Sau cơn sốt của phim điện ảnh Bố già vào nửa đầu năm 2021, dự án Kiều có lẽ được xem là một trong những tác phẩm được khán giả Việt mong đợi trong thời gian gần đây. Kiều được đạo diễn sản xuất Mai Thu Huyền ấp ủ từ năm 2009 và lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học nổi tiếng Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Ban đầu, Kiều được dự định sản xuất dưới dạng phim truyền hình dài tập, nhưng sau đó nhà sản xuất quyết định chuyển thể tác phẩm lên màn ảnh rộng. Nội dung phim xoay quanh mối tình tay ba giữa Kiều (Mỹ Duyên), Thúc Sinh (Lê Anh Huy) và Hoạn Thư (Cao Thái Hà).
Lưu ý: Quý độc giả cân nhắc trước khi đọc vì bài viết tiết lộ nội dung phim
Phim mở đầu với phân cảnh gia đình họ Vương bị vu oan và Thúy Kiều buộc phải bán thân vào thanh lâu với giá 400 lượng vàng để cứu cha. Hoang mang, tủi nhục khi phận đời đẩy đưa giữa chốn "trêu hoa ghẹo nguyệt", Kiều đành bất lực dù đã tìm mọi cách để "giải thoát" bản thân. Cuối cùng, nàng Kiều như thể tìm được tia hy vọng le lói khi lọt vào mắt xanh của Thúc Sinh. Sau tất cả, cả hai quyết định "cao chạy xa bay" đến nơi cùng cốc để sinh sống.
Thế nhưng, cuộc đời nào được như ý nguyện. Kiều có ngờ chàng trai mình gửi trọn niềm tin lại là "hoa đã có chủ". Cuộc sống an yên của cả hai bị phá vỡ khi Hoạn Thư hay tin Thúc Sinh có nhân tình, cô vội điều tra và lên kế hoạch trả thù bằng những cách cay đắng nhất đối với người có số phận "bèo bọt" như Kiều.
Mượn danh ân nhân cứu giúp sau mưu đồ nham hiểm, Hoạn Thư lên kế hoạch đưa Kiều về nhà làm nô tì và cho cô chứng kiến cảnh mình ân ái với Thúc Sinh. Thậm chí, "mợ cả" còn muốn "xử đẹp" Kiều nhưng nào ngờ Thúc Sinh đã nhanh tay cứu nàng khỏi bọn thảo khấu.
Xét về diễn xuất, dù mới ra mắt ngành công nghiệp điện ảnh, song Mỹ Duyên và Lê Anh Huy trong vai Thúy Kiều và Thúc Sinh tỏ ra chưa thực sự xuất sắc. Mỹ Duyên đã cố gắng khắc họa nhân vật được Nguyễn Du miêu tả với những ngôn từ hoa mỹ như "Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh". Tuy nhiên, nhân vật của cô toát ra vẻ đẹp khá hiền lành, không đủ độ sắc sảo, thông minh như trong miêu tả của Nguyễn Du.
Vai Thúc Sinh được xây dựng quá lý tưởng so với nguyên tác, từ ngoại hình, tính cách cho đến việc "đối nhân xử thế" và tình cảm sâu đậm dành cho Kiều. Tuy nhiên, diễn xuất của Lê Anh Huy vẫn chưa bộc lộ hết ở những cảnh đặt nặng về tâm lý, chưa lột tả hết nỗi đau của nhân vật.
Xét cho cùng, tuyến nhân vật phản diện mới là điểm sáng và thể hiện tròn vai nhất trong Kiều bản điện ảnh. Cao Thái Hà trong vai Hoạn Thư cho khán giả nhận thấy cách chuyển biến tâm lý hoàn hảo, đại diện cho phản ứng của những cô vợ nhận biết người "đầu ấp tay gối" với mình đã ngoại tình.
Chứng kiến cảnh Thúc Sinh chìm đắm trong mối tình thơ mộng với nàng Kiều, Hoạn Thư khắc họa rõ nỗi đau chua xót qua từng ánh mắt, cử chỉ và tiểu tiết nhỏ trên gương mặt xinh đẹp không thua kém gì Kiều. Ngay cả khi bắt đầu trả thù "tiểu tam", Cao Thái Hà cũng đánh nặng về tâm lý chứ không cần động chạm nhiều tới xác thịt.
Tuy nhiên, việc "vẽ vời" Hoạn Thư như Kiều bản điện ảnh hoàn toàn không giống với nguyên tác của Nguyễn Du.
Tất cả những gì nhà sản xuất cho khán giả thấy qua bộ phim này như thể nàng Kiều là kẻ thứ ba, phá hoại gia đình của người khác. Thúc Sinh được lý tưởng hóa thành mẫu đàn ông vừa giữ được gia đình, vừa bảo vệ được người mình yêu. Thậm chí, tình yêu của Thúc Sinh dành cho Kiều còn thanh cao và thuần khiết khó tin, đến mức nàng và chàng quyết định "đưa nhau đi trốn".
Trong khi, Hoạn Thư đáng ra sẽ là nhân vật bị "ghét cay ghét đắng", nào ngờ diễn biến nội dung từ đầu đến cuối, hình tượng của cô luôn ở trong tâm thế đáng thương trong lòng khán giả, đại diện cho kiểu phụ nữ thời hiện đại khi rơi vào hoàn cảnh chồng có nhân tình. Do đó, tất cả những gì Kiều chịu đựng đều được xem như là cái giá phải trả cho việc dám tiến tới với người đã có gia đình.
Khách quan mà nói, Kiều có nhiều cảnh quay đẹp, tôn lên giá trị văn hóa nghệ thuật nên thơ xứ Huế. Có thể nói, nhà sản xuất đã đầu tư nghiêm túc và cố gắng làm cho từng phân cảnh chỉn chu, hoàn hảo hết mức có thể. Ngoài ra, nhạc phim do Bùi Lan Hương thể hiện khá ổn, giọng hát ma mị da diết ở cuối phim khiến người xem dạt dào cảm xúc.
Do đó, nếu chúng ta phủ nhận toàn bộ công sức của Kiều bản điện ảnh thì sẽ không công bằng với nhà sản xuất. Trên thực tế, nhà làm phim chỉ muốn mang một kiệt tác văn học Việt Nam được đông đảo khán giả biến tới lên màn ảnh rộng, đồng thời tưởng nhớ 200 năm ngày mất của Nguyễn Du. Biết sẽ nhận phải nhiều ý kiến trái chiều, không thể chiều lòng khán giả nhưng họ đã nỗ lực thực hiện. Dám nghĩ dám làm, dám sáng tạo nghệ thuật là một điều đáng khen!
Theo dõi SAOstar để cập nhật thêm thông tin mới nhé!