Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Liệu ‘Thám tử Pikachu’ có thể thoát khỏi ‘lời nguyền phim chuyển thể’ của Hollywood?

Cùng dự đoán xem "Detective Pikachu", một trong những bộ phim đáng mong đợi nhất của năm nay, có thể đồng thời phá bỏ hai lời nguyền “phim chuyển thể từ game” và “phim chuyển thể từ anime” không nhé.

Có lẽ không cần phải giới thiệu nhiều về cái tên Pokémon, khi cả thế hệ 9x trên toàn thế giới đã lớn lên với nó. Không trò chơi điện tử thì thẻ bài. Không thẻ bài thì anime. Pokémon đã trở thành một phần vô cùng quan trọng trong văn hóa đại chúng.

Pokémon khởi đầu là một trò chơi điện tử dành cho máy Game Boy, ra đời năm 1996 tại Nhật Bản. Cho đến nay, nó đã “tẩu tán” thành công hơn 300 triệu bản toàn cầu và trở thành trò chơi điện tử bán chạy thứ hai của mọi thời đại, chỉ sau Super Mario. Trong vài năm trở lại đây, “đế chế quái vật” này đã tấn công thị trường ứng dụng điện thoại và tạo ra một cơn sốt khủng khiếp khi ứng dụng Pokémon Go vượt qua 1 tỉ lượt tải xuống. Năm 2016, trò chơi thuộc thể loại trinh thám - giải đố Detective Pikachu ra đời, mang đến làn gió mới cho một trong những nhân vật được yêu thích nhất “vũ trụ” này.

Nổi tiếng rộng rãi và hiện diện khắp nơi trong nền văn hóa, việc Pokémon được Hollywood làm phim là điều sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Vấn đề nằm ở chỗ, các hãng sản xuất của Mỹ không giỏi làm phim chuyển thể từ trò chơi điện tử cho lắm, dù đã bao nhiêu lần họ cố gắng tìm cách xoay sở. Các nỗ lực của họ trong việc biến đổi anime thành một câu chuyện Mỹ điển hình thậm chí còn tệ hơn. Đã thế, lần này họ còn phải kết hợp cả hai thứ trên. Và đây lại là một bộ phim người đóng mà nhân vật chính là một sinh vật nhỏ bé có hai màu vàng - đen và biết chích điện. Phải làm thế nào đây?

Đầu tiên, hãy nói đến “lời nguyền phim chuyển thể từ trò chơi điện tử”, vốn là một chủ đề điện ảnh được bàn luận rất nhiều. Bất chấp mọi cố gắng của các nhà làm phim, kể cả những người vô cùng tài năng được tuyển chọn vào dự án, phản ứng của khán giả về bộ phim rất hiếm khi vượt qua mức “ổn”. Từ Super Mario Bros. (bộ phim bị ghét đến mức Nintendo phải ngừng cho phép làm phim về tựa game này trong hơn hai thập kỷ), đến Doom, rồi Assassin’s Creed, Hollywood cứ tiếp tục đốt tiền vào những dự án đầy mạo hiểm này trong khi khán giả dường như không hề có hứng thú với những gì họ cung cấp.

Super Mario Bros.

Tình trạng tương tự diễn ra với những phim chuyển thể từ anime. Hollywood chưa bao giờ có thể thực hiện các dự án anime bằng sự quan tâm và tôn trọng xứng đáng, kết quả là tạo ra những sản phẩm dưới cả mức trung bình như Dragonball, Ghost in the Shell Death Note - Tất cả đều gây ra tranh cãi về dàn nhân vật do các diễn viên da trắng thủ vai. Chỉ cần liếc qua doanh thu “lỗ sấp mặt” của những bộ phim bom tấn trong khoảng mười năm trở lại đây, bất cứ nhà sản xuất tiềm năng nào cũng thấy rằng một bộ phim chuyển thể từ trò chơi Detective Pikachu có thể không phải là một vụ đầu tư khôn ngoan.

Nhưng có thể lần này sẽ khác?

Dường như Warner Bros. đã tìm ra một hướng đi nào đó cho phiên bản điện ảnh có tên Pokémon: Detective Pikachu. Sau khi tung ra hai trailer và thực hiện quảng bá với hai tên tuổi đạo diễn (Rob Letterman, từng thực hiện phim Goosebumps) và diễn viên chính (Ryan Reynolds, nổi tiếng với vai Deadpool), bộ phim đã đánh tan hầu như các hoài nghi xung quanh dự án và nhận được đa số là các phản hồi tích cực.

Công chúng hiện đang rất hào hứng với bộ phim, và cảm xúc này không phải dựa trên sự hoài niệm (bằng chứng là vừa rồi Nhím Sonic hé lộ những hình ảnh live-action đầu tiên và bị người hâm mộ “ném đá” tơi tả). Tuy vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng Pokémon: Detective Pikachu chắc chắn sẽ thành công, nhưng với tinh thần hiện tại của khán giả, có thể nói bộ phim và Warner Bros đã thắng được một nửa trận chiến.

Từ game đến phim, con đường không trải hoa hồng

Trò chơi điện tử là một trong những loại hình nghệ thuật mới nhất của chúng ta, nhưng nó tiên tiến và gây ra những ảnh hưởng đáng kinh ngạc nhất, đặc biệt nếu xét đến việc nó còn non trẻ như thế nào so với những loại hình như điện ảnh và văn học.

Có lẽ chúng ta đã thôi những cuộc tranh luận về việc trò chơi điện tử có phải là nghệ thuật hay không, và đồng ý với nhau rằng phải hiểu nó như một loại hình giàu tính sáng tạo, mang đến cả những giá trị thương mại lẫn bình luận nghiêm túc. Vì vậy, chẳng có gì khó hiểu khi các hãng sản xuất phim lớn cứ tiếp tục làm phim dựa trên các tựa game: Còn gì tuyệt hơn khi đầu tư vào một thương hiệu đã có tiếng tăm và một lượng người hâm mộ nhất định? Vả lại, trò chơi điện tử ngày nay đã vay mượn rất nhiều các kỹ thuật kể chuyện điện ảnh, thì ngại gì mà không thử chứ?

Vấn đề ở chỗ, bản chất của trò chơi điện tử là cho phép đối tượng của nó tham gia vào quá trình nó diễn ra, và các nhà làm phim có lẽ đã rất “vật vã” khi phải chuyển đổi đặc tính này sang một dạng “chứng kiến” theo kiểu điện ảnh. Làm sao để biến “người chơi” thành “người xem”, đồng thời thay đổi tự sự để phù hợp với điều đó?

Các phim chuyển thể thường gặp khó khăn khi xử lý nhịp độ câu chuyện trong game và biến đổi những thế giới đã được phát triển sâu sắc trong đó thành một không gian điện ảnh thống nhất. Cô đọng hơn 60 giờ chơi game có lẽ còn thử thách hơn việc xử lý trên 400 quyển sách thành một kịch bản, bởi ít ra, một kịch bản điển hình đem so với sách còn có nhiều thứ tương tự về cấu trúc hơn là so với game.

Đôi khi các nhà làm phim có thể quá chú tâm vào những chi tiết trong game mà quên mất rằng họ đang làm phim. Ví dụ, nhìn vào Warcraft, đây là một tựa game được đánh giá cao, song hệ thống bản đồ phức tạp của nó không chắc sẽ mang lại một trải nghiệm điện ảnh tốt, đặc biệt nếu bạn là một người xem bình thường chưa hề chơi qua game.

Từ anime đến phim, cũng chông gai chẳng kém

Nếu như phim chuyển thể từ game thường vấp phải những rắc rối về kỹ thuật hay cấu trúc thì phim chuyển thể từ anime nghiêng về vấn đề xung đột văn hóa nhiều hơn. Dù các nhà sản xuất và đạo diễn không ngừng biện minh này nọ cho việc nhất thiết phải sử dụng diễn viên da trắng, những sản phẩm họ làm ra vẫn mắc một lỗi lớn: Không hiểu được điểm mấu chốt làm nên sự thú vị và đặc biệt của bản gốc.

Như bản điện ảnh của Death Note (do Netflix làm) chẳng hạn, tước đi tất cả những thứ gì liên quan đến Nhật Bản trong câu chuyện, nhưng cũng không “bồi bổ” thêm gì để khiến nó đặc biệt thú vị hay trở thành một câu chuyện quan trọng mang văn hóa Mỹ. Ghost in the Shell thì đã trở thành “bài học cảnh cáo” cho toàn ngành khi nó cố gắng né tránh các chỉ trích về việc sử dụng diễn viên da trắng bằng cách thêm vào một tuyến truyện phụ, thậm chí còn lộ rõ hơn việc nó không hiểu nguyên tác và chuyển thể tệ hại đến mức nào.

Thật lãng phí khi có bao nhiêu câu chuyện đậm đà văn hóa Nhật Bản mà lại tước đi yếu tố văn hóa chỉ để biến nó thành một câu chuyện kiểu Hollywood. Kể cả những nỗ lực chuyển thể thành công hơn, như Alita: Battle Angel mới đây, cũng phải dựa vào thẩm mỹ và cấu trúc truyện đã được “Mỹ hóa” để có thể bước lên màn bạc.

Pokémon: Detective Pikachu có đang đi đúng đường?

Các nhà làm phim đã rất sáng suốt khi chọn tựa game mới ra năm 2016 Detective Pikachu để chuyển thể, chứ không phải các game khác cùng thương hiệu hay một trong (rất) nhiều mùa anime của nó. Detective Pikachu là một game buộc người chơi phải đi theo một cốt truyện sẵn có, vì vậy, các nhà làm phim không cần phải lo lắng về việc xử lý những yếu tố dựa trên quyết định của người chơi. Ngoài ra, cốt truyện này còn mang cảm giác rất Mỹ khi đi theo một thể loại nổi tiếng trong lịch sử điện ảnh Hollywood: phim noir. Vì vậy, bản thân nó đã đáp ứng những mong đợi của một bộ phim chuẩn Hollywood hơn là những tác phẩm chuyển thể trước đó.

Năm 1988 từng có một bộ phim tương tự - Who Framed Roger Rabbit? của Robert Zemeckis - bắt chước những khuôn mẫu thuộc dòng phim noir những năm 1940 (đơn cử như Double Indemnity) và đưa nó vào thế giới hỗn hợp giữa con người với các nhân vật hoạt hình quen thuộc (thỏ Roger Rabbit, voi Dumbo, vịt Donald…). Đã ba mươi năm trôi qua kể từ ngày ra đời, bộ phim điều tra - phá án về một vụ giết người có dính líu đến các nhân vật hoạt hình vẫn giữ nguyên sự hấp dẫn. Giờ đây, hãy thử tưởng tượng một điều tương tự, nhưng thay vào đó là Pikachu và những người bạn trong Pokémon.

Theo như trailer thì Detective Pikachu dường như có độ nghiêm túc vừa đủ. Nó không đơn giản hóa đến mức hời hợt, mà cũng không cố tỏ vẻ nguy hiểm hay đen tối hơn so với nguyên tác. Đó là câu chuyện về những sinh vật đáng yêu mà một trong số chúng đi làm nghề thám tử. Nó không cố gắng che đậy sự thật ấy hay tự cười cợt về sự lố bịch của chính mình. Quan trọng hơn, tạo hình Pokémon trong trailer trông rất giống Pokémon trong game. Chúng không bị “thiết kế lại” một cách kì cục như Nhím Sonic.

Liệu Detective Pikachu có thể phá bỏ lời nguyền phim chuyển thể?

Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân. Một bộ phim không thể phá bỏ cả lời nguyền, nhất là khi Hollywood nhìn chung thường dẫm lại vết xe đổ của chính mình. Song, nếu Detective Pikachu thật sự thành công, ít nhất nó có thể là một ngọn đèn báo hiệu cho các nhà làm phim và hãng sản xuất khác biết rằng: Những bộ phim tương tự có thể thành công nếu được đầu tư nghiêm túc và có sự thấu hiểu nguyên tác.

Họ cũng nên hiểu rằng game không thể xếp cùng loại và chuyển thể theo cùng một cách với những loại hình cổ điển hơn như kịch và sách. Chuyển thể từ anime thì không đơn giản chỉ là cơ hội cho một ngành công nghiệp chủ yếu là người da trắng lấy đi sản phẩm từ một nền văn hóa khác trong khi chẳng hiểu nó đang nói gì.

Một điều nữa, Hollywood thường thất bại khi lo đến cả một “vũ trụ điện ảnh” trước khi bắt tay làm được một bộ phim hay. Điều khiến các trailer của Detective Pikachu nổi bật đến thế là vì nó xây dựng một thế giới mới nhưng vẫn tập trung vào một câu chuyện cụ thể, dường như chưa quá quan tâm đến một kế-hoạch-5-năm nào đó (dù chắc hẳn họ đang hi vọng làm thế nếu phim thành công).

Và có lẽ bài học lớn nhất rút ra từ lời nguyền này là: Một số game và một số anime chỉ đơn giản là phù hợp với quy trình chuyển thể của Hollywood hơn các game và anime khác.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Screenrant

Được quan tâm

Tin mới nhất