Mowgli: Legend of The Jungle kể về cậu bé Mowgli được nuôi dưỡng bởi một bầy sói trong rừng. Ngoài bầy sói, cậu còn nhận được sự yêu thương, dạy dỗ của báo đen Bagheera (Christian Bale) và gấu Baloo (Andy Serkis). Cậu bé lớn lên với tập tính của loài sói. Chuyện phim là quá trình trưởng thành của cậu cùng những hoài nghi về thân thế, về thế giới quan xung quanh và còn là hành trình chống lại con hổ Shere Khan (Beneditch Cumberbatch) gian ác lúc nào cũng lăm le hãm hại.
Trailer “Mowgli: Legend Of The Jungle”
Disney đã từng chuyển thể tác phẩm văn học The Jungle Book dưới sự chỉ đạo của Jon Favreau (Iron Man) và đạt được rất nhiều thành công vang dội vào năm 2016. Với phiên bản mới này, Andy Serkis hi vọng đem lại những sự mới lạ cho câu chuyện rừng xanh này.
Kỹ xảo đỉnh cao
Nổi danh qua những màn hóa thân trong The Lord Of The Ring, King Kong, Planet of the Apes, Andy Serkis được coi là bậc thầy của công nghệ “mo-cap (bắt chuyển động)”. Trong Mowgli: Legend of The Jungle, ông đã đem lại một bữa tiệc kỹ xảo mãn nhãn, hoàn toàn thỏa mãn được nhu cầu “nghe-nhìn” của khán giả.
Bằng công nghệ mo-cap cùng với dàn diễn viên hạng A tài năng như Christian Bale, Beneditch Cumberbatch, Cate Blanchett, các nhân vật động vật trong phim hiện lên đầy thuyết phục, trông như thật. Qua công nghệ này, khả năng diễn xuất bằng ánh mắt của dàn sao hạng A càng được tôn lên khi mà cơ mặt đã bị biến thành hình dạng khác. Chỉ với một cái nhìn, người xem hoàn toàn có thể biết được tính cách và suy nghĩ của nhân vật.
Bối cảnh trong phim tuy được dựng hoàn toàn bằng máy tính nhưng lại trông hoàn toàn như thật. Khiến người xem tin rằng, khu rừng hoang dã trong phim thật sự tồn tại ở một nơi nào đó trên thế giới.
Có một điểm trừ nhỏ là thiết kế của đàn sói và chú sói bạch tạng Bhoot không tạo được ấn tượng với người viết khi còn trông hơi “nhân tạo”.
Câu chuyện đen tối hơn so với bản Disney
Được hứa hẹn là một phiên bản thực tế hơn nhiều so với phiên bản năm 2016, Andy Serkis đã cho người xem thấy được một cách tiếp cận tăm tối hơn rất nhiều khi không ngại thêm vào những cảnh máu me, bạo lực.
Trong phim xuất hiện khá nhiều các phân đoạn bạo lực như khi Mowgli bị bắt vào động khỉ hay cảnh săn mồi. Những phân đoạn này, theo ý kiến của người viết thì rất là man rợ, rất gần với chữ “thú”.
Con người trong phim hiện lên với hai mặt tốt và xấu. Mặt tốt, họ là những người vui vẻ, hiền lành, sẵn sàng chấp nhận nuôi dạy và chăm sóc một đứa bé xa lạ như Mowgli. Mặt xấu, họ là những kẻ đem đến sự hủy diệt cho khu rừng mà đại diện là gã thợ săn.
Khi xem Mowgli: Legend of The Jungle, người xem không thể nào biết trước được liệu kết phim là tích cực hay tiêu cực. Không biết được rằng liệu nhân vật chính cuối cùng có nhận được kết cục viên mãn hay không, hay rốt cuộc, những thù hận càng ngày càng lớn dần và nuốt chửng cậu bé.
Điểm trừ từ sự quá cố
Vì đối tượng của phim nhắn tới là người lớn nên Andy Serkis đã cố gắng đưa vào nhiều thông điệp trong Mowgli: Legend Of The Jungle. Diễn viên chính là cậu bé Rohan Chand còn quá nhỏ và quá ít kinh nghiệm diễn xuất, vì thế những đoạn cao trào cần đẩy mạnh cảm xúc hay chuyển biến tâm lý thì cậu bé diễn chưa tới.
Bên cạnh đó, những thông điệp của phim chưa được truyền tải một cách hiệu quả và tinh tế khi liên tục được đưa ra nhưng lại không được xử lý tới nơi tới chốn, tạo cảm giác hụt hẫng nơi người xem.
Dù còn nhiều thiếu sót, nhưng về tổng thể Mowgli: Lengend of The Jungle vẫn là một tác phẩm đáng thưởng thức khi hội tụ đầy đủ các yếu tố giải trí.
Mowgli: Legend of The Jungle hiện đang được phát sóng trên mạng truyền hình trả phí Netflix.