Những ngày đầu ma vương Lệ Tu xuất hiện khá mờ ảo, khán giả chỉ kịp thấy ma vương là một ông già, vì trục xuất tâm ma mà vô tình đưa tâm ma vào người con trai mình. Sau đó đành lòng phong ấn con trai mình trên Phong Ma Sơn.
Phải đến những tập gần cuối ma vương Lệ Tu mới đường đường chính chính xuất hiện trở lại, nhưng nhiều khán giả đã tinh ý nhận ra trong suốt cả chặng đường Lộ Chiêu Diêu lang thang ở Thê Chỉ Địa, có một ông già biết tất cả mọi thứ trên đời và người đó chính là ma vương Lệ Tu sau khi chết.
Nhìn ma vương Lệ Tu và tiểu ma vương Lệ Trần Lan, chắc chắn khán giả sẽ nhận ra có khá nhiều điểm tương đồng để chứng minh hai người đích thực là cha con.
Đầu tiên là nhan sắc. Trong khi Lệ Trần Lan ngời ngời soái khí thì ma vương Lệ Tu lại có vẻ hơi lép vế vì bản thân là một ông lão già nua, không như trong nguyên tác truyện Lệ Tu là một ma vương đẹp trai, phóng khoáng. Tuy nhiên, dựa vào logic cải biên thì điều này khá hợp lý vì lên phim Lệ Trần Lan không phải là tâm ma của ma vương mà là con trai của ma vương nên Lệ Trần Lan đang đúng độ thanh niên trai tráng thì cha Lệ Trần Lan già là đúng rồi.
Nhưng nếu bỏ qua độ tuổi, khán giả có thấy Lệ Trần Lan và cha mình là ma vương Lệ Tu có điểm gì giống nhau về mặt nhan sắc? Hãy chú ý vào thân hình và khuôn mặt của hai người, có phải là béo là gen di truyền?
Lệ Trần Lan mặt mỡ tròn, thân hình vạm vỡ thì ma vương Lệ Tu tuy hơi lùn một tý nhưng mặt mũi và thân hình cũng đầy đặn không kém gì con trai mình. Chắc lúc còn sống cũng ăn được ngủ được.
Xét đến cử chỉ và hành động, đúng là nhìn sơ thì cũng thấy vài phần giống nhau. Bình thường khán giả vẫn thấy Lệ Trần Lan rất dịu dàng với tướng đi, dáng đứng không có vẻ gì là một đại ma đầu. Lệ Trần Lan bị thương được Cố Hàm Quang chữa trị thì ngồi chéo tay, e ấp như thiếu nữ. Lệ Trần Lan bị Lộ Chiêu Diêu say rượu làm liều cũng buông xuôi theo số phận. Sáng ra Lộ Chiêu Diêu tỉnh rượu, không nhớ gì thì Lệ Trần Lan cũng một mình ôm nỗi xót xa không dám nói lời nào.
Ánh mắt của Lệ Trần Lan dành cho Lộ Chiêu Diêu cũng đầy e ấp. Tỏ tình cũng ấp úng, đến khi dắt nhau đi bái đường cũng không dám mở to mắt nhìn Lộ Chiêu Diêu.
Rõ ràng là Lộ Chiêu Diêu đang ngồi tựa vào vai Lệ Trần Lan, nhưng hãy nhìn xem, kìa cái tay, là tay Lộ Chiêu Diêu nắm tay Lệ Trần Lan. Chỉ một chi tiết nhỏ thôi nhưng cũng đủ thấy, từ đầu đến cuối Lệ Trần Lan rõ ràng là vẫn ở kèo dưới.
Còn cha Lệ Trần Lan, hãy nhìn tướng ngồi của một vị ma vương lừng lẫy một thời, dù không biết bối cảnh lúc đó ra sao, tình huống lúc đó như thế nào, nhưng nhìn ma vương Lệ Tu ngồi, nằm hay ngã tựa bậc thang dịu dàng như thế này thì khán giả có thể chắc chắn những nhỏ nhẹ, khép nép mà Lệ Trần Lan có đều là được thừa hưởng từ cha mình.
Đã bao giờ khán giả tự hỏi liệu khi xưa ma vương Lệ Tu và vợ ông ai là người kèo trên, ai là người kèo dưới? Liệu có giống như Lệ Trần Lan và Lộ Chiêu Diêu bây giờ?
