Từ trước đến giờ, nhắc đến diễn viên, khán giả thường nghĩ ngay đến vẻ lộng lẫy, xa hoa trên màn ảnh, tiếng tung hô của người hâm mộ hay những hình ảnh lung linh trên tạp chí. Nhưng ít ai biết, để đánh đổi được những hào quang đó, người nghệ sĩ đã phải hi sinh bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí đến cả máu của mình trên phim trường. Vậy nhưng, không phải người nghệ sĩ nào cũng nhận được những thành quả, đáp đền xứng đáng. Thậm chí, vất vả hàng tháng trời trên trường quay, dồn hết tâm huyết vào một vai diễn, nhưng đến gần ngày khởi chiếu, diễn viên vẫn nơm nớp những nỗi lo sợ riêng. Càng ngày diễn viên Việt càng bị lép vế giữa vòng xoay của tác phẩm.
Đầu tiên, khi đã bước chân vào guồng quay của một dự án, tác phẩm mới, tất cả các thành viên đoàn sẽ phải tuân theo lịch làm việc nghiêm ngặt, khẩn trương, vì chỉ cần một cá nhân bê trễ, công việc của hàng chục con người khác cũng sẽ bị đổ bể theo. Nhiều người quen với hình ảnh diễn viên được một ê-kíp riêng phục vụ sẽ nghĩ rằng họ sung sướng, thảnh thơi, nhưng sự thật là để có một đoạn phim vài phút trên màn ảnh, có khi họ phải vật lộn cả ngày trời. Với những vai hành động, nguy hiểm trực chờ mọi lúc mọi nơi, chỉ cần diễn viên sơ sẩy một chút là sẽ phải đánh đổi với cái giá rất đắt. Còn với những diễn viên đóng phim tâm lý hoặc tình cảm, sức ép về thể chất không quá nặng, nhưng những dồn ép về mặt nội tâm có thể khiến họ ám ảnh, stress suốt thời gian dài sau khi phim đóng máy.
Sau thời gian dài gắn liền với tuyến vai ngọc nữ, Ninh Dương Lan Ngọc tự làm mới bản thân khi đảm nhiệm vai nữ chính trong bộ phim hành động Găng tay đỏ. Dù gặp không ít khó khăn, nguy hiểm nhưng với mong muốn nhân vật có màn xuất hiện chân thực nhất, nữ diễn viên xinh đẹp vẫn kiên quyết tự mình quay nhiều phân đoạn mạo hiểm, vì dụ như cảnh quay lái mô tô rượt đuổi trên đường. Tuy nhiên cô đã gặp tai nạn trong phân đoạn này, khi một chiếc xe tải bất ngờ xuất hiện khiến Lan Ngọc hốt hoảng loạng choạng tay lái khiến chiếc xe phân khối lớn tông trực diện vào xe tải. Lan Ngọc bị thương nặng ở chân phải, ngỡ như sẽ tàn phế nhưng may mắn là chị phải băng bó hơn một tuần.
Hay như Minh Hằng khi đóng phim điện ảnh Bao giờ có yêu nhau, cô cũng từng bị hoảng loạn một thời gian dài do phải diễn đi diễn lại cảnh cưỡng hiếp đến hơn 30 lần. Quay từ chiều đến khuya mới xong, khóc đến khản giọng, mệt lả đi nhưng cô vẫn phải để cảm xúc như thật giúp các bạn diễn khác có thể nhập vai. Những câu chuyện hậu trường này nếu không được chia sẻ, chắc chẳng ai ngờ chuyện đi đóng phim lại khó cực đến vậy.
Vất vả là như vậy, nhưng không phải cứ khi phim đóng máy là có thể an tâm về nhân vật của mình. Vào tháng 7 vừa qua, Tinna Tình khiến dư luận hoang mang khi cô cho biết vai diễn của mình trong Mặt nạ máu bị cắt đến 70%, từ vai chính bị đẩy xuống hàng vai phụ, khiến cho chính cô cũng không nhận ra nhân vật của mình trên màn ảnh, dù người đẹp Việt kiều là đồng biên kịch của phim. Thêm vào đó, những xích mích, lời qua tiếng lại giữa hai người đẹp trong phim là Tinna Tình và Dương Cẩm Lynh càng khiến người xem như lạc vào mớ bòng bong những điều tiếng mà người diễn viên phải chịu.
Trường hợp của Ngọc Trinh với Vòng eo 56 cũng là một câu chuyện khác khiến người xem phải trăn trở. Dù không phải là diễn viên, nhà sản xuất chuyên nghiệp, nhưng việc một người mẫu quyết dấn thân sang màn ảnh bằng tác phẩm nghiêm túc, được đầu tư kỹ lưỡng, dù vẫn có những “hạt sạn” dễ thấy, nhưng dù sao nỗ lực này cũng cần được sự nhìn nhận xứng đáng của khán giả. Nhưng những gì Ngọc Trinh nhận về có lẽ sẽ khiến nhiều nhà làm phim trẻ ngại ngần khi với quyết định tham gia cuộc chơi với môn nghệ thuật thứ 7. Quá nhiều những lời chê bai, xúc xiểm được hướng vào Ngọc Trinh, quá nhiều những từ ngữ hiểm độc được đưa ra như luận cứ chống lại sự may mắn của cuộc đời cô người mẫu.
Hay mới đây nhất, việc nhà sản xuất Tik tak anh yêu em “tố” cặp đôi chính của phim là Lương Thế Thành và Tú Vi không hợp tác trong chuyện quảng bá phim càng cho thấy nghề diễn viên không dễ dàng như vẫn thấy. Hay như khi phim đã ra rạp rồi, nhưng chuyện bị rời lịch chiếu (như Nắng, Nữ đại gia), bị nhà phân phối làm khó (như Tấm Cám: Chuyện chưa kể) hay bị buộc phải rời rạp dù mới ra mắt được ít ngày (như Găng tay đỏ) càng cho thấy sự khốc liệt trong môi trường nghệ thuật. Để có được một vai diễn hay, đến gần với khán giả, không phải chỉ nằm ở chuyện năng lực của người diễn viên, mà còn nằm ở nhiều yếu tố khác. Nhưng khi bộ phim dở, có scandal hay bị ném đà ồ ạt, diễn viên bao giờ cũng là những gương mặt được nhắc đến nhiều nhất. Thậm chí nếu “lỡ” có yêu đương, chuyện buồn, biến cố cuộc sống trong thời gian phim đang chiếu, chắc hẳn sẽ bị gắn mác “PR trá hình”.
Vậy nên mới nói, diễn viên là một nghề chẳng hề lung linh như khán giả vẫn thấy. Đằng sau một nụ cười của người nghệ sĩ là cả trăm mối đớn đau, tủi nhục, mồ hôi, nước mắt. Nên để trở thành một người diễn viên thành công, yếu tố quan trọng nhất chưa phải là nhan sắc, ngoại hình, mà là ở tài năng, ý chí và sự nỗ lực không ngừng. Đó mới là công thức tạo nên một người nghệ sĩ thực thụ, có chỗ đứng vững chắc trong lòng người hâm mộ.