Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Phim ảnh

Khi Thor và Hulk trở thành ‘công thức’ quá hoàn hảo của Vũ trụ điện ảnh Marvel

Phim "Thor: Ragnarok" là phần thứ 3 trong loạt phim Thor của Hãng Marvel – tiếp nối Thor của Kenneth Branagh và Thor: The Dark World của Alan Taylor.

*Lưu ý: Bài viết có tiết lộ trước nội dung phim, các bạn cân nhắc trước khi đọc.

Đây cũng là bộ phim thứ 5 có sự hiện diện của Vị thần Sấm Sét (nếu không kể đến sự xuất hiện hơi ‘cameo’ trong Doctor Strange). Mặc dù 2 phần phim Thor trước đó đã gặt hái được nhiều thành công và nhận được những phản hồi tích cực từ người hâm mộ, tuy nhiên nó chỉ nằm gói gọn trong phạm vi của MCU, chứ chưa thể oanh tạc trên các bảng xếp hạng về doanh thu phòng vé.

Nếu như ở 2 phần trước, tình tiết phim được đạo diễn xây dựng khá ‘an toàn’ và hơi nhàm chán, thì ở phần này yếu tố ‘độc lập’ và ‘hài hước’ rất được MCU chú trọng đưa vào. Có thể nói, Thor: Ragnarok của Taika Waititi vừa như một làn gió mới trong MCU vừa giữ được những nét đặt trưng của dòng phim Marvel vốn có.

Thor (Chris Hemsworth), thần Sấm sét, đã cách xa quê hương Asgard nhiều năm, anh đang trên đường chu du Cửu giới để tìm ra Những viên đá vô cực. Tuy nhiên, Thor bắt đầu có những giấc mơ kỳ lạ về sự sụp đổ của Asgard, bị gây ra bởi ‘bàn tay’ của Surtur - tên khổng lồ lửa - trong một sự kiện gọi là Ragnarok. Vì thế anh quyết định trở về - nhưng phát hiện ra rằng Loki (Tom Hiddleston) đang chễm chệ trên ngai vàng trong hình hài của thần Odin (Anthony Hopkins).

Loki và Thor lên đường đến Midgard (Trung địa) và Trái Đất để tìm kiếm Odin. Sau khi 3 người gặp mặt, Thor đã kể cho Odin nghe về giấc mơ của mình và muốn biết lời tiên tri về sự sụp đổ của Asgard trong sự kiện Ragnarok có thể xảy ra hay không. Dù cho Thor tin rằng anh có thể ngăn cản sự hủy diệt này, thì Odin chỉ nói ‘sự sụp đổ của Asgard là không thể cứu vãn được’.

Lúc này, Nữ thần chết Hela (Cate Blanchett) xuất hiện và bà ta muốn độc chiếm Asgard cho riêng mình. Thor và Loki đã hợp sức chống lại, những cuối cùng thua trận và bị rơi đến Sakaar, một hành tinh hoang vắng của vũ trụ. Về phía Loki, anh ta có được ưu ái từ The Grandmaster (Jeff Goldblum) - người cai trị hành tinh Sakaar, trong khi đó thì Thor bị Valkyrie (Tessa Thompson) mang đi để tham gia Contest of Champions (Trận chiến của các Siêu anh hùng). Ngay sau đó, Thor nhận ra đối thủ của mình là Hulk - người bạn lâu năm trong biệt đội Avengers, Bruce Banner (Mark Ruffalo). Tuy nhiên Sakaar không phải là nơi dễ dàng bỏ trốn. Cùng với sự hợp sức của Loki, Valkyrie và Hulk, Thor có thể trốn khỏi The GrandmasterSakaar để quay về Asgard, cứu lấy quê hương mình khỏi tay Hela và lời tiên tri Ragnarok.

Thor: Ragnarok được chỉ đạo bởi Waititi, dưới phần kịch bản của Eric Pearson, dựa theo câu chuyện dược chấp bút bởi Pearson, Craig Kyle và Christopher Yost. Cả 3 tác giả này đều là ‘tướng tài’ dưới trướng của Marvel trong nhiều năm, như Pearson, người chuyên làm về lĩnh vực thể loại phim ngắn của Marvel (Marvel One-Shot) điển hình là Agent Carter, Yost thì xuất sắc ở thể loại truyện tranh Marvel điển hình là Thor: The Dark World (ông là một trong những người tạo ra câu chuyện, dưới nét vẽ của họa sĩ Scot Eaton), trong khi Kyle thì chuyên về lĩnh vực hoạt hình trình chiếu trên kênh Marvel TV.

Vì thế, không có gì khó hiểu khi Thor: Ragnarok có một kịch bản không bị trượt khỏi quỹ đạo của Marvel, mọi thứ đều khớp nối với các phim khác trong MCU, yếu tố ‘kịch’ và yếu tố ‘anh hùng’ trở nên cân bằng hơn (thường thì các dòng phim Marvel chỉ chú trọng vào việc thể hiện khả năng của các siêu anh hùng mà rất ‘kiệm’ việc đưa các phân cảnh đối thoại, tung hứng của các nhân vật), cùng với tình huống và lời thoại hài hước đã giúp khán giả trong đợi nhiều về những dòng phim Marvel sẽ mang màu sắc ‘vui tươi’ hơn sau này - nhưng có vẻ tựa đề Thor: Ragnarok thì có cái gì đó hơi ‘u ám’ một chút.