Ngoài hình dáng cử chỉ, thì có lẽ tính cách mới là điểm giống nhau nhất giữa ma vương Lệ Tu và Lệ Trần Lan.
Lệ Trần Lan tuy trong người có tâm ma nhưng lại luôn cố gắng kìm hãm, khống chế tâm ma không được bộc phát. Lệ Trần Lan không chỉ đối tốt với một mình Lộ Chiêu Diêu mà còn có lòng từ bi, yêu thương tất cả võ lâm giang hồ.
Vốn dĩ trước đây Vạn Lục Môn là nơi tung hoành của Lộ Chiêu Diêu, đúng nghĩa là nơi tu ma. Lộ Chiêu Diêu tuy không phải là lạm sát người vô tội nhưng cũng là khá phóng khoáng trong việc giết người, đốt nhà. Làm việc dưới trướng Lộ Chiêu Diêu phải trung thành tuyệt đối, thưởng phạt phân minh, ân oán sòng phẳng. Làm đúng được cất nhắc, làm sai hoặc gây thù chuốc oán với Lộ Chiêu Diêu thì nắm chắc cái chết.
Nhưng sau khi Lộ Chiêu Diêu chết, Lệ Trần Lan lên nắm quyền môn chủ, Vạn Lục Môn gần như thay một luồng sinh khí mới. Vì tính cách nhân từ nên Lệ Trần Lan không hề sát phạt bất kỳ ai. Dưới chân núi Trần Tắc trước kia được Lộ Chiêu Diêu bày bố bao nhiêu cơ quan nguy hiểm nhưng Lệ Trần Lan cuối cùng lại phá hết, tạo ra một vùng đất đai canh tác nông nghiệp màu mỡ. Những người bị phạt nếu tội không quá đáng chết thì đều được đưa xuống chân núi làm nông. Cách làm của Lệ Trần Lan vừa tránh được giết chóc thù hận vừa tạo được nguồn nhân lực dồi dào tự sản xuất được lương thực, không cần đi cướp bóc của người khác.
Những việc tốt mà Lệ Trần Lan làm nhiều đến mức mà khi theo vợ xuống Thê Chỉ Địa, trong khi vợ vì ác quá mà nghèo không một xu dính túi thì Lệ Trần Lan lại là một đại gia giàu kếch xù, được các chủ tiệm bán đồ săn đón.
Còn về phần ma vương Lệ Tu, tuy không có nhiều thông tin về ma vương tốt hay xấu nhưng cũng có một vài chi tiết để khán giả suy luận ra tính cách thực sự của vị ma vương này.
Đầu tiên là việc tách tâm ma ra khỏi cơ thể. Đối với Lệ Tu lúc đầu việc thống nhất thiên hạ là quan trọng nhưng đến khi chịu sự khống chế của tâm ma, mất đi bản tính lương thiện sẵn có thì cuối cùng Lệ Tu đã chọn từ bỏ cơ hội xưng bá võ lâm để phong ấn tâm ma.
Nếu Lệ Tu thực sự là một ma vương ác bá thì việc gì phải loại bỏ tâm ma, người ma hợp nhất thì sức mạnh vô song nhất thống giang hồ. Rồi khi ma vương tách tâm ma nhưng lại vô tình đẩy tâm ma vào người con trai mình thì cũng vì đại nghĩa diệt thân phong ấn con trai mình để lỡ có không kiểm soát được thì cũng không làm hại tâm tính Lệ Trần Lan, không làm đồ sát chúng sinh. Bản thân Lệ Tu sau đó có đi tìm Lục Hợp Thiên Nhất Kiếm để loại bỏ tâm ma nhưng vô tình lại rơi vào Thê Chỉ Địa nên dần quên hết mọi chuyện.
Rồi khi ở Thê Chỉ Địa, nếu ma vương là một kẻ ác thì sẽ giống như Lộ Chiêu Diêu nghèo kiết xác chứ không thể ung dung an nhàn trở thành trưởng quỹ, ông chủ; trở thành người biết mọi thứ trên đời,được rất nhiều người kính trọng.
Nói chung dù có là ma vương, dù có tu luyện bí thuật, dù có muốn thống nhất giang hồ thì có một điều chắc chắn rằng Lệ Tu không phải là một kẻ độc ác. Dựa vào hiện tại bản thân Lệ Tu và con trai Lệ Trần Lan thể hiện thì khán giả có thể tin tưởng rằng, hai cha con ma vương đều hoàn toàn là những người tốt bị mang tiếng xấu.