Năm 2016 đã khép lại 12 tháng tương đối thành công đối với dòng phim siêu anh hùng nói chung. Vũ trụ điện ảnh của Marvel tiếp tục được mở rộng và thu về lợi nhuận khổng lồ, theo sau là sự trưởng thành của DC cũng đang ráo riết trong cuộc chạy đua trên mặt trận màn ảnh rộng.
Mở đầu bằng bựa phẩm Deadpool hốt bạc cho hãng Fox và kết thúc bằng Doctor Strange được coi như một trong những bộ phim có hiệu ứng tốt nhất năm, 2016 vẫn còn đó những Batman v Superman hay X-Men chưa đạt tới kỳ vọng của người hâm mộ. Giới phê bình mặt khác đã lộ chân tướng là những kẻ “phá game” khi thản nhiên bảy tỏ quan điểm thẳng thắn của mình về một số tác phẩm mà họ không thích. Trong khi đó, những nhân tố siêu anh hùng thực sự gây thú vị 2016 lại thuộc về tuyến nhân vật phụ như Black Panther, Spider-Man của Tom Holland, Aquaman hay Wonder Woman.
Vậy nên, 2017 được kỳ vọng tiếp tục là một năm đại thắng của thể loại phim siêu anh hùng, mở đầu bằng The LEGO Batman Movie và Logan, theo sau đó là những Guardians of Galaxy Vol. 2 , phim riêng về Wonder Woman, Spider-Man: Homecoming vào tháng 7, Thor: Ragnarok và tạm biệt bằng bom tấn Justice League. Hai cột mốc này cũng chính là lúc để ta nhìn lại một năm vừa qua của thể loại phim siêu anh hùng trên màn ảnh, từ đó rút ra những bài học về công thức thành công của một số tác phẩm và điều gì sẽ bị từ chối.
Động cơ phải rõ ràng
Là bộ phim siêu anh hùng đầu tiên trong năm 2016 của Warner Bros., nên dĩ nhiên Batman v Superman: Dawn of Justice sẽ khó tránh khỏi vị trí làm bia đỡ đạn cho giới phê bình. Nó cũng được xem như một bài học mà các nhà sản xuất nếu muốn dấn thân vào thể loại này, thì cần phải khắc cốt ghi tâm về sau. Bằng cách nào đó, thay vì giới thiệu một bộ phim đơn thuần, Warner Bros. lại làm người xem tập trung quá nhiều vào việc Batman v Superman: Dawn of Justice đen tối hay tươi sáng, như một niềm tự hào để lấy làm đối trọng với Marvel.
Nhưng trong khi đối thủ Captain America: Civil War chỉ đơn giản là mang đến một bàn tiệc điện ảnh thú vị, giải trí nhất và rõ ràng - là để kiếm tiền. Còn Batman v Superman: Dawn of Justice, dù không quá tệ, đáng tiếc đã bị nhìn nhận sai lầm bởi kỳ vọng quá lớn của khán giả. Nên nhớ khán giả ở đây là đối tượng đại chúng, những người có tiền là sẽ xem được phim chứ không phải fan truyện tranh. Họ càng không đủ kiến thức để nghe nhà sản xuất giải thích từ “Martha” có quyền năng lớn thế nào trong cuộc đấu tay đôi giữa hai siêu anh hùng Superman và Batman.
Hãy lấy Deadpool làm ví dụ. Với sự tự giễu cợt bản thân bằng cách phá vỡ bức tường thứ tư, gã dị nhân lắm mồm này đã biến bộ phim của mình thành một trò đùa. Mà trò đùa nào thông thường cũng mang lại niềm vui, miễn nó đủ khôn ngoan và có chừng mực. Hay như Doctor Strange, bất chấp nhiều ý kiến nhận xét bộ phim rất Marvel, song điều đó chỉ chứng minh Disney đã cho chúng ta một bom tấn dễ xem và đáng để chi tiền.
Nhưng cũng đừng nhầm lẫn với Suicide Squad và X-Men: Apocalypse - hai tác phẩm có điểm chung nhờ tập hợp một dàn nhân vật mà chắc bạn khó lòng xác định được đâu là chính, đâu là lý tưởng của những kẻ phản diện. Apocalypse làm khán giả cảm thương (hơn là cảm thông) vì sự tuyệt vọng trong nỗ lực tái tạo một thế giới mới, đồng thời phải bảo tồn nòi giống dị nhân mà trong đó có nhiều thành phần sẽ chống lại ông ta. Biệt đội tự sát của DC, than ôi, có quá nhiều sự nguy hiểm trong một bộ phim giải trí thông thường: những ác nhân đi cứu thế giới, một Amanda Waller lạnh lùng đến tàn nhẫn, một phù thuỷ mấy nghìn năm tuổi cùng anh trai bá đạo của ả và một Joker phiên bản lỗi kiểu soái ca ngôn tình.
Cảm xúc đóng vai trò quan trọng
Các phim chuyển thể từ truyện tranh ngày nay đang chứng kiến một cuộc sa lầy vào hiệu ứng hình ảnh và các trận chiến đã mắt mà nhiệm vụ truyền tải thông điệp, làm người kể chuyện, đã và đang bị quên lãng. Những hiệu ứng trực quan vẫn được thực hiện quá tốt (hình ảnh trong phim Doctor Strange, cảnh chiến đấu tại sân bay của Captain America: Civil War…), tuy nhiên cuối cùng thì một cảnh chiến đấu có thực sự thuyết phục hay không lại nằm ở động cơ của những kẻ tham gia, và một hiệu ứng kỹ xảo thì vẫn không thể đáng nhớ bằng cảm xúc chân thực của nhân vật.
Những bộ phim chuyển thể từ truyện tranh “rơi rụng” trong năm nay bị mắc những lỗi cơ bản trong cách dựng truyện. Từ Apocalypse ôm đồm quá nhiều tuyến nhân vật (Jean Grey và Cyclops vật lộn với sức mạnh mới, Magneto đau khổ vì mất gia đình…) đến một Suicide Squad bối rối với kịch bản chứa quá nhiều câu hỏi mà bộ phim không thể trả lời hết.
Có hàng chục siêu anh hùng phô diễn sức mạnh trên màn ảnh và hàng trăm nỗi đe doạ tàn phá trái đất. Tham vọng khai phá, mở rộng Vũ trụ điện ảnh khiến các studios ngày đêm giới thiệu những tên tuổi tiềm năng, rồi từ đó phát triển thành series và gộp làm phim chung đã thổi phồng bong bóng phạm vi của chúng. Nhưng sau tất cả, thứ đọng lại lâu dài nhất vẫn là cảm xúc neo đậu trong tâm trí người xem. Rằng đâu đó, sẽ luôn có những xung đột và và việc sở hữu trong mình sức mạnh phi thường là điều không mấy dễ dàng.