Có nhiều yếu tố tạo nên một bộ phim đáng xem: nội dung, hình ảnh, âm thanh, diễn xuất, hình mẫu các nhân vật chính diện và phản diện. Ở thể loại hành động nói riêng, vế phản diện đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong toàn bộ nội dung. Phim sẽ không còn hấp dẫn nếu kẻ ác không đủ thông minh và nguy hiểm để đối đầu với nhân vật chính. Tuy nhiên, điều đáng nói là năm nay, màn ảnh năm 2015 lại xuất hiện quá nhiều ác nhân như vậy.
Albright trong Self/less
Self/less xoay quanh Damian, một vị tỷ phú phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư. Không cam lòng chịu thua trước Tử thần, ông tìm đến tổ chức có thể đưa ý thức của người này vào cơ thể khỏe mạnh của người khác để có cơ hội sống thêm lần nữa. Mọi chuyện có vẻ suôn sẻ cho đến khi ký ức còn sót lại của cơ thể mới xen vào trí óc của Damian. Ông phát hiện hóa ra tổ chức kia không tốt đẹp như mình tưởng.
Công trình nghiên cứu của tổ chức do Albright đứng đầu không màng đến vấn đề nhân đạo, thậm chí là chống lại quy luật tự nhiên, nhưng “dịch vụ” của họ lại khá chu đáo. Sau khi chuyển đổi Damian thành công, Albright cung cấp cho khách hàng thuốc miễn phí và thân phận, xe cộ, nhà cửa mới. Albright chỉ dùng đến vũ lực khi Damian phát hiện ra bí mật kinh doanh của tổ chức và hành động vượt khỏi tầm kiểm soát. Đổi lại, Albright nhận được cái chết không thể tàn nhẫn hơn do chính khách hàng của anh gây ra.
Victoria trong The Man from U.N.C.L.E.
Trong bối cảnh Chiến tranh lạnh những năm 60 của thế kỷ trước, hai đế quốc Mỹ và Liên Xô không ưa gì nhau, thậm chí là thù địch vô cùng gay gắt. Nhưng khi phải đối mặt với kẻ thù chung có mưu đồ chiếm đoạt vũ khí hạt nhân, hai ông lớn đành miễn cưỡng bắt tay nhau. Solo và Illya chính là hai điệp viên đại diện cho Mỹ và Liên Xô trong lần hợp tác này.
Đứng đầu phe đối lập là ác nữ Victoria do Elizabeth Debicki hóa thân. Khác với những gì mà hồ sơ gián điệp miêu tả về cô, Victoria không thể hiện được sự “nguy hiểm” sừng sỏ của mình và liên tục bị Solo qua mặt dễ dàng. Thay vì tự tay giết chết anh ta khi có thể, Victoria lại ba hoa đủ điều rồi giao Solo lại cho thuộc hạ xử lý. Cuối cùng, Illya giải cứu Solo và chính chàng điệp viên Mỹ là người tước đoạt mạng sống của Victoria.
Ernst Stavro Blofeld trong Spectre
Spectre theo chân James Bond đối đầu với Ernst Stavro Blofeld, ông trùm của tổ chức Spectre, đồng thời là cấp trên của các ác nhân từ những phần phim trước. Trong hành trình chống lại phe đối lập, điệp viên 007 nhận được trợ giúp của các bóng hồng xinh đẹp và những đồng nghiệp thân tín ở MI6.
Blofeld có màn xuất hiện ấn tượng ở Rome và còn hùng hồn tuyên bố bản thân là tác giả của mọi nỗi đau mà Bond từng gánh chịu. Dù vậy, ngay khi người xem mường tượng ra viễn cảnh 007 thực sự gặp được đối thủ xứng tầm thì Blofeld lại hành xử vô cùng khó hiểu.
Thay vì hạ sát James Bond, gã bắt trói, tra tấn và “tâm sự” cùng chàng điệp viên, tạo cơ hội cho nàng Madeleine giúp anh trốn thoát. Sau đó, khi có khả năng tiêu diệt James Bond lần nữa, Blofeld lại chơi trò “mèo vờn chuột”, đặt bom hẹn giờ rồi buộc 007 cứu người yêu và thoát ra trong thời gian ngắn ngủi.
Thế nhưng chẳng những không tổn hại được 007, Blofeld còn bị chàng điệp viên bắn rơi trực thăng và tiễn thẳng vào tù.
Frank “the Pope” trong Heist
Heist xoay quanh Luke Vaughn, nhân viên lâu năm của sòng bạc do ông trùm Frank “the Pope” đứng đầu. Vaughn đến tìm ông chủ hỏi vay 300.000 đô để thanh toán tiền viện phí cho cô con gái nhỏ. Pope tàn nhẫn từ chối, đẩy Vaughn vào bước đường cùng và buộc anh phải hợp lực với đồng nghiệp để cướp sòng bạc.
Có thể khẳng định Frank “the Pope” là phản diện tử tế nhất trên màn ảnh. Khi phát hiện cấp dưới trộm ba triệu đô, Frank ra lệnh cho thuộc hạ ráo riết truy tìm bọn cướp. Tuy nhiên, ông trùm không quên đưa ra điều luật hết sức tử tế: không được động vào con gái của tên cướp, dù một cọng tóc trên đầu cô bé và thậm chí cả con gấu bông của em.
Thực ra Frank cũng rất yêu thương con gái mình, nhưng công việc dơ bẩn ông đang làm đã khiến mối quan hệ giữa hai người ngày càng xa cách. Sự đồng cảm giữa những người cha khiến Frank không muốn làm tổn hại con gái của bất kỳ ai.
Tổng thống Snow trong The Hunger Games: Mockingjay - Part 2
Khi các quận của Panem tham gia vào cuộc chiến quy mô lớn thì Katniss Everdeen cũng phải đối mặt với tổng thống Snow trong thử thách cuối cùng. Hợp lực với Gale, Finnick và Peeta, Katniss đột nhập vào Capitol cùng với nhóm 451 của quận 13. Trong hành trình chạy đua với thời gian để giải phóng công dân của Panem, Katniss phải vượt qua cuộc chiến còn khốc liệt hơn bất kỳ đấu trường nào mà cô từng gặp trong loạt The Hunger Games.
Ở những phần phim trước, tổng thống Snow được biết đến như người độc ác, nham hiểm, lạnh lùng và là kẻ thù số 1 của người dân nghèo trên khắp Panem. Nhưng trong The Hunger Games: Mockingjay - Part 2, Snow bỗng dưng không còn đáng ghét như thế nữa. Snow già nua, yếu đuối, hành động không có chiến lược và gần như ông chỉ có mỗi việc chờ chết. Hậu quả tất yếu cho điều này là tổng thống của chính quyền chuyên chế đã thất bại thảm hại dưới tay quân nổi dậy.
Những tác phẩm trên có điểm chung là các phản diện đều tử tế, hiền lành và hành động thiếu cứng rắn. Chính điều này khiến cho các phim không còn hấp dẫn vì hầu như nhân vật chính diện không phải chịu sự đe dọa đáng kể nào từ những ác nhân. Để kẻ ác thêm quyến rũ và trở thành đối trọng xứng tầm với người hùng, các nhà làm phim nên trao cho nhân vật của mình nhiều hơn sự toan tính trong chiến lược, cùng sự dứt khoát trong hành động.
Nếu nhìn sang Kingsman: The Secret Service (2014), bộ phim ra mắt rạp Việt Nam đầu năm 2015, chúng ta sẽ thấy cặp đôi ác nhân Valentine - Gazelle đã thành công như thế nào trong việc gieo rắc nỗi sợ hãi. Kế hoạch của chúng chỉn chu từ đầu đến cuối, thậm chí điệp viên kỳ cựu Galahad đã bị chúng sát hại dã man. Bởi thế lý do khiến Valentine và Gazelle thất bại ở phút cuối đơn giản chỉ vì… họ là những kẻ xấu. Dĩ nhiên, chẳng ai trong chúng ta phiền lòng vì điều này. Khán giả cần những phản diện đủ chất để khiến bộ phim hấp dẫn, nhưng tốt nhất, chiến thắng cuối cùng vẫn nên thuộc về phe chính diện.