Nét hài được đạo diễn Waititi đưa vào phim thật sự rất tuyệt, ông đã tận dụng những nét dí dỏm của Thor ở những lần xuất hiện trước và tiếp tục dệt nên toàn bộ hình ảnh ấy trong suốt hơn 120 phút của phim.

Thiết kế khung cảnh hành tinh Sakaar có thể nói là cực kỳ mãn nhãn, hiệu ứng đầy màu sắc và ‘lan tỏa’ thị giác, cộng với phần trang phục của The Grandmaster chắc chắn sẽ khiến cho người xem không thể rời mắt. Nếu ở Thor và Thor: The Dark World, hai cõi Asgard và Midgard (Trung Địa) không được khai thác yếu tố hình ảnh nhiều, thì trong phần này cõi Sakaar đặc biệt được chú trọng phát triển nhiều hơn nhờ khâu thiết kế và kỹ xảo.

Những gam màu sáng của Sakaar được đưa vào dựa trên cảm hứng của Jack Kirby có thể nói là ‘tận cùng của cảm xúc’, không những thế, chúng còn được phối hợp nhịp nhàng với âm nhạc và phong cách cổ điển những năm 80 nữa.

Tất cả những yếu tố đó đã mang đến một Thor: Ragnarok một sự khác biệt rõ nét về cảm xúc, so với khi xem các phim khác của Marvel, nó như một bộ phim Thor hoàn toàn khác vậy.

Việc mời được nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar - Kate Blanchett là một lợi thế tuyệt vời của Thor: Ragnarok. Tuy nhiên vai phản diện của Kate vẫn đi theo lối mòn thường thấy ở các vai phản diện khác từng xuất hiện trong các phim của Marvel. Thần Chết Hela không được khai thác có chiều sâu, nguyên nhân khiến ‘bà ta’ chiếm lấy Asgard cũng có phần ‘lỗi thời’ - trả thù và quyền lực, cộng thêm đội quân đầu lâu được đưa vào khá nhàm chán, mục đích là để dàn nhân vật chính diện thi nhau thể hiện ‘tài năng’ mà thôi.

Dù cho trận đánh cuối cùng được đánh giá là một cú 'twist' gây bất ngờ cho khán giả - nhờ vào sự xuất hiện của Surtur và Fenris Wolf - thì nó cũng không đủ để đưa phim ra khỏi lối mòn vốn có của các dòng phim Marvel.

Có thể nói các dòng phim của Marvel thường dành nhiều thời gian và không gian để đề cao các nhân vật anh hùng của nó, mà ngó lơ đi các vai phản diện trong phim và Thor: Ragnarok cũng y như vậy. Tuy nhiên, lần này Thor có sự phối hợp với bộ ba chiến binh: Hulk, Valkyrie, và người anh em - Vị thần lừa lọc, gian ác Loki, chính điều này đã tạo nên những tình tiết thú vị hơn cho phim.

Hemsworth Hiddleston, rõ ràng là hai chàng trai này có nhiều lợi thế để khắc họa nên những nét đặc trưng của các nhân vật Marvel - hai người đã đóng chung với nhau ít nhất 4 bộ phim - thì giờ quay trở lại hợp tác chung, hai anh em Thần này phối hợp cực kỳ ăn ý. Về phần của Hemsworth, anh ấy có nhiều cơ hội tỏa sáng hơn hai phần trước, anh trở nên điềm tĩnh và khôn ngoan, không còn một thần Sấm sét bốc đồng ngày nào.

Thor.

Vai Hulk của diễn viên Ruffalo phải nói là ‘phần thêm vào’ không thể chê vào đâu được trong thế giới Thor, ngoài ra một anh hùng mới toanh của MCU xuất hiện: Valkyrie của diễn viên Thompson trong phần này cũng là một điểm nhấn cần nhắc tới. Thompson đã mang đến rất nhiều cảm xúc cho nhân vật này, đạo diễn cũng xây dựng nhân vật này rất có chiều sâu chứ không phải ‘thêm vào cho vui’. Ngoài ra, việc xuất hiện của thần Odin (Hopkins) và Benedict Cumberbatch (Doctor Strange) cũng gợi nhớ nhiều kỷ niệm và thích thú cho khán giả.

Hulk.

Nhìn chung thì Thor: Ragnarok của Waititi đã gây nên tiếng vang lớn và thành công hơn hai người anh em tiền nhiệm của nó là Thor của Branagh và Thor: The Dark World của Taylor. Mặc dù vị đạo diễn tài ba này có một phong cách và ‘tone’ màu riêng, nhưng Ragnarok vẫn phù hợp với màu sắc MCU mà không gây ra sự thất vọng cho người hâm mộ. Điều này sẽ có tác động tích cực đến giá trị thương hiệu Marvel trị giá hàng triệu đô la, mang đến một làn gió mới khi mà trước khi Thor: Ragnarok ra mắt, Marvel đã công chiếu hàng loạt các phim (khoảng 16 bộ phim), và nếu các phim cứ na ná nhau như vậy sẽ khiến người mộ thật sự sẽ cảm thấy nhàm chán.

Nếu các bạn muốn tận hưởng một bộ phim vừa đậm chất Marvel, vừa hài hước và có lẽ là nó khác hẳn với phong cách làm phim thường thấy của dòng phim trong Vũ trụ điện ảnh Marvel thì hãy đi xem ngay nào.

Trailer phim Thor: Ragnarok.

Phim hiện đã ra mắt khán giả Việt tại các rạp trên toàn quốc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Screenrant

Được quan tâm

Tin mới nhất