Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Không cần sáng tạo quá nhiều, liệu có phải là hướng đi đúng đắn của Disney?

Luke (Tổng hợp) Theo dõi Saostar trên google news

Beauty and the Beast - bộ phim mới của Disney sắp ra mắt thời gian tới vẫn không thể thoát khỏi số phận “đu bám” danh tiếng của phiên bản hoạt hình kinh điển năm 1991.

“Remake” (phiên bản làm lại) là một từ không mấy phù hợp khi nói về bộ phim chuyển thể mới nhất của Disney - Beauty and the Beast. Dù được đạo diễn bởi Bill Condon (người từng rất thành công với phim ca nhạc Dreamgirls) và có Emma Watson thủ vai chính Belle, bộ phim vẫn không thể thoát khỏi số phận “đu bám” danh tiếng của phiên bản hoạt hình kinh điển năm 1991.

Emma Watson bị cho là không giống với những tưởng tượng về nhân vật người đóng của Belle.

Không nằm ngoài dự đoán, Beauty and the Beast phiên bản sắp ra mắt năm 2017 gần như sao chép lại toàn bộ những gì đặc sắc nhất của phiên bản hoạt hình, từ các bài hát, vẻ ngoài nhân vật, khung cảnh, thậm chí cả lời thoại. Dường như nhà sản xuất không hề có ý định làm một bộ phim mới lạ cho khán giả, mà chỉ chăm chăm tìm cách để người xem dù đang theo dõi phiên bản người đóng hiện đại, nhưng vẫn luôn liên tưởng về bản gốc hoạt hình ra mắt gần 3 thập kỷ trước.

Và họ hoàn toàn có cơ sở để làm vậy. Biết bao khán giả đã “phải lòng” bộ phim hoạt hình kinh điển, vậy thì chẳng có lý do gì họ lại không yêu một phiên bản xào nấu lại gần như y chang. Thậm chí Vua sư tử chẳng cần đổi mới gì, chỉ riêng việc chuyển sang định dạng 3D và phát hành lại cũng đủ cho hãng giắt túi gần 200 triệu đô tiền vé trên toàn thế giới cơ mà!

Một cảnh trong Alice Through the Looking Glass.

Beauty and the Beast phiên bản 2017 chỉ là một trong số rất nhiều dự án làm lại phim hoạt hình đã và đang được hãng Disney triển khai. Khởi đầu với Alice In Wonderland (2010) vô cùng mãn nhãn, nhưng khá dở về diễn xuất, sang Maleficent (cải biên của Người đẹp ngủ trong rừng) năm 2014, và Lọ Lem năm 2015, tất cả đều nằm trong nỗ lực “bòn rút quá khứ” của công ty giải trí hàng đầu nước Mỹ. Các bộ phim này có điểm chung là đều thành công, nhưng ngày càng ít yếu tố sáng tạo và mới lạ. Gần đây nhất, The Jungle Book năm 2016 đưa người xem khám phá rừng xanh âm u bằng những kỹ xảo điện ảnh CGI tân tiến nhất, nhưng bên cạnh đó những giá trị vô giá của bản gốc hoạt hình năm 1967 cũng dường như mất hút giữa cây cối um tùm.

Angelina Jolie trong vai Maleficent.

Beauty and the Beast phiên bản 2017 dường như là đỉnh cao của trào lưu “bình mới rượu cũ” khi giữ nguyên kịch bản gốc, chỉ thêm vào một chút thay đổi đối với tiểu sử các nhân vật. Những thay đổi này chẳng tạo ra được thay đổi gì đáng kể so với phiên bản hoạt hình, và chẳng giúp tăng thêm giá trị nào ngoài độ dài phim.

Gần đây nhất, đạo diễn Condon tiết lộ một cải tiến “nhỏ nhoi” ở phiên bản mới: một tình cảm đồng giới thoáng qua ở nhân vật phụ LeFou (John Gad thủ vai) - kẻ phụ tá chuyên nịnh hót của vai phản diện Gaston. Thông tin này lập tức gây sốt trên các phương tiện truyền thông, và LeFou được vinh danh với tư cách nhân vật đồng tính công khai đầu tiên trong một bộ phim của hãng Disney. Trên thực tế, yếu tố LGBT trong Beauty and The Beast nhỏ nhoi đến mức bản thân đạo diễn Condon mới đây cũng cố tìm cách kiềm hãm dư luận, tuyên bố rằng họ đang “phản ứng quá mức” sau tiết lộ về LeFou.

Không cần sáng tạo quá nhiều, liệu có phải là hướng đi đúng đắn của Disney? Ảnh 4

John Gad đảm nhận vai LeFou.

Không chỉ có vậy, Condon cũng gây chú ý từ người hâm mộ khi tuyên bố Beauty and the Beast của ông là bộ phim Disney đầu tiên có cảnh hôn giữa một nhân vật da màu với nhân vật da trắng (trên thực tế, trong phim Snow Dogs do Disney phát hành năm 2002 đã có một nụ hôn như thế). Bộ phim còn được tung hô nhờ sở hữu dàn diễn viên đa sắc tộc nhất từ trước đến nay của Disney, dù sự thực là trong phần lớn thời lượng, những nhân vật này xuất hiện dưới dạng… đồ vật bị nguyền chứ chẳng phải người để có thể thấy được màu da. Và trên hết, rất nhiều người dường như đang xem Beauty and the Beast là bộ phim ủng hộ nữ quyền mạnh mẽ, nhờ sự tham gia của Emma Watson (một trong những ngôi sao vận động nữ quyền sôi nổi nhất hiện nay). Sự thật có đúng như vậy không? Thật khó để trả lời có, khi mà Emma Watson vẫn bị đóng khung trong hình tượng Belle hoạt hình của 26 năm về trước.

Có nhiều bộ phim hoạt hình làm ra chỉ với mục đích giải trí cho trẻ em, và cũng có nhiều phim hoạt hình dù hướng tới thiếu nhi, nhưng khiến khán giả trưởng thành phải nghiền ngẫm, gật gù sau bao năm. Beauty and the Beast là một bộ phim như vậy. Motif “ngược” (nhân vật nữ đi giải cứu nhân vật nam chịu lời nguyền), bài học sâu xa ẩn sau lời nguyền giáng lên hoàng tử (không phải do một mụ phù thủy độc ác, mà là một bà tiên nghiêm khắc tạo ra), và nhất là tính thẩm mỹ trong từng nét vẽ đã nâng tầm bộ phim ra khỏi khuôn mẫu hoạt hình đơn thuần.

Không phải ngẫu nhiên mà Beauty and the Beast trở thành phim Disney đầu tiên được đề cử Oscar cho phim hay nhất, chứ không chỉ thuộc về mỗi hạng mục hoạt hình. Đáng tiếc thay, 26 năm sau, vẫn hãng phim ấy lại đang chật vật trong việc gìn giữ những giá trị lớn lao ngày trước. Beauty and the Beast 2017 có thể được đóng bởi diễn viên thực, nhưng nó chưa chắc đã sống động như bộ phim kinh điển đã có công mở màn thời Phục Hưng thành công nhất trong lịch sử Disney.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Luke (Tổng hợp)

Được quan tâm

Tin mới nhất
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc