Phim Ảnh

Mai Cát Vi - 'Phiên bản nhí' ấn tượng của Ngô Thanh Vân trong 'Hai Phượng'

Phương Thảo
Chia sẻ

Bé Mai trong "Hai Phượng" tạo nên sự thích thú cho người xem khi không khác gì phiên bản nhí của bà mẹ đơn thân Hai Phượng. Dù chín chắn, nấu ăn giỏi (mà không nấu cơm khê như mẹ), song bé cũng rất dũng cảm, ương bướng đến gan lì.

“Bộ phim hành động đáng xem nhất”, “Tác phẩm Việt Nam sánh ngang Hollywood”, “Vai diễn hành động ấn tượng nhất của Ngô Thanh Vân” là những mỹ từ được khán giả đại chúng và truyền thông sử dụng để nhận xét về bộ phim Hai Phượng do đạo diễn Lê Văn Kiệt cầm trịch. Đặc biệt, bên cạnh những thước phim hành động mãn nhãn, tác phẩm của Ngô Thanh Vân còn thành công trong việc xây dựng nhân vật, ngay cả những nhân vật phụ, đặc biệt là vai diễn nhí bé Mai do Mai Cát Vi đảm nhận.

Chuyện phim Hai Phượng theo chân Hai Phượng (Ngô Thanh Vân), người phụ nữ từng có quá khứ làm bảo kê nhà hàng, quán bar tại Sài Gòn, trở về Cần Thơ để sinh con, chăm sóc, nuôi nấng cô con gái bằng nghề đòi nợ thuê. Cuộc đời của hai mẹ con bước sang trang mới khi Mai bị bắt cóc trong một lần cùng mẹ đi chợ. Lần theo đám người bắt cóc lên Sài Gòn, Hai Phượng trở về chốn cũ, một thân một mình lăn xả, đi vào từng hang cùng ngõ hẻm để tìm con gái và đối mặt với những gã giang hồ lì lợm, nguy hiểm bậc nhất.

Với kịch bản đơn tuyến, Hai Phượng hạn chế khai thác nội tâm nhân vật, lược bỏ hoàn toàn những đấu tranh trong suy nghĩ nhân vật chính, bà mẹ Hai Phượng gần như đi một mạch từ vùng quê Cần Thơ đến hang ổ cuối cùng của kẻ bắt cóc con, với mục tiêu duy nhất là mang con trở về. Cũng vì thế, tình yêu dành cho bé Mai của Hai Phượng được thể hiện qua sự lăn xả, bất chấp của cô trong những pha đánh đấm dài hơi.

Chính vì thế, bé Mai - người được nhắc đến trong hầu hết lời thoại của Hai Phượng - cũng không có nhiều đất diễn. Em gần như chỉ xuất hiện ở phần đầu phim, song đó đều là các cảnh quay đắt giá. Ngay từ những thước phim đầu tiên, tạo hình của diễn viên nhí Mai Cát Vi đã gây chú ý cho người xem. Một mình sống cùng người mẹ làm nghề đòi nợ thuê để trang trải cuộc sống thường ngày, bé Mai có suy nghĩ chín chắn, già dặn hơn hẳn những cô bé, cậu bé khác, nhất là khi em thường bị mọi người dè chừng, coi khinh vì không cha, làm con của giang hồ.

Với tính cách lớn trước tuổi, thậm chí có phần “bà cụ non”, bé Mai biết tự mình nấu nướng, học bài, em cũng có cái nhìn trưởng thành về cuộc sống xung quanh, thậm chí cố gắng khuyên mẹ Hai Phượng bỏ nghề đòi nợ thuê để trở về nuôi cá như những người dân miền Tây khác.

Bé Mai trong Hai Phượng tạo nên sự thích thú cho người xem khi không khác gì phiên bản nhí của bà mẹ đơn thân Hai Phượng. Dù chín chắn, nấu ăn giỏi (mà không nấu cơm khê như mẹ), song bé cũng rất dũng cảm, ương bướng đến gan lì. Không những thế, em còn có tinh thần thượng võ và ngày càng khâm phục khả năng võ thuật của mẹ sau khi biến cố xảy ra.

Thông qua nhân vật bé Mai và cách người mẹ đơn thân Hai Phượng dạy con, Hai Phượng đã nỗ lực truyền tải những thông điệp quý giá, rằng nỗi sợ chỉ là cảm giác, nhưng con người vẫn bắt buộc phải sợ để một khi vượt qua nỗi sợ ấy, ta sẽ ngày mạnh mẽ hơn.

Dù đất diễn không nhiều, song vai diễn bé Mai lại gây ấn tượng mạnh mẽ nhờ diễn xuất tự nhiên, sự hóa thân tròn trịa và hợp vai từ ngoại hình cho đến tính cách. Các cảnh quay có Mai xuất hiện - từ hình ảnh hai mẹ con trong căn nhà ọp ẹp, tối tăm, cho đến trường đoạn giải cứu cuối cùng, rồi mẹ con Mai cùng chạm tay đến một tương lai tươi sáng hơn - đều được xem là những tình tiết đắt giá, tạo bước ngoặt cho bộ phim.

Hai Phượng gần như là bộ phim “độc diễn” của “đả nữ” Ngô Thanh Vân với những trường đoạn hành động mãn nhãn, song không phải vì thế mà các nhân vật phụ xuất hiện một cách thoáng qua, hời hợt và cẩu thả. Thay vào đó, họ đều có chiều sâu và những câu chuyện riêng, nhân vật bé Mai là một minh chứng rõ ràng nhất.

Chia sẻ

Bài viết

Phương Thảo

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất