Phim Ảnh

'The Mummy' - Vũ trụ tăm tối, tương lai mù mịt

Anh Phan
Chia sẻ

Bộ phim bom tấn với kì vọng là phát súng mở màn cho Dark Universe – Vũ trụ quái vật của Universal Pictures "The Mummy" - "Xác Ướp" đã mang lại cho khán giả những giờ phút hành động mãn nhãn và cũng với đó là hàng loạt những khoảnh khắc nhíu mày kì quặc.

Bộ phim bom tấn với kì vọng là phát súng mở màn cho Dark Universe - Vũ trụ quái vật của Universal Pictures đã mang lại cho khán giả những giờ phút hành động mãn nhãn, và cũng với đó, là hàng loạt những khoảnh khắc nhíu mày kì quặc.

Poster với tạo hình khác lạ của công chúa Ahmanet

Nick Morton = Indiana Jones + Rick O’Connell?

Trong bản phim The Mummy này, tài tử Tom Cruise sắm vai nam chính Nick Morton - “ngọn hải đăng” kéo những khán giả thậm chí còn chẳng biết đến sự tồn tại của binh đoàn xác ướp đã càn quét màn ảnh rộng từ những năm 60 của thập niên 20, hay gần đây hơn là chuỗi phim ba phần được làm vắt qua hai thập kỉ đến rạp và mua vé phim.

Có thể dễ dàng nhận thấy, tay quân nhân có sở thích “nhảy đồ” Nick Morton được xây dựng dựa trên công thức pha trộn giữa hai hình tượng kinh điển của dòng phim phiêu lưu khảo cổ là Indiana Jones của series phim cùng tên và Rick O’Connell của hai phần phim The Mummy (1999) và The Mummy Return (2001): vẻ ngoài lãng tử phong trần, luôn sẵn máu phiêu lưu mạo hiểm và vốn kiến thức khảo cổ vừa đủ dùng.

Mick Morton (trái) và người bạn thân/đồng đội cùng chung chí hướng “nhảy đồ”

Tuy nhiên, nếu như Indiana Jones là giáo sư khảo cổ học thích khám phá và chinh phục, Rick O’Connell chỉ ở vị thế của kẻ vô tình bị kéo vào rắc rối bởi người vợ là một nhà khảo cổ, thì sự phát triển của ngành khảo cổ có lẽ không hào hứng với việc vinh danh Nick Morton. Hãy nhớ lại cảnh phim nọ, khi anh ta chẳng ngại ngần rút súng bắn nát một phần của di chỉ khảo cổ hàng ngàn năm tuổi. Nếu không bởi Nick là nhân vật chính (một dạng sức mạnh của sự “đặc cách” sẽ quay đi quay lại thêm nhiều lần nữa trong bộ phim), thì có lẽ anh ta đã được xếp vào cùng hàng ngũ với những kẻ khủng bố phá hoại di sản văn hoá khi bộ phim bắt đầu.

Nhưng nghĩ lại, thì Nick Morton được mặc định là một “bad boy”, mà việc của trai hư, không phải là phá phách và tán tỉnh mọi cô gái xuất hiện quanh mình hay sao?

Đảm nhận một vai diễn không quá mới, Tom Cruise đã hăm hở lao vào bộ phim… với tinh thần của Ethan Hunt đi thực hiện những nhiệm vụ bất khả. Rượt đuổi, đấu súng, nhảy qua các toà nhà đang đổ sụp vì pháo kích… Khán giả thực sự không cảm nhận được quá nhiều khác biệt trong diễn xuất của nam diễn viên với vẻ ngoài không tuổi này.

Nick Morton có lẽ là phiên bản “lỗi” của Ethan Hunt

Tình tiết kì quặc, tại phim hay tại người?

Bây giờ, hãy tưởng tượng, bạn có câu chuyện về một xác ướp bị nguyền rủa, được mang trở lại với thế giới loài người nhân danh khoa học. Hành trình tìm cách ngăn chặn xác ướp ấy dẫn bạn đến chỗ phát hiện ra sự tồn tại của một tổ chức đã tồn tại từ hàng trăm năm nay với sứ mệnh tìm ra phương thuốc tiêu diệt cái ác luôn lăm le đe doạ cuộc sống của loài người. Song song với phát hiện ấy, bạn cũng nhận ra mình là một mắt xích trong một chuỗi liên kết lớn hơn, với nhiều nhân vật khác cũng rơi vào tình huống tương tự mình - những cái tên chỉ cần nghe thôi cũng đủ để phấn khích: Người Vô Hình, Người Sói và bác sĩ Jekyll… Nghe rất tuyệt đúng không? Nhưng đáng buồn thay, ý tưởng ấy vẫn tuyệt vời cho tới khi nó được hiện thực hoá thành một bộ phim trên màn ảnh.

“Bộ ba kì quái”

Lời khuyên đưa ra cho đội ngũ sản xuất của The Mummy (2017) là, họ nên chuyển thể kịch bản phim thành một bộ tiểu thuyết. Trong trường hợp đó, sức mạnh của từ ngữ và trí tưởng tượng nơi người đọc sẽ tạo ra một phiên bản khác của The Mummy, vẫn với chuỗi tình tiết ấy, nhưng chắn chắn sẽ duyên dáng hơn 111 phút phim trên màn ảnh.

