Nếu cả Nắng và Nắng 2 của đạo diễn Đồng Đăng Giao đều xoay quanh câu chuyện của người mẹ “khờ khạo” Mưa (Thu Trang) cùng cô con gái Nắng (bé Kim Thư) thì đến với Mặt trời, con ở đâu?, người ta sẽ bắt gặp hình ảnh một người cha gặp trở ngại về ngôn ngữ - A Tẻo (Huỳnh Đông).
Vẫn là hành trình tìm con của các bậc phụ gặp khiếm khuyết nhất định về khả năng giao tiếp và tư duy, vẫn nhấn mạnh và đề cao tình cảm gia đình, nhưng trong chừng mực nào đó, “điểm đáp” của hai câu chuyện ít nhiều có sự sai khác nhất định.
Nhìn vào Mặt trời, con ở đâu? có lẽ khán giả dễ dàng nhớ đến Khi con là nhà của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng hơn, bởi cả hai đều tô đậm tình cảm cha con - đề tài ít được khai thác trên màn ảnh Việt nói riêng và thế giới nói chung. Tuy nhiên, dù so với bất kì bộ phim nào, là Nắng, Nắng 2 hay Khi con là nhà thì Mặt trời, con ở đâu? của đạo diễn Hữu Tuấn vẫn cho thấy một màu sắc rất riêng tại phòng vé dịp cuối năm.
Thoạt nhìn, người ta cứ ngỡ phim chỉ thiêng khắc họa tình cảm cha con qua các nhân vật A Tẻo và con trai Á (bé Bảo Bảo) hay ông Vượng (Huỳnh Anh Tuấn) và con gái Xuka (bé Mai Cát Vi). Nhưng nếu để ý kĩ, chúng ta sẽ còn thấy sự tinh tế trong việc mang tình mẫu tử, tình thân ý nhị, kín đáo của nhân vật bác sĩ Kim (Việt Hương) lên màn ảnh và đan cài giữa bốn nhân vật chủ chốt của câu chuyện.
Tôi từng định nghĩa thế này về tình yêu mà các bậc phụ huynh dành cho con cái của họ, rằng từng người sẽ có thứ “ngôn ngữ yêu thương” của riêng mình. “Ngôn ngữ” này sẽ khác nhau giữa cha và mẹ, đương nhiên, giữa các người cha, người mẹ với nhau cũng đều không giống nhau. Nói cách khác, việc thể hiện tình cảm với con cái của từng cá thể cha mẹ độc lập là một phiên bản “limited” của chính bản thân họ để rồi ứng với mỗi cách biểu lộ đó, là từng đứa trẻ có cá tính hoàn toàn riêng biệt.
Và bạn biết không, tôi còn cho rằng các bậc cha mẹ luôn dành cho con cái họ tình yêu thương dựa trên sự “cô chấp” và “ngang ngược”, nhất là những người mẹ. Ví như nhân vật bác sĩ Kim trong Mặt trời, con ở đâu?, với cá nhân tôi, cô ấy là một người phụ nữ đáng thương hơn đáng trách. Dành tất cả sức lực, khả năng mình có để duy trì sự sống cho Dekhi - cô con gái bị bệnh ung thư máu và trông chờ nguồn tủy sống hợp pháp để cô bé có thể tiếp tục đoạn đời đầy ước mơ và hoài bão phía trước. Nhưng rồi người mẹ ấy, vị bác sĩ ấy cũng không chiến thắng được số phận, cô đã thua trong “cuộc chiến” một mất một còn, hòng giành con gái về từ lưỡi hái tử thần.
Sự bất lực đã biến nỗi đau thành tham vọng và ích kỉ, với bản năng người mẹ, người cô, bác sĩ Kim đã quyết tâm tìm cho cô cháu gái Xuka nguồn tủy sống thích hợp bằng con đường không chính thống để cô bé không phải chịu chung số phận như Dekhi - bị căn bệnh quái ác cướp đi sự sống. Người ta sẽ bĩu môi, nhìn vào nhân vật này với cái nhìn đầy miệt thị vì dẫu sao cô cũng đang khoác lên mình màu áo blouse của những thiên sứ, mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng.
Nhưng hãy công bằng hơn và đừng bao giờ quên rằng bác sĩ Kim là một người mẹ, người cô, một người phụ nữ đầy bản năng trước khi là một bác sĩ. Đương nhiên việc làm của cô ấy không hoàn toàn đúng song bạn biết đấy, khi những người mẹ hành động bằng con tim thì không một chuẩn mực nào có thể chiến thắng tình yêu thương có phần “cố chấp” và “ngang ngược” của họ. Vậy nên không phải tự nhiên mà tôi nói rằng nhân vật này đáng thương hơn đáng trách.
Phía bên kia chiến tuyến lại là “lãnh địa” của những người cha. Trái ngược với nhân vật bác sĩ Kim, cả ông Vượng và A Tẻo đều cho thấy cách yêu thương con tỉnh táo và đầy lý trí. Có thể với họ, con cái là cả bầu trời, là nguồn sống, nguồn động viên tinh thần to lớn mà không gì có thể thay thế được; song cả hai người cha chỉ thể hiện điều đó bằng ánh mắt và hành động.
Với một người gặp trở ngại ngôn ngữ như A Tẻo, anh đã để những giọt nước mắt lưng tròng nói thay tâm tình đối với “thằng con” không chung huyết thống. Bằng cách nào đấy, những con người chảy hai dòng máu khác nhau lại đồng điệu bởi nút giao của cảm xúc mà người ta gọi đó là tình thân. Còn riêng về ông Vượng, việc xuôi theo sự sắp xếp của bác sĩ Kim, buộc Á hiến tủy cho Xuka đã phần nào thể hiện khát vọng giữ lại đứa con gái ông hết mực yêu thương. Á là tia hy vọng, là cánh cửa cuối cùng của ông và cả bé Xuka. Mà bạn biết đấy, một khi người đàn ông đã chọn nghe tiếng gọi của con tim thì mọi lý lẽ trên cuộc đời này với họ đều vô nghĩa, vì khi đó, họ đã rơi vào kiệt cùng của sự bất lực rồi.
Bằng việc đan xen khắc họa tình phụ - tử và mẫu - tử thiêng liêng, Mặt trời, con ở đâu? đã làm mình khác biệt và bật lên hẳn so với mặt bằng chung của những phim cùng đề tài. Bên cạnh đó, tình bạn bè được thể hiện thông qua các diễn viên nhí cũng là một điểm sáng nổi bật, giúp phim thu hút sự quan tâm của khán giả.
Trailer phim.
Series Nắng hay Khi con là nhà dù chỉ thể hiện một khía cạnh nhất định về tình cảm gia đình, nhưng không thể phủ nhận rằng các tác phẩm này đều đã chạm đến tận cùng trái tim khán giả. Tuy nhiên, Mặt trời, con ở đâu? lại là một màu sắc mới, cho thấy sự cố gắng vượt bậc của một ekip phim giàu nhiệt huyết khi nỗ lực đan cài đầy đủ thông điệp ý nghĩa cho một bộ phim gia đình.
Phim hiện đang được chiếu tại tất cả các cụm rạp trên toàn quốc.