Cách đây vài năm, phim kinh dị Việt Nam đã từng phải cực kỳ chật vật để sống sót. Các nhà làm phim chỉ dám rón rén làm tầm 1-2 phim một năm, nhưng cũng chẳng đâu vào đâu. Những khó khăn và bất cập trong khâu kiểm duyệt của Cục Điện ảnh và Bộ văn hóa khiến cho đa số phim kinh dị của Việt Nam trước đây đều rơi vào hoàn cảnh chung là nội dung trớt quớt, giải quyết vấn đề như trên trời hoặc quá loanh quanh khó hiểu như ú tim khán giả xong òa một cái, con ma đáng sợ trở thành kế hoạch âm mưu trả thù nào đó, rồi công an vào cuộc, phá giải và kẻ ác vào tù, nhàm và dễ dãi. Cứ mỗi lần có phim ma mới, thấy có PR truyền thông, khán giả tấp tểnh kéo nhau đến xem, xong lại hụt hẫng ra về. Phim kinh dị Việt thành ra cứ như lừa khán giả, phim vẫn đều đều ra rạp, mà khán giả vẫn khát phim như sa mạc khát nước.
Phim kinh dị là món ăn ưa thích của người Việt
Nếu muốn tìm hiểu tại sao khán giả Việt luôn ưa chuộng phim kinh dị, giật gân, chúng ta cần tìm đến những lý do mang tính tiềm thức của người Việt. Hầu hết người dân Việt Nam lớn lên từ ruộng đồng, làng xóm đều từng nghe những câu chuyện ma mãnh kỳ bí, hoang đường từ ông bà cha mẹ, đều từng tim đập chân run vì đêm tối nơi làng quê vắng vẻ.
Tín ngưỡng của người phương Đông luôn chảy trong dòng máu của họ là niềm tin về một thế giới bên kia đầy kỳ bí đáng sợ không thể nào lý giải nổi. Mà xét về góc độ khoa học, con người ta dù luôn tránh né và trốn chạy, nhưng cũng luôn muốn thấy những thứ mà mình sợ, càng sợ càng muốn xem, muốn tìm hiểu, muốn lý giải. Tò mò và khao khát khám phá vốn là thứ bản năng lâu đời nhất của con người.
Khi xem một bộ phim ma, khán giả đồng thời được trải qua hai cảm giác, sợ hãi và phấn khích, vào khoảnh khắc mà nỗi sợ hãi xâm chiếm lấy cơ thể, thì sự phấn khích cũng theo đó mà tăng lên. Sau những khoảnh khắc sợ hãi tột cùng, khán giả sẽ được giải tỏa stress một cách đáng kể. Có lẽ bởi tính chất kinh dị là nỗi sợ hãi muốn được đẩy lên cao nhất là phải có “đồng bọn”, phải có chất lượng âm thanh lẫn hình ảnh hoàn hảo nhất mới thẩm hết được cái hay, cái kinh hoàng của phim, nên theo những nhân vật chủ chốt đang làm trong ngành phát hành phim khẳng định, doanh thu cho dòng phim kinh dị ở Việt Nam luôn đứng đầu bảng, vượt hơn hầu hết tất cả các dòng ăn khách khác như hài hước, tình cảm hay hành động.
Tuy nhiên điều đáng buồn nhất là phần lớn doanh thu của dòng phim này đều chảy vào các bộ phim ngoại. Ngay cả khi có phim kinh dị Việt Nam ở đó, người ta vẫn chọn xem phim ngoại để “đảm bảo an toàn”.
Nhà làm phim Việt chưa thỏa lòng người yêu thích phim kinh dị
Tuy nhiên một vài năm trở về đây, làng điện ảnh Việt Nam dần có nhiều khởi sắc, các nhà làm phim đều tay hơn, nhân sự chuyên nghiệp hơn, người xem cũng dễ dàng bỏ tiền túi ra ủng hộ phim Việt hơn, dòng phim kinh dị cũng như được thổi thêm luồng sinh khí mới. Làm phim kinh dị ngày nay vẫn khó, nhưng đã dễ thở hơn nhiều so với vài năm trước. Nếu như trước đây, khâu kiểm duyệt của Cục Điện ảnh chặt chẽ đến mức ngặt nghèo, thì giờ đây, cùng với những luồng gió tư tưởng mới, các cán bộ ngành văn hóa cũng đã dần nới lỏng tay. Dù vẫn còn nhiều hạn chế, nhưng ít nhất, phim ma được là đúng nghĩa phim ma chứ không cần phải “né luật” bằng âm mưu tội ác nào cả.
Người ta thường hay chê, Việt Nam đi chậm so với thế giới về khoa học kỹ thuật, kỹ xảo làm chán quá nên phim kinh dị Việt Nam thường dở, không so sánh được với phim ma Mỹ, Nhật. Nhưng khi đem ra đối chiếu, so sánh, thì điểm chung của những phim ma Việt đạt được thành công không hẳn nằm ở kỹ xảo, hay mức đầu tư cao, mà đều nằm ở những bộ phim có đủ kịch tính, có cốt truyện chặt chẽ.