Nói như vậy không có nghĩa cả bộ phim là một thảm hoạ - chúng ta vẫn nhìn thấy đây đó một vài tình tiết thực sự thú vị - như cảnh rượt đuổi dưới nước, hay phân đoạn với hai người cảnh sát ở dưới chân cầu, hay mọi cảnh phim có Russell Crowe tham dự. Nhưng phần lớn thời gian, ta sẽ thấy The Mummy (2017) tiêu tốn thời gian của khán giả vào những chi tiết rất vô thưởng vô phạt.

Russell Crowe trong vai Dr. Jekyll mang đến cho bộ phim những khoảnh khắc nghẹt thở

Chúng ta có một bản danh sách rất dài những chi tiết chẳng lấy gì làm duyên dáng bắt đầu bằng chủ đề kĩ năng giường chiếu được Nick Morton và Jenny Halsey nhai đi nhai lại ở đầu phim, như thể họ chẳng còn chủ đề nào khả dĩ hơn để tranh luận; hay đoạn hội thoại trong nhà xác sống sượng và trần trụi chẳng khác nào tấm thân Nick Morton không một mảnh vải che chắn lúc ấy; và sau đó, là cảnh phim khi Nick Morton dùng một khúc cây lao vào đánh xác ướp Ahmanet trong khi Jenny la lối “Đánh cô ta đi, đánh cô ta đi!” (Tất nhiên cảnh phim ấy kết thúc bằng việc Nick bị Ahmanet đánh văng khỏi khung hình - như cái cách thỉnh thoảng bạn vẫn thấy các nhân vật hoạt hình bị đánh bay lên trời ấy).

Đây tiếp tục là bộ phim về quái vật mà nhân vật chính (xác ướp) bị “bức tử” khỏi bộ phim của chính mình

Chuỗi tình tiết vô duyên không tưởng này đặt ra cho người xem câu hỏi: Sự nhạt nhẽo ấy đến từ nhân vật, hay đến từ chính khiếu hài hước “khác người” của những người đã cùng nhau tạo nên bộ phim này?

Vậy xét cho cùng, bộ phim có thực sự làm được gì?

Tạm tha thứ cho chuỗi tình tiết không lấy gì làm duyên dáng, tạm bỏ qua hàng tá phản ứng rất “không liên quan” của nhân vật ngay giữa cảnh phim mà họ là nhân vật chính, giờ là lúc chúng ta nghiêm túc nhìn nhận, The Mummy (2017) đã hoàn thành trọn vẹn những nhiệm vụ gì.

Có lẽ không phải phát súng mở màn suôn sẻ cho Dark Universe. Chắc chắn thế. The Mummy (2017) đang diễn lại câu chuyện buồn của Dracula Untold. Năm 2014, Dracula Untold đã được kì vọng là bộ phim đầu tiên mở màn cho Dark Universe nhưng sau đó nhanh chóng bị buộc phải nhường bị trí tiên phong danh dự ấy cho The Mummy (2017) (có vẻ trùng kịch bản với câu chuyện trao nhầm vương miện hoa hậu năm nào) vì sự thực nó là một sự thất bại trong cả doanh thu lẫn danh tiếng cho nhà sản xuất. Sau The Mummy (2017), tương lai của Dark Universe lại càng trở nên tăm tối mịt mùng (như chính tên gọi của nó). Rõ ràng không phải hãng phim nào cũng mát tay khi cố gắng xây nên một vũ trụ điện ảnh cho chính mình.

Đội hình dự kiến của Dark Universe: Dracula, Frankenstein, Người Sói, xác ướp và Black Lagoon

Không thực sự thành công trong việc mang lại thành công cho Dark Universe, nhưng The Mummy (2017) đã thành công trong việc kết nối nó với bộ ba phim về xác ướp Ai Cập của Stephen Sommers. Có thể nhận thấy, bản phim năm 2017 đã sử dụng lại rất nhiều tình tiết, cũng như chi tiết kinh điển của bản phim cũ: Nick có khả năng kết nối tâm linh và thấy những ảo ảnh về Ahmanet còn nhân vật Evelyn trong bản phim cũ thì có khả năng nhìn thấy những ảo ảnh về tiền kiếp của mình, cả Ahmanet và Imhotep đều hút sinh khí của các nạn nhân và biến họ thành nô lệ của mình… Và trong một khoảnh khắc ngắn ngủi diễn ra trong phòng đọc sách, Jenny đã tấn công người bảo vệ bằng một cuốn sách - tình cờ lại chính là cuốn sách cổ giúp tiêu diệt Imhotep đã xuất hiện trong bộ phim The Mummy năm 1999 - điều này gián tiếp khẳng định Nick Morton và Rick O’Connell đều thuộc về cùng một thế giới đã bị tấn công đến ba lần bởi hai xác ướp đầy quyền năng được hồi sinh từ nắm tro tàn.

Nick Morton có khả năng kết nối tâm linh với Ahmanet

Với số điểm thấp đến khó tin trên các chuyên trang điện ảnh - vốn không còn là điều gì quá mới mẻ trong những năm trở lại đây, The Mummy (2017) rõ ràng chưa thể làm thoả mãn các fan hâm mộ dòng phim về xác ướp Ai Cập nói riêng, cũng như khán giả yêu điện ảnh nói chung. Nhưng điểm tích cực của vấn đề, bộ phim đã kể lại được hoàn chỉnh câu chuyện của mình, trong khi vẫn gài gắm được phần mở đầu của một câu chuyện dài hơi khác. Và điểm thú vị nhất, nói theo một cách hài hước, thì bộ phim đã hé lộ cho khán giả biết một giả thiết lí giải cho diện mạo trẻ trung kì diệu của Tom Cruise.

Chia sẻ

Bài viết

Anh Phan

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
tag-icon
Tin mới nhất