Gần bảy mươi năm trước, vào năm 1951, tác giả truyện tranh Bill Finger - cũng chính là cha đẻ của nhân vật phản diện Joker đã hé lộ nguồn gốc của hắn cho độc giả. Theo đó, gã hề với tiếng cười rợn người, kẻ thù không đội trời chung của người hùng Batman đã hóa điên sau khi rơi xuống một bể hóa chất độc hại. Thứ hóa chất này khiến da hắn trắng hếu, tóc xanh lè, hai khóe miệng xếch lên vĩnh viễn, và cái đầu gã thì tràn đầy những suy nghĩ điên rồi không ai lường nổi.
Thế nhưng, trong bộ phim Joker - tác phẩm điện ảnh mới nhất về trùm ác nhân này, câu chuyện của gã hề tàn độc lại bắt đầu nặng nề hơn nhiều, mà cũng… thực tế hơn nhiều. Hóa ra, Joker chẳng cần thứ hóa chất độc hại nào để khiến hắn phát điên. Chỉ cần một tuổi thơ sóng gió, một căn bệnh tâm lý khó cảm thông, cùng bối cảnh thành phố ngày càng suy đồi do phân biệt giàu nghèo đã đủ để tha hoá tâm hồn một con người. Đó là những điều hoàn toàn có thật và hiện diện ở rất nhiều nơi trên thế giới, và con người yếu đuối Arthur Fleck đã vì chúng tác động mà phạm tội, và cứ thế trở thành biểu tượng cho sự điên loạn không hồi kết.
Trong phim, nhân vật Arthur Fleck (Joaquin Phoenix thủ vai) là một người đàn ông nghèo khổ, phải hóa trang thành hề để làm những công việc rẻ mạt nhất. Chẳng có ai tôn trọng hắn, thậm chí những đứa trẻ nghèo trên đường phố cũng ngang nhiên bắt nạt hắn. Chính Arthur về sau cũng thừa nhận, hắn có chết đi thì cũng chẳng có kẻ nào đếm xỉa hay ngó ngàng đến hắn.
Bất hạnh hơn nữa, Arthur đã sớm mắc phải một căn bệnh tâm lý (mental illness) khiến hắn bật cười sặc sụa, không thể kiểm soát mỗi khi bị lo sợ hay căng thẳng. Chính triệu chứng này đã nhiều lần khiến Arthur rước họa vào thân, vì những kẻ giận dữ với hắn, lại nhầm tưởng hắn đang chế giễu mình. Dù Arthur luôn đem theo người một tờ giấy ghi chú sẵn về bệnh tình của mình kèm lời xin lỗi, để sẵn sàng chìa ra cho những người bị ảnh hưởng. Vậy nhưng dù đã biết về tình trạng ấy, những người xung quanh vẫn không thông cảm thêm chút nào với hắn, ngược lại họ càng bài xích, cho rằng hắn là kẻ lập dị đầy bệnh hoạn.
Không chỉ có vậy, căn bệnh cười của Arthur còn nặng nề thêm bởi sự thờ ơ của những người gần hắn. Người mẹ ruột thịt duy nhất, nhân vật mà Arthur luôn hết lòng chăm sóc bất chấp khó khăn, hóa ra lại là người gây ra căn bệnh tâm lý đó cho hắn khi còn nhỏ. Vị tư vấn tâm lý thường gặp và kê thuốc cho hắn mỗi tuần, thực chất chẳng quan tâm gì tới hắn, chỉ hỏi qua loa lấy lệ. Cuối cùng, thần tượng của Arthur - người dẫn chương trình truyền hình Murray Franklin không chỉ khiến hắn vỡ mộng, mà còn thản nhiên đem hắn làm trò cười trên chương trình phát sóng quốc gia của mình.
Bệnh tâm lý là một vấn đề có thật, và mãi tới những năm gần đây mới thực sự được đem ra bàn luận rộng rãi nhờ sự trỗi dậy của mạng xã hội ở giới trẻ. Trước đó, những hội chứng như trầm cảm, tự kỉ… cũng bị ngó lơ và xem thường như chính bối cảnh trong Joker vậy. Chuyện một người bình thường đột nhiên phát khùng, điên loạn và tàn ác vào thời điểm ấy xem chừng cũng rất vô lý, khiến tác giả ban đầu của Joker phải chế ra tình tiết “bể hóa chất” để hợp thức hóa nó.
Joker không chỉ là một bộ phim về bi kịch của một con người, nó còn là sự phản ánh về một tình trạng có thực trong xã hội, mà những người mắc bệnh tâm lý đang ngày ngày trải qua. Những dòng nguệch ngoạc mà Arthur Fleck viết trong nhật ký: “Điều tệ nhất của việc mắc bệnh tâm lý, là mọi người luôn muốn bạn cư xử như thể bạn không bị bệnh” đã nói lên tiếng lòng của họ. Joker nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới chuyên môn, thậm chí đoạt giải Sư Tử Vàng danh giá của Liên Hoan Phim Venice có lẽ cùng nhờ thông điệp hết sức thức thời này. Nếu vấn đề nóng bỏng như vậy bị thờ ơ, bị vùi lấp và coi thường, ắt rồi sẽ có ngày bi kịch xảy ra, như bi kịch của người đàn ông Arthur Fleck, tức trùm ác nhân Joker vậy.