Khi con là nhà - tác phẩm điện ảnh do đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thực hiện - là bộ phim về tình cảm gia đình để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả, trở thành chọn lựa thích hợp cho người xem Việt những ngày cuối năm. Trên cái nền là làng quê Nam Bộ yên ả, thanh bình, phim kể về cuộc sống thăng trầm, đầy biến động của hai cha con Quang (Lương Mạnh Hải) - một ông bố đơn thân, “gà trống nuôi con” và Bi (bé Duy Anh) - cậu con trai mới lên sáu. Không chỉ tôn lên giá trị tình thương gia đình, Khi con là nhà mang nhiều giá trị nhân văn, cũng như bài học làm người.
Câu chuyện về người cha ham chơi, từ bỏ thú vui vì tình gia đình
Khi con là nhà xoay quanh Quang - nhân vật do nam diễn viên Lương Mạnh Hải thủ vai. Mất vợ, anh một thân một mình nuôi cậu con trai lên sáu. Với tạo hình có phần nhếch nhác, lúc nào cũng lấm lem bùn đất, Quang hiện lên với hình ảnh “gà trống nuôi con” lạc quan, trẻ trung. Tuy vậy, giống không ít đàn ông trong làng, anh sa đà vào những tệ nạn xã hội, thú vui như chọi gà, cờ bạc ăn tiền. Chẳng những bỏ bê công việc nhà và cậu con trai nhỏ bởi các cuộc vui thâu đêm suốt sáng, Quang còn nợ nần, phải chốn chui lủi khi chủ nợ tìm đến. Thậm chí, vì bài bạc, anh bị công an bắt, điều này đẩy hai cha con đến tình cảnh khốn cùng, không chốn nương thân.
Đồng hành với người cha ham mê cờ bạc là Bi - cậu con trai mới chỉ lên sáu tuổi. Cùng bố chạy trốn lệnh truy nã, em chịu nhiều khổ cực, thiệt thòi, rong ruổi từ làng quê nghèo lên nơi thành thị xa hoa, đội nắng mưa qua bao gầm cầu hay ngõ nhỏ chật hẹp,… Không những vậy, hai cha con gặp không ít biến cố, phải rời xa, lạc mất nhau. Tuy nhiên, đây cũng quá trình mà nhân vật Quang ăn năn, hối hận về hành động trong quá khứ, từ đó, anh nhận ra giá trị hạnh phúc gia đình và quyết tâm làm lại.
Chính vì thế, có thể nói, hành trình làm lại của người cha ham mê cờ bạc là bài học lớn, rõ ràng và trực tiếp nhất mà khán giả có thể tìm thấy ở Khi con là nhà. Ngoài ra, xuyên suốt bộ phim, người xem còn cảm động bởi những giá trị nhân văn khéo léo ẩn mình trong từng chi tiết nhỏ khác.
Dẫu nghèo khổ, khốn cùng, hãy “Đói cho sạch, rách cho thơm”!
Nếu cái giá quá đắt cho thú vui bài bạc khiến nhân vật Quang nhận ra giá trị của lao động chân chính, thì bé Bi cũng trưởng thành hơn sau khi cùng ba trải qua con đường khốn khổ. Vốn thông minh, lanh lợi, Bi là cậu bé nghịch ngợm, thậm chí, em từng bắt rắn để trêu chọc cô Liễu. Xa quê lên thành phố chạy trốn lệnh truy nã và kiếm kế mưu sinh, hai số phận khốn khổ không chốn đi về, không có cơm ăn. Sự khổ sở ấy khiến Bi dại dột lấy trộm tiền người khác. Đây là tình tiết đẩy cao tính bi kịch trong Khi con là nhà, khi đói nghèo buộc đứa trẻ thơ phải làm điều xấu.
Tuy nhiên, Khi còn là nhà phát triển mạch phim đầy tinh tế, bộc lộ rõ ý đồ tác giả khi thể hiện sự thay đổi, trưởng thành trong Bi. Trong một lần khác, bị bắt đi ăn trộm, em vừa bất đắc dĩ làm, vừa ăn năn, day dứt. Thậm chí, nhìn thấy nạn nhân, Bi không chạy trốn mà ngần ngừ định trả. Giống như con trai, nhân vật Quang cũng từng đem chiếc xe đạp “mượn tạm” trả về chỗ cũ khiến người bị trộm không khỏi bất ngờ. Các tình tiết nhỏ nhưng đầy ý nghĩa ấy đã khắc họa nhân cách tốt đẹp sâu thẳm bên trong những con người nghèo khổ, khốn cùng. Không ít ý kiến cho rằng các chi tiết nhỏ, tinh tế ở Khi con là nhà là điều làm người xem ấm lòng hơn cả.
Đâu chỉ tình cha con, “Khi con là nhà” là bộ phim thấm đẫm tình người!
Trên hành trình từ làng quê đến khu phố nghèo ở thành phố, cha con Quang gặp những phận đời nghèo khổ không kém, đó là người nông dân, lái thuyền, bán hàng rong, hay bà già ngủ gầm cầu, kẻ giả tàn tật để ăn xin, ăn cướp. Tất cả đều chung một địa vị xã hội, họ cũng bon chen, xô đẩy nhau tranh chỗ ngủ, miếng ăn, nhưng suy cho cùng, họ đều là nạn nhân của cái đói, cái nghèo. Chính vì thế, khán giả càng cảm động hơn khi những con người ấy quên đi cái khổ bản thân để nghĩ cho người khác.
Giúp đỡ cha con Quang, người đàn bà bán hàng rong với quán hàng nho nhỏ rộng lượng nhận họ vào phụ việc, hay cô gái ở cùng kẻ ăn xin giả tật nguyền - tưởng chừng cũng xấu xa, ích kỷ - lại vỗ về Bi và giúp em chạy trốn. Bên cạnh đó, dù không là họ hàng ruột thịt, cô Liễu luôn làm hết sức mình đưa hai cha con khỏi rắc rối. Cô từng vừa hớt hải tìm Bi vừa nức nở, phụ bố Quang tìm con trai, và chăm sóc em khi anh ở trong tù. Đây đều là tấm lòng bao dung, rộng lượng của những số phận thấp bé, nhỏ nhoi…
Đặc biệt, đối với những con người nhỏ bé ấy, hạnh phúc của họ đôi khi chỉ là miếng cơm, manh áo, chỗ nằm. Không có bất cứ thế lực to lớn, âm mưu đen tối hay sự bất công nào dồn họ vào đường cùng. Ngay cả người mà cha con Bi luôn tìm cách trốn chạy - công an - cũng xuất hiện với thái độ dịu dàng, tốt bụng, mà vẫn uy nghiêm, chỉ cần người cha ham mê cờ bạc thực lòng hối cải.
Trailer “Khi con là nhà”.
Chính vì thế, Khi con là nhà được đánh giá là một bộ phim đẹp, đẹp về phần nhìn, khi mỗi cảnh quay đều mang đậm hơi thở nghệ thuật. Và trên hết, tác phẩm còn đẹp bởi tình người thấm đẫm và giá trị nhân văn sâu sắc mà phim truyền tải. Đây mới là ý nghĩa đọng lại trong lòng người xem, khiến khán giả không kìm nước mắt.