người xem còn được thưởng thức sự sinh nôi nảy nở mối quan hệ giữa bộ đôi nam chính - Linh Phụng (Isaac) và Dũng Thiên Lôi (Liên Bỉnh Phát), để rồi tự hỏi nhân duyên trên đời phải chăng đều hợp tan dễ dàng như thế?
Sinh ly tử biệt đều vì hai tiếng “cải lương”
Nếu Phụng và Dũng gặp gỡ và thầm mến nhau qua cải lương, thì cả hai rời khỏi cuộc đời của nhau cũng là vì cải lương. Xuyên suốt Song Lang, mối quan hệ của hai người được lồng ghép song song với vở Chuyện tình Trọng Thủy - Mỵ Châu, trong đó Linh Phụng là kép chính vào vai con trai của Triệu Đà.
Có duyên gặp gỡ khi Dũng đến đoàn cải lương Thiên Lý đòi nợ và giở trò du côn, ấn tượng của anh trong mắt Linh Phụng không có lấy một điểm tích cực. Ngược lại, dường như Dũng đã cảm mến chàng kép hát chân chất, đứng đắn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Cả hai tiếp tục “dính” lấy nhau khi Dũng giúp Phụng đánh đuổi bọn say rượu, từ đó tình cảm của đôi nam nhân tại con phố Hoa kiều bắt đầu.
Khi xem phim, khán giả dễ lầm tưởng, thậm chí ngộ nhận đây chỉ là tình huynh đệ, sự lo lắng chăm chút của Dũng dành cho Phụng cũng chỉ là xã giao, hay xuất phát từ lòng tốt sẵn có trước người gặp hoạn nạn. Ngược lại, Phụng đã thay đổi quan điểm của bản thân đối với Dũng, rằng du côn đòi nợ thuê cũng là con người, cũng có phần lương thiện trong đó, nên đối xử tốt hơn với ân nhân là chuyện đương nhiên phải phép. Cặp nam - nam đã chơi game cùng nhau, rồi đi ăn, dạo phố, tuyệt nhiên trong sáng.
Nếu xem xét kĩ càng hơn, đối với Dũng và Phụng thì mọi thứ không ngừng lại ở “tình đồng chí”. Những ánh mắt mà Phụng dành cho đối phương luôn dạt dào tình cảm, đôi khi ám muội khó lường. Cũng chẳng có ai mong ngóng anh em mà lại nôn nao lên sân khấu như Phụng, tất cũng chỉ nhanh chóng diễn xong để gặp đối phương. Hơn hết, chính tình yêu đang lớn dần trong Phụng đã giúp anh chàng hát cải lương có tình hơn trước, không cần diễn cũng ra được.
Còn đối với Dũng Thiên Lôi, anh chàng này luôn làm mặt lạnh lùng đến vô cảm, nhưng bên trong lại ấm áp ôn nhu đến lạ. Mọi cử chỉ anh dành cho Phụng đều ân cần, cẩn trọng, ngay cả những khi chỉ ở một mình, trong đầu của chàng xã hội đen luôn thấp thoáng hình bóng thanh niên trẻ đẹp với bộ trang phục cải lương hào nhoáng. Tuy là người khó đoán, nhưng Phụng đã giúp Dũng tìm lại tình yêu cải lương thuở thiếu thời, từ đó Dũng như “con nghiện”, lao đầu vào ái tình của Phụng.
Nếu không có cải lương, Dũng và Phụng rồi cũng sẽ là hai phận đời xa lạ, song song nhau mãi mãi. Sẽ không có cái gọi là “chủ nợ - con nợ”, sẽ không có lần Phụng đến trả tiền cho bà chủ nợ để rồi gặp lại Dũng, sẽ không có chuyện Phụng bị tên say rượu chọc ghẹo nghề nghiệp dẫn đến ẩu đả, sẽ không có đêm đáng nhớ lưu lại nhà của Dũng, cùng nhau tiêu khiển tận hưởng cuộc đời. Cải lương mang đến cho cả hai ước mơ, hi vọng, hạnh phúc, tình yêu, nhưng cũng nhẫn tâm lấy đi tất cả. Nhát dao chí mạng cướp đi Dũng khỏi tay Linh Phụng, đoạn tuyệt mối tình vừa nhen nhóm lửa tâm, cũng là cảnh cuối khiến nhiều khán giả phải than thở thê lương, tiếc thương cho đôi trẻ.
Tình cảm nam nhân thập niên 80: Khó giữ lắm ai ơi!
Xem qua Song Lang, những ai nếu đã và đang là fan trung thành của điện ảnh Đại Lục chắc hẳn sẽ nhớ đến Bá Vương biệt cơ - một tựa phim nổi tiếng của Trung Quốc cũng lấy chủ đề tình yêu nam nhân lồng ghép cùng nghệ thuật sân khấu. Nếu ở Bá Vương biệt cơ, Trình Điệp Y đã một gươm tự kết liễu đời mình để giữ lại trọn vẹn tình cảm, ước mơ dành cho Đoàn Tiểu Lâu và kinh kịch, thì Dũng của Song Lang lại lặng lẽ ra đi khi giấc mơ vẫn còn đang nở hoa rực rỡ, để lại Linh Phụng cô liêu sau bức màn nhung, trên tay vẫn cầm chặt chiếc vòng cổ chắc sẽ chẳng bao giờ đến được tay người.
Tuy nhiên, Song Lang của Leon Quang Lê lại cho thấy tình cảm và tư duy của vị đạo diễn được truyền cảm hứng sâu sắc từ Vương Gia Vệ - một đạo diễn lừng danh của ngành điện ảnh Hong Kong. Ngay cả cái kết của Song Lang cũng chóng vánh, khắc khoải và gây ám ảnh như cách mà Lê Diệu Huy và Hà Bảo Vinh buông tay nhau trong Xuân quang xạ tiết 21 năm về trước. Phải chăng, dấu chấm hết cho đoạn tình cảm này lại là tốt nhất, khi xã hội cũ bấy giờ không phải là thiên đường dành cho những phận người mưu cầu hạnh phúc giản đơn trong khi vẫn còn mắc kẹt với guồng quay cơm áo gạo tiền bế tắc?
Nhìn lại một chặng đường dài của phim ảnh châu Á, hiếm có được một tựa phim đồng tính diễn ra vào nửa cuối thế kỉ 20 mà có cái kết viên mãn, trùng phùng. Lướt qua một loạt những Xuân quang xạ tiết, Lam Vũ, Bá Vương biệt cơ, Đông cung Tây cung, và nay là Song Lang, khán giả đều gần như “trụy tim” hết lần này đến lần khác vì đoạn kết đắng cay, một đoạn tình cảm bị chặt đứt bởi biến cố, bởi xã hội, bởi chiến tranh, hay bởi chính đương sự trong cuộc.
Thế nhưng, trong cái ám ảnh, xót xa ấy, Song Lang vẫn ánh lên nét đẹp ý nhị, chân chính, rằng lấy được nước mắt khán giả là mong muốn lớn nhất, làm được khán giả gào thét kể khổ là tình yêu vẫn còn hi vọng, vì có đau có khổ thì mới trân trọng niềm vui, mới có sức mạnh mà đấu tranh cho một cái kết hạnh phúc thật sự. Song Lang đã gan dạ đánh cược chính mình trên đấu trường phòng vé để chọn cú chốt hạ “ngược tâm” với hi vọng có thể khoét sâu vào tâm khảm của khán giả, khai thác triệt để những cảm xúc thầm kín nhất của con người, như đối với Leon Quang Lê đã chia sẻ “coi xong Song Lang mà thấy buồn, thấy hụt hẫng là phim đã thành công rồi“.
Cùng thưởng thức trailer chính thức của “Song Lang”.
Song Lang chính thức công chiếu vào ngày 17/8/2018.