Người Việt làm phim kinh dị Việt, không cần phải sợ cái bóng của phim ma Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Vì phim nước ngoài hay thì có hay, nhưng người Việt Nam vãn thích bị hù dọa trong những bối cảnh quen thuộc của quê hương như căn chung cư cũ giống xưa kia mình thường ở, làng quê nghèo nơi bố mẹ mình sinh ra, hay đơn giản là một nét tâm linh nào đó rất Việt Nam như căn miếu đầu làng, bàn thờ nơi góc nhà. Bởi phàm là thứ càng gần gũi, càng quen thuộc, thì nỗi sợ càng hiện thực hóa hơn, càng gây ám ảnh hơn. Người Việt Nam làm phim ma cho thuần Việt Nam cũng đã được lòng khán giả, phim có đủ chất lượng, đủ chiều sâu, cũng như đủ sự hấp dẫn, nhất định người xem vẫn sẵn sàng ủng hộ.
Sản xuất phim kinh dị: Không phải khe cửa hẹp
Thành công lớn nhất của dòng phim kinh dị phải kể đến Quả tim máu (2014) của ông hoàng phòng vé Thái Hòa với 85 tỷ đồng doanh thu đã cho thấy rằng, dù phim ngoại có hay, có hấp dẫn, có chuyên nghiệp thì chỗ đứng của phim kinh dị Việt vẫn còn đó. Ngay sau Quả tim máu, năm 2015 cũng đánh dấu mốc son với phim Đoạt hồn của đạo diễn Việt Kiều Hàm Trần khi đạt 12 tỷ chỉ trong 4 ngày công chiếu đầu tiên. Tuy chưa vượt qua được cái bóng quá lớn của Quả tim máu, nhưng đây cũng là một tín hiệu khởi sắc cho các nhà làm phim tự tin hơn khi bước vào cuộc chơi khốc liệt này.
Gần đây hơn nữa, lần đầu tiên, một bộ phim kinh dị đã được lên sóng truyền hình: Biệt thự trắng của đạo diễn Bùi Ngọc Nam Phương của hãng phim Sao Phương Nam. Đài Truyền hình Vĩnh Long đã mạnh dạn đi tiên phong khi cho phép một bộ phim kinh dị đúng nghĩa chiếm sóng giờ vàng. Bộ phim với sự tham gia của Quý Bình (từng đóng Quả tim máu) và Anh Thư (từng đóng Mười) đã cho thấy hãng phim Phương Nam rất cẩn trọng trong khâu sản xuất để đảm bảo tính hút khách của phim. Biệt thự trắng đạt được thành công và thu hút được một lượng lớn người xem truyền hình bật TV lên hồi hộp theo dõi từng tập, rating của phim đạt mức cao và vượt xa các phim khác cùng chiếu trong khung giờ.
Sóng truyền hình trở thành cửa đi mới cho dòng phim kinh dị. Như Biệt thự trắng không thể so sánh về sự đầu tư so với nhiều phim điện ảnh từng ra mắt, nhưng với đặc tính là phim truyền hình thường dàn trải, nhiều đất diễn, khán giả cũng dễ tính hơn, nên Biệt thự trắng dù chưa tròn vị vẫn gặt hái được thành công khi vẫy vùng trong dòng sông nhỏ chứ không cần phải đổ ra biển lớn khắc nghiệt.
Ngoài màn ảnh rộng và truyền hình, những nhóm làm phim độc lập cũng liên tục ra mắt trên các trang video online những bộ phim ngắn kinh dị và được người xem ủng hộ nhiệt liệt. Bộ phim Câu chuyện học sinh - Cuộc đời của Jack: Quái vật của nhóm làm phim của JackCarryOn hay chuỗi phim kinh dị của nhóm DamTV đều nhận được sự chú ý, dù phim chưa được đầu tư nhiều nhưng ý tưởng mới lạ của những người trẻ thực sự đã gây được ấn tượng cho người xem. Tại Trung Quốc hay Hàn Quốc, những nhóm làm phim độc lập với các bộ phim trình chiếu miễn phí trên mạng (webdrama) vẫn có khả năng gây được tiếng vang và có doanh thu không thua kém gì phim chính thống trên rạp hay truyền hình. Đây cũng là một hướng đi mà các nhà làm phim nên quan tâm.
Phim của nhóm làm phim độc lập cũng vẫn rất thú vị, thu hút sự chú ý của người xem.
Kết
Phim kinh dị xuất hiện nhiều hơn, mới thấy, hóa ra người xem chưa bao giờ quay lưng với phim kinh dị Việt.. Làm phim kinh dị là đã đảm bảo có được sự chú ý của công chúng, việc còn chỉ là phải làm sao cho tốt, cho tròn vị, cho vừa miệng khán giả, nhất định sẽ hái được quả ngọt thành công. Vì thế các nhà làm phim Việt phải chịu khó đầu tư ở kịch bản với những thủ pháp mới, nhiều kiểu bất ngờ khác nhau, đừng quá dễ đoán, quen thuộc và phải tìm tòi dữ dội, kể cả khâu hóa trang, âm thanh, ánh sáng cho phim… thì mới thỏa mãn được trình độ thưởng thức ngày càng cao của khán giả VN