Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Lan Ngọc - Diễm My: Hai thái cực trái ngược hoàn toàn trong 'Cô Ba Sài Gòn'!

Vai diễn của Ninh Dương Lan Ngọc và Diễm My 9X là hai thái cực trái ngược hoàn toàn trong "Cô Ba Sài Gòn": từ tạo hình, phong cách cho đến tính cách. Tuy nhiên, sự thay đổi đầy bất ngờ ở cuối phim khiến Như Ý - Helen xích lại gần nhau và chạm đến trái tim khán giả.

Tôn lên vẻ đẹp của một Sài Gòn xưa kiều diễm, cùng giá trị tà áo dài - trang phục truyền thống dân tộc, Cô Ba Sài Gòn - dự án do Lộc Trần và Kay Nguyễn đạo diễn, hợp tác với giám đốc sản xuất Ngô Thanh Vân đang thu hút sự quan tâm từ đông đảo khán giả Việt Nam. Phim quy tụ những người đẹp như Diễm My 9X, Hải Triều, Oanh Kiều, NSND Hồng Vân, Diễm My 6X, Trác Thùy Miêu, Kim Thư, Ngô Thanh Vân, Ninh Dương Lan Ngọc,…

Ở những teaser được nhà làm phim tung ra trước khi công chiếu, người xem thấy một không gian Sài Gòn cổ xưa, cũ kỹ. Do đó, khán giả cho rằng toàn bộ phim lấy bối cảnh thập niên 60 phồn hoa, tuy nhiên, ra đến rạp, người hâm mộ không khỏi ngạc nhiên, vì hầu hết chi tiết, phân cảnh trong teaser cũng như bối cảnh Sài Gòn cũ chỉ nằm ở gần một phần ba phim. Lời Như Ý hốt hoảng: “Sài Gòn của tôi đâu rồi” thực hiện cú chuyển bối cảnh, đưa nhân vật đến mảnh đất Sài Thành năng động, náo nhiệt năm 2017. Sau cú chuyển đầy bất ngờ ấy, phim đặt hai thái cực đối lập: cổ điển - đương thời trên cùng một phông nền. Đại diện cho hai thái cực ấy là nữ chính Như Ý (Ninh Dương Lan Ngọc thủ vai) và Helen (Diễm My 9X).

Như Ý - “Đệ Nhứt Thanh Lịch” thập niên 60 và Helen - Nhà thiết kế thời trang hàng đầu năm 2017

Đều là những nữ diễn viên có ngoại hình nổi bật, Diễm My 9X và Ninh Dương Lan Ngọc được “chọn mặt gửi vàng” cho hai vai diễn đầy ấn tượng trong Cô Ba Sài Gòn. Tại đây, Lan Ngọc hóa thân thành Như Ý, con gái Thanh Mai - chủ nhà may áo dài nổi tiếng chín đời Thanh Nữ, đồng thời là Đệ Nhất Thanh Lịch Sài Gòn thập niên 60. Được chọn là truyền nhân nhà may Thanh Nữ, nhưng Như Ý tỏ ra ghét bỏ áo dài và thích các bộ đồ thời thượng phương Tây. Trong khi đó, Helen là cô gái hiện đại của thế kỉ XXI, nhân vật quyền lực trong giới thời trang, nhà thiết kế hàng đầu luôn dẫn dầu xu hướng, cũng là con gái bà Thanh Loan - con gái nuôi bà Thanh Mai.

Cô Ba Sài Gòn tạo ra nét tương đồng thú vị giữa Như Ý và Helen: sự cao ngạo, kiêu kỳ. Nhưng, nếu Như Ý mang nét thanh lịch, diễm lệ đậm chất những mỹ nhân Sài Gòn thập niên 60, thì Helen toát lên sự quyến rũ, đầy bản lĩnh của nhà thiết kế thời trang hàng đầu thời hiện đại. Do đó, cuộc gặp gỡ giữa “cô Ba” và Helen là cú đụng độ của tiêu chuẩn vẻ đẹp xưa và nay, của cái làm kiêu duyên dáng và sự “sang chảnh” hiện đại. Đặt hai nhân vật ở cạnh nhau, phim làm bật lên những tiếng cười dí dỏm, khi mảnh đất Sài Thành ồn áo, náo nhiệt khiến Đệ Nhất Thanh Lịch thập niên 60 trở nên “chìm nghỉm” và lỗi thời.

Vẻ đẹp của Như Ý…

…và Helen.

Không chỉ tạo sự đối nghịch về tạo hình nhân vật, phong cách thời trang, Cô Ba Sài Gòn khắc họa rõ nét tương phản giữa Như Ý - Helen từ cách đối thoại đến ngôn từ sử dụng. Trong khi những từ ngữ địa phương, đậm chất Sài Gòn xưa như “Khỉ khô”, “Olala” là “câu nói cửa miệng” của Đệ Nhất Thanh Lịch thập niên 60, thì Helen thường xuyên dùng ngôn ngữ chuyên ngành về thời trang khiến Như Ý ngơ ngác: concept, celeb,…

Như Ý thanh lịch

Helen sang trọng

Khoảng cách thời đại giữa hai nhân vật được khắc họa rõ nét hơn cả ở đoạn đối thoại về kiến thức thời trang của Như Ý - Helen. Nằm lòng lịch sử cũng như thông tin thời trang trong nước, quốc tế thập niên 60, nhưng Đệ Nhất Thanh Lịch Sài Gòn vẫn trở nên lỗi thời, lạc hậu khi bỏ lỡ 50 năm ngành phát triển. Đáp lại thái độ đầy tự tin từ cô gái như “từ trên trời rơi xuống”, Helen khiến khán giả “mắt tròn mắt dẹt” với những kiến thức thời trang bắt kịp xu hướng thế giới. Không rườm rà, cầu kỳ, cô nhấn mạnh về sự thay đổi, tối giản hóa của trang phục khi người phụ nữ hiện đại ngày càng độc lập, mạnh mẽ.

Như Ý đầy cảm tính và Helen lý trí!

Trong Cô Ba Sài Gòn, Như Ý toát lên hình ảnh của cô gái trẻ đầy nhiệt huyết, sống theo đam mê, cảm xúc của bản thân. Đây cũng là lý do Đệ Nhất Thanh Lịch Sài Gòn từ chối trở thành truyền nhân nhà may nổi tiếng chín đời Thanh Nữ, vì mong muốn được tạo thương hiệu chuyên Âu phục như mong muốn.

Cùng với bà An Khánh (NSND Hồng Vân), Thanh Loan, Tuấn (S.T) hay bà Thanh Mai (Ngô Thanh Vân thủ vai), Như Ý khiến Cô Ba Sài Gòn trở thành bộ phim thấm đẫm tình người, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Để chinh phục hành trình học cách yêu áo dài, khiến cái tên Thanh Nữ và trang phục truyền thống dân tộc rực rỡ trở lại, Như Ý phải xuất phát từ sự hối hận sâu sắc, niềm đam mê thời trang, cũng như tình yêu dành cho mẹ, tình nghĩa đối với bà An Khánh, Thanh Loan, Tuấn.

Ngược lại, Helen là cô gái hiện đại đầy lý trí. Đây là điều dễ hiểu khi giữa sự phát triển không ngừng của ngành thời trang, cô vẫn đứng vững ở vị trí đứng đầu quyền lực. Có thể nói, vai diễn của Diễm My 9X là nhân vật thực tế nhất, kéo lại sự cân bằng cho Cô Ba Sài Gòn - bộ phim thấm đẫm tình người đến mức… không chân thực. Ngay từ các phân cảnh đầu tiên, Helen xuất hiện đầy cao ngạo, sang trọng, với những bước chân hối hả, và tốc độ làm việc nhanh chóng, chuyên nghiệp khi hướng dẫn nhân viên hay bình phẩm về một sản phẩm thời trang. Bên cạnh đó, tư duy sòng phẳng trong kinh doanh, cạnh tranh khiến Helen càng bộc lộ sự trái ngược với “cô Ba” Như Ý.

Bước ngoặt đầy bất ngờ của Như Ý - Helen ở kết phim!

Nếu xuyên suốt Cô Ba Sài Gòn, Như Ý hiện lên là cô gái cháy hết mình vì đam mê, có phần ngang ngạnh, ương bướng, thì sau đó, cô dần biết nghe lời, chịu cúi mình. Con gái bà Thanh Mai học cách yêu áo dài, may áo dài, cách trân trọng vẻ đẹp gốc rễ và những người xung quanh. Ngược lại, phá vỡ nguyên tắc kinh doanh thực dụng của bản thân, Helen một lần đặt mình vào vị trí người khác và sẵn sàng cho đi. Chi tiết này khiến người xem không khỏi cảm động vì tình người trong Cô Ba Sài Gòn.

Cả Helen và Như Ý đều có sự thay đổi đầy bất ngờ ở cuối phim.

Sự thay đổi về hành động, suy nghĩ được xem là điểm sáng trong vai diễn của hai người đẹp Ninh Dương Lan Ngọc và Diễm My 9X. Khán giả thích thú nhìn một Như Ý chẳng còn nổi loạn, tùy hứng ở cuối phim, thay vào đó, cô trưởng thành, sâu sắc hơn, biết trân trọng dành lời cảm ơn cho những người xung quanh. Trong khi đó, chi tiết Helen tròn mắt đầy ngỡ ngàng khi được dành lời cảm ơn khiến Cô Ba Sài Gòn đậm chất tình. Ngoài ra, nét biến đổi tâm lý này khẳng định diễn xuất ngày càng tinh tế của Lan Ngọc, Diễm My.

Trailer phim Cô Ba Sài Gòn.

Có thể nói, sự biến đổi về suy nghĩ, hành động của Như Ý, Helen bất ngờ nhưng không hề đột ngột. Đây là cả một quá trình nhận thức và nhìn lại mà Cô Ba Sài Gòn đã để nhân vật phát triển tâm lý, tình cảm một cách chân thực, tự nhiên nhất. Thông qua đó, phim không chỉ đề cao giá trị tà áo dài truyền thống Việt Nam, mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Thảo

Được quan tâm

Tin mới nhất