*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Khác với phần đầu tiên, The Conjuring 2: The Enfield Poltergeist đã bỏ ngỏ nhiều câu hỏi bên trong một cốt truyện phức tạp kết hợp hai vụ điều tra tâm linh nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới. Không dễ dàng cảm thụ một cách trọn vẹn như câu chuyện về gia đình Perron ở phần trước đó, The Conjuring 2 đặt ra những mắt xích mơ hồ và bất ngờ trong sự phát triển câu chuyện, đồng thời khép lại với một cái kết khá chóng vánh có thể khiến một số khán giả chưa thỏa mãn. Tuy nhiên, mọi thứ không rõ ràng ấy đều được tạo ra bởi những động cơ rất hợp lý.
Dưới đây là 3 câu hỏi lớn mà chắc chắn dù chỉ thoáng qua, bạn cũng đã từng thắc mắc trong thời gian xem phim.
Tại sao nhân vật phản diện lại là một Ma Sơ?
Nếu như trong phần trước, kẻ cầm trịch tuyến phản diện là nhân vật có thật được ghi lại trong lịch sử - phù thủy Bathsheba, thì bước sang phần hậu truyện, đạo diễn James Wan đã sáng tạo ra ác quỷ Ma Sơ. Vốn là người có cái nhìn hoài cổ với phong cách làm phim mang hơi hướng kinh điển, James Wan một lần nữa học hỏi những người tiền nhiệm. “Kẻ ác” dưới hình dạng một Ma Sơ vốn đã xuất hiện rất nhiều lần trong các tác phẩm phản Chúa những năm 70, 80 của thế kỷ trước như To the Devil a Daughter (1976), Alucarda (1977), The Killer Nun (1979), Guardian of Hell (1981), Demonia (1990),...
Liên đới cùng việc nhà ngoại cảm Lorraine Warren (hiện đã 89 tuổi) từng tiết lộ rằng trong vụ nhiễu ma ở Enfield, bà đã cảm nhận được một thế lực tà ác song song với hồn ma Bill Wilkins. Chính vì lý do này, đạo diễn James Wan quyết định tạo ra một nhân vật hư cấu. Ông đã chọn ác quỷ Ma Sơ đeo chiếc Thánh giá trên cổ và khoác áo dòng đen làm hình tượng tượng phản diện mới trong The Conjuring 2. Chỉ có kẻ mang thân phận là con của Chúa mới đủ sức che mờ đôi mắt ngoại cảm của Lorraine Warren.
Câu thoại cuối cùng của hồn ma Billy có ý nghĩa gì?
The Conjuring 2 mang hình bóng của Saw (2004) trong việc đánh đố khán giả bằng gợi ý mơ hồ. Câu thoại cuối cùng mà Bill Wilkins nói với Lorraine chính là manh mối quan trọng để cô tiêu diệt được thực thể tà ác đang ẩn mình. “Tôi được cho và nhận. Tôi tồn tại từ hơi thở đầu tiên của cô. Dù muốn hay không, tôi cũng sẽ theo cô cho đến chết”. Thoạt đầu, chúng ta tưởng đó là lời nguyền rủa của Bill dành cho Lorraine, nhưng thực chất đây chính là cách miêu tả của “tên gọi” (name) - được đặt từ khi ta sinh ra và được khắc trên mộ khi chúng ta đã chết.
Trừ tà đơn giản chỉ bằng việc… gọi tên?
Chắc hẳn với không ít khán giả, đoạn kết của siêu phẩm The Conjuring 2 gây ra một cú sốc lớn. Chỉ đơn giản biết được tên và gọi tên hung thần thực sự đang ẩn mình đằng sau lớp vỏ Ma Sơ, Lorraine đã hóa giải toàn bộ trở ngại trong chuỗi cao trào của phim. Nhưng thực tế, cách trừ tà này đang tìm về cội nguồn của thế giới tâm linh. Đạo diễn James Wan, người từng tạo ra cái kết bất ngờ trong Saw (2004) nay lại hợp sức cùng hai biên kịch của The Conjuring (2013) là anh em nhà Hayes và tác giả kịch bản của series The Walking Dead David Johnson, chẳng lẽ lại tạo ra đoạn kết The Conjuring 2 “nông” đến vậy?
Như chúng ta đã biết, có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh việc khi ta gọi tên một loài quỷ nào đó, chúng sẽ nghe thấy và tìm đến ám chúng ta. Cùng một quy luật đơn giản này, James Wan quyết định đảo ngược nguyên tắc đó. Ông quan niệm rằng mọi rắc rối sẽ được giải quyết từ chính nơi nó bắt nguồn. Và kẻ ác kia, khởi nguồn từ khả năng ngoại cảm của Lorraine Warren trong vụ căn nhà ma ám Amityville, được giải quyết bằng chính sự phát giác vấn đề của Lorraine Warren. Không chỉ đơn giản là gọi tên, mà James Wan đang muốn gọi lại cách “mở nút” của những tượng đài kinh dị thế kỷ trước.
Xem thêm >>> ‘The Conjuring 2’ - Gần 2 tiếng rưỡi kinh hoàng, nín thở, đau tim và ám ảnh lâu dài
Hai nhà ‘săn ma’ Ed và Lorraine Warren nói gì về ‘The Conjuring 2’?
3 phim kinh dị sẽ cạnh tranh khốc liệt cùng ‘The Conjuring 2’
10 phim kinh dị độc lập hay nhất mọi thời đại
10 phim dựa trên sự kiện có thật chứng minh ‘phượt’ không như bạn nghĩ