Phim Ảnh

'Mùa viết tình ca': Khúc tình ca còn dang dở của chàng nghệ sĩ Isaac

Minh Khôi
Chia sẻ

Nếu bạn đang cần một bộ phim nhẹ nhàng, với âm nhạc ngập tràn, những ngày nắng đẹp và phong vị nhiệt đới, thì xin chào mừng bạn đến với "Mùa viết tình ca".

Khi những tia nắng chói chang cuối cùng của mùa hè đương ở thời điểm dữ dội nhất, như muốn gom hết cái oi nồng, bốc lửa của những ngày hạ một lần, thì cũng là lúc những nhạc khúc tươi trẻ của Mùa viết tình ca vang lên, như một niệm khúc để khán giả luyến lưu mùa hè năm 2018. Nhẹ nhàng và trìu mến, mát lành như một cơn gió biển, đó tất cả là những gì mà tác phẩm mang lại cho khán giả.

Nội dung của Mùa viết tình ca thực sự cũng không mới: Bảo Trung (Isaac) vốn là một nhạc sĩ nổi tiếng trong showbiz, là một cỗ máy tạo hit chuyên nghiệp với tất cả mọi công nghệ tối tân, mọi đồng nghiệp để tạo nên những ca khúc khuấy đảo bảng xếp hạng. Các ca sĩ hàng đầu đều phải xếp hàng để đặt hàng.Tuy nhiên, trong một lần lỡ làng, Bảo Trung đã lỡ “mượn” sáng tác và hòa âm phối khí từ đồng nghiệp.

Sau 3 ngày, một vụ scandal chấn động thực sự đã nổ ra trong làng nhạc, mới phút trước, cái tên của Bảo Trung còn nằm ở trên đỉnh vinh quang với vị thế một “phù thủy âm nhạc” tài năng, phút chốc hoàn toàn sụp đổ, bị khắp nơi khinh thường. Giữa những áp lực lớn đến chết người như thế, anh chàng nhạc sĩ đã chọn cách buông bỏ tất cả, tìm về miền đất Mũi Né của cát vàng, gió biển và nước xanh trong… Và đó cũng là lúc cuộc hành trình tìm lại chính mình, tìm lại cảm hứng âm nhạc và danh tiếng của Bảo Trung được bắt đầu.

Đây có lẽ là một trong số hiếm hoi phim Việt đã khai thác yếu tố đầy nhạy cảm này, tuy là phim, nhưng phản ánh hoàn toàn sự thật nghiệt ngã của ngành công nghiệp hào nhoáng này: khi nền âm nhạc đang ngày càng tiệm cận với đẳng cấp của khu vực, đó cũng là lúc các hitmaker ra đời, hiểu nôm na như những cái tên bảo chứng cho sự thành công của một sáng tác. Tuy nhiên, đứng đằng sau những bản hit triệu view, công phá các mặt trận ấy là những uẩn tình như thế nào, ít người biết đến, và người biết đến cũng không phải ai cũng dám phản ứng.

Có một lằn ranh vô cùng mong manh giữa sáng tạo và ăn cắp. Khi đã sử dụng cụm từ ngành công nghiệp cho âm nhạc, nghĩa là toàn bộ ngành âm nhạc đã vận hành chung như một cỗ máy khổng lồ. Trong bộ máy khổng lồ ấy, ai sẽ là người còn giữ được nghệ sĩ tính? Và ai sẽ là người buông xuôi, bỏ mặc mọi thứ tự động cuốn theo vòng xoay, và làm xói mòn đi sự sáng tạo cần có của một người nghệ sĩ? Bộ phim đã khai thác tương đối tốt yếu tố nhạy cảm này của làng nhạc Việt nói chung, nơi càng ngày các ca khúc mì ăn liền đang ngày càng hoành hành: dễ nghe, dễ nhớ và cũng dễ quên.

Cuộc hành trình của chàng nghệ sĩ ở miền đất nằm ven biển miền Trung ấy là hành trình tìm lại cái tôi nghệ sĩ, vốn đã bị những phàm tục và nhiễu nhương của ngành công nghiệp làm cho xói mòn đến mất tưởng chừng như đã mất đi. Và quả thật, khi đến một vùng đất xa lạ, nơi ít ai biết mặt, nhớ tên, khi người nghệ sĩ được trả lại trong môi trường vô ưu và vô lo, đó cũng là lúc nghệ sĩ tính bừng bừng khí thế.

Bên cạnh đó, ta có thể thấy sự truyền trao giữa hai thế hệ nghệ sĩ được mô tả vừa khéo: khi những nốt đàn điêu luyện của người nghệ sĩ già (do Chí Tài thủ vai) vang lên, khi những nốt nhạc xưa cũ quen thuộc mà quý giá được cất lên, đó cũng là lúc trái tim nghệ sĩ trong lòng Bảo Trung đã thực sự đập trở lại, dòng máu nghệ thuật từ đây mới tuôn trào trở lại sau ngần ấy năm bị bào mòn.

Sự truyền trao “ngọn đuốc” giữa các thế hệ nghệ sĩ luôn là một điều đáng quý và đáng trân trọng, vì rõ ràng là thế, nghệ thuật là sự tiếp nối, trao truyền và phát triển chứ không phải là một thứ từ trên trời rơi xuống, không gốc tích và cội nguồn. Bộ phim cũng như phần âm nhạc của tác phẩm, như một vòng hoa tri ân gửi đến những nghệ sĩ thế hệ trước, những người đã đặt nền móng để lớp hậu bối có thể tiếp tục bước đi trên con đường nghệ thuật nhiều chông gai.

Xuyên suốt bộ phim, yếu tố âm nhạc có lẽ là một trong những điểm sáng bừng của tác phẩm. Từ những tình khúc trước 75 mà các bậc cha mẹ, ông bà đã nằm lòng, cho đến những ca khúc hiện đại. Tất cả đều được khoác lên mình một chiếc áo hoàn toàn mới, khiến cho khán giả chìm đắm trong từng giai điệu, dù đang ở lứa tuổi nào. Người lớn sẽ khẽ bâng khuâng khi những giai điệu xưa cũ đột ngột vang lên, người trẻ lại trầm trồ những những ca từ và lời hát xưa đã đẹp đến như thế.

Nếu như khán giả đã trót phải lòng với kép Linh Phụng trong Song Lang cũng do chính Isaac thủ vai, mang một vẻ đẹp cổ điển đậm chất điện ảnh, thì với Bảo Trung, Isaac mang đến một dáng vẻ căng tràn sức sống của một người trẻ, vấp ngã để trưởng thành hơn. Tuy nhiên, dù là kép chính của đoàn cải lương hay một chàng nhạc sĩ điển trai thời hiện đại, Isaac vẫn rất thành công khi đã mang đúng cái chất nghệ sĩ ngang tàng, tâm hồn duy mĩ của một nghệ sĩ chân chính vào vai diễn của mình. Bởi lẽ, khó có ai diễn tả trọn vẹn tâm hồn và nội tâm nhiều tầng bậc cảm xúc của một nghệ sĩ hơn một anh chàng nghệ sĩ thực thụ, đã lăn lộn trong nghề suốt ngần ấy năm, trực tiếp trải qua bao thăng trầm của con tạo.

Bên cạnh đó, không thể không ca ngợi Isaac! Có rất nhiều người sẽ xem Isaac là một kiểu “bình hoa di động”, là “tiểu thịt tươi” để mang về sức nóng cho bộ phim. Nhưng có lẽ, với hai vai diễn điện ảnh tương đối phức tạp như thế này, những nhận định chủ quan ấy sẽ ngày càng dần lùi xa.

Vai Linh Phụng là một bước ngoặt rất lớn trong đời nghệ sĩ của Isaac, kể từ nay, khó ai có thể chỉ trích anh chàng là bình hoa di động, không biết diễn xuất nữa vì mọi thứ đã được bảo chứng, rất rõ ràng. Isaac đang ngày càng khẳng định tài năng của mình trong lĩnh vực diễn xuất, anh chàng luôn sẵn sàng đối đầu với những thử thách khó nhằn để có thể tự tin và thuyết phục khán giả.

Rồi Isaac có thể tiến xa hơn với nghiệp diễn xuất song song với con đường ca hát? Đó là một con đường khó, nhiều gai hơn là hoa hồng, nhưng tin chắc rằng, nếu Isaac vẫn giữ vững cái tâm và kiên định với bản thân, anh sẽ thành công.

Lời cuối cùng, bộ phim chỉ dừng lại ở mức vừa vặn, và sạch sẽ. Nội dung vẫn đi vào lối mòn, không mới mẻ với cách xử lí các nút thắt không thực sự thuyết phục khán giả, đồng thời đi vào lối mòn của rất nhiều bộ phim Việt: ôm đồm vào quá nhiều chi tiết, và thực sự chưa có một phân cảnh nào đủ đắt giá để định hình nên toàn bộ một bộ phim. Thế nhưng, Mùa viết tình ca, quả thực vẫn là một nốt nhạc nhẹ nhàng và trong trẻo trong bản hòa ca mùa hè

Chia sẻ

Bài viết

Minh Khôi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất