Từ một bộ phim kinh phí thấp chỉ mong hòa vốn, bỗng may mắn vụt sáng trong sự mến yêu của khán giả toàn cầu cùng hàng loạt giải thưởng danh giá, La La Land lại đang đối mặt với cục diện éo le khi bị nhiều người chỉ trích chỉ là sản phẩm nổi nhờ trào lưu, một “rác phẩm” và khiến họ vô cùng hả hê sau màn trao giải hụt tại hạng mục Phim hay nhất.
Tuy có chút khác với các liên hoan phim Cannes, Berlin về cả tiêu chí chấm giải lẫn độ phổ biến với đại đa số khán giả, giải thưởng của viện Hàn Lâm Mỹ luôn làm tốt vai trò tôn vinh các bộ phim xuất sắc đã phát hành trong mỗi năm. Oscar lần thứ 89 này cũng không phải là một ngoại lệ. Năm nay, câu chuyện theo đuổi đam mê nghệ thuật giữa thành phố Los Angeles của hai nghệ sĩ mộng mơ trong La La Land, đã ghi tên mình vào lịch sử khi giành tới mười bốn đề cử gồm cả Phim hay nhất, Đạo diễn, Nam chính và Nữ chính xuất sắc nhất.
Với kinh phí ít ỏi so với các dự án chính kịch và bom tấn hiện thời, việc đầu tư cho một tác phẩm nhạc kịch khi thể loại này đã trượt khỏi giai đoạn hoàng kim thực sự là một bước đầu tư mạo hiểm. Nhưng đạo diễn Damien Chazelle lại dám làm điều đó. Không phải một bộ phim chuyển thể Broadway hay phim ca nhạc như Les Miserables, Into the Wood, Mama Mia… Suốt 6 năm ròng rã sản xuất và ghi hình, ông cùng đoàn phim làm sống dậy những ngày tháng huy hoàng khi Singin’ in the Rain làm mưa làm gió khắp các hang cùng ngõ hẻm. Và giống như một giấc mơ hoang đường nhất, La La Land đã trở thành một hiệu ứng toàn cầu. Phải 15 năm rồi kể Chicago mới có một bộ phim nhạc kịch gốc đúng nghĩa làm nên chuyện tại các rạp chiếu và các lễ trao giải nghệ thuật.
Doanh thu tăng gấp 5 lần, sự quan tâm bất ngờ của đại bộ phận khán giả như luồng sinh khí thắp lên hi vọng cho người yêu nhạc kịch thực sự. Tuy nhiên, “lạc cực sinh bi”, những gì thái quá đều đem lại cái kết không trọn vẹn. Từ đỉnh cao của sự yêu thương, La La Land bỗng phải hứng chịu hàng loạt búa rìu dư luận. Người ta liền quên đi rằng có thể danh tiếng của Ryan Gosling hay Emma Stone đã kéo khán giả ra rạp, nhưng chính sự tương tác tuyệt vời giữa hai nhân vật chính, những giai điệu jazz dặt dìu, những thước phim long-take đẹp như mơ và đặc biệt câu chuyện lựa chọn theo đuổi khát khao làm nghệ thuật ấy mới là điều chạm đến trái tim người xem rồi khiến họ quay lại rạp chiếu nhiều lần nữa. Như lời nhân vật Mia của Emma Stone từng nói: “People love what other people are passionate about” - “Mọi người yêu những gì người khác đam mê”.
Quả vậy, La La Land vốn không phải một câu chuyện tình, nhưng tình yêu lại là chính là biến số kéo hai người nghệ sĩ vô danh lại gần nhau, trở thành động lực một cách nào đó giúp họ chạm đến giấc mơ của mình. Phim nói về những con người mộng mơ nhưng không tô hồng thực tại. Dù Mia và Sebastine có “dại khờ” biết bao cũng phải đối mặt với vấn đề cơm áo, họ càng yêu nhau bao nhiêu lại càng không muốn trở thành gánh nặng, cản trở người thương theo đuổi đam mê cả đời. Phim kết thúc khi mối tình dang dở, cả hai đều đạt được ước mơ nhưng không thuộc về nhau.
Có người đặt ra câu hỏi, nếu như Seb và Mia chưa từng rời xa, liệu mọi chuyện có khác? Mia có thể vẫn trở thành một diễn viên nổi tiếng cùng một gia đình hạnh phúc với người mình yêu, nhưng Seb sẽ phải từ bỏ giấc mơ mở quán bar riêng nơi anh được thỏa sức chơi loại nhạc Jazz mà mình thích. Rất tiếc, không có “nếu như” nào cả. Họ chia xa trong lúc yêu nhau nhất, nhớ về nhau như cả một khoảng trời đầy sao một thuở dám cháy hết mình vì tình ái, đam mê. Ngọt ngào mà cay đắng, La La Land đã nhẹ nhàng len lỏi đến góc yếu đuối nhất trong lòng người xem như thế đấy.
Điều éo le rằng thậm chí sau khi đã càn quét hàng loạt những giải thưởng uy tín như Quả Cầu Vàng, BAFTA, SAG… La La Land vẫn bị cho là đã được đánh giá quá cao, khán giả đôi khi chỉ theo phong trào mà yêu thích, chứ câu chuyện tình yêu nhạt nhẽo trong phim xứng đáng được cổ xúy đến mức ấy. Đó cũng là lý do khi được xướng tên đề cử tới mười bốn hạng mục trong Oscar lần này, phim lại càng phải nhận nhiều chỉ trích hơn.
Nhẹ nhàng có, mạt sát thậm tệ cũng có, từ giới phê bình lão làng cho đến những ý kiến cá nhân, chưa lễ trao giải Oscar năm nào mà quan điểm lại chia thành hai thái cực gay gắt đến vậy. Có lẽ La La Land không đủ gay gắt, cực đoan, giàu tính hiện thực như các ứng viên cùng hạng mục, nhưng phim đẹp theo một cách rất riêng bằng thứ ánh sáng trong trẻo của một vì sao cô độc, mải miết cháy hết mình dù ngày mai có phải lụi tàn.
Nhưng không, người ta không quan tâm dàn diễn viên đã phải miệt mài tập luyện suốt bốn tháng ròng để quay một cú long-take dài lịch sử vừa hát, vừa nhảy và thu âm trực tiếp; người ta cũng chẳng quan tâm anh đạo diễn trẻ nhất lịch sử Oscar kia đã phải tính toán, chạy vạy xin nhà sản xuất từng đồng để thêm kinh phí quay một đại cảnh nhạc kịch với hàng trăm diễn viên ra sao. Với họ, một bộ phim tâm huyết và chỉn chu đến thế đọng lại chỉ là sự hào nhoáng, vô hồn, là thứ độc dược cổ súy nhân loại chạy theo thứ tình yêu và đam mê phù phiếm.
Hết trách móc một bộ phim nhạc kịch hát múa quá nhiều, người ta lại quay sang chê trách nữ chính vô tình khi mới chia tay người yêu “có 5 năm” đã đi lấy chồng mới. Thậm chí cho rằng cô ham giàu cưới đại gia làm bàn đạp tiến thân, dù chưa cần biết thành công của Mia đã phải trả giá bằng nửa thập kỷ lăn lộn nơi đất khách quê người sau khi liều lĩnh theo đuổi một dự án mông lung chưa có lấy một dòng kịch bản. Chính Seb cũng hiểu, sự do dự của anh đã đẩy Mia đi xa mãi, không phải là khoảng cách nửa vòng trái đất từ Los Angeles đến Paris mà là nhịp đập giữa hai con tim. Năm năm chẳng một lần liên lạc, đời người có biết bao nhiêu cái năm năm để tiếp tục đợi chờ?
Điều kỳ quặc nhất là giữa lúc cả thế giới sốc vì sự cố trao nhầm giải Phim hay nhất của Moonlight cho La La Land, cho rằng phong cách hành xử thiếu chuyên nghiệp từ ban tổ chức thật không công bằng cho cả hai đoàn làm phim, thì lại vẫn có những người hả hê trước sự thất bại “đã được đoán trước”. Còn phải bất công thế nào để một tác phẩm có tâm nhường ấy chỉ trong một đêm bị vùi dập và trở thành “tội đồ của lịch sử điện ảnh”? Phải chăng chê một bộ phim được quá nhiều người yêu thích, đi ngược với số đông sẽ làm mình trở nên sâu sắc và có phẩm vị hơn bình thường?
Ngược xuôi giữa những dòng tâm trạng phẫn nộ ấy, người ta mải mê tranh cãi mà quên mất, đã là phim thì mỗi người một cảm nhận, khó có thể áp đặt suy nghĩ của bản thân lên người khác. Việc có chì chiết hay hạ bệ một tác phẩm bao nhiêu cũng không thể phủ nhận được tâm huyết của đoàn làm phim hay giá trị của nó trong lòng người hâm mộ. Nếu mọi chuyện chỉ dừng ở vấn đề quan điểm hay dở thì không nói, nhưng phải chăng người ta đang có định kiến vô hình với La La Land chỉ vì nó đã trở thành một hiện tượng? Tự hỏi, nếu không thành công và được khán giả đón nhận đến thế, thậm chí lỗ vốn như các tác phẩm indie đương thời, liệu phim có phải nhận nhiều chỉ trích như hiện tại? Hay bỗng nhiên lại trở thành tâm điểm khóc thương vì “không phải ai cũng có đủ để cảm nhận được một tác phẩm nghệ thuật”?
Khoảnh khắc chấn động nhất lễ trao giải Oscar lần thứ 89.
Lễ trao giải Oscar lần thứ 89 kết thúc khi La La Land chiến thắng tại 6/14 hạng mục đề cử, trong đó có giải Nữ chính xuất sắc nhất (Emma Stone), Đạo diễn xuất sắc nhất (Damien Chazelle), Quay phim xuất sắc nhất (Linus Sandgren), Nhạc phim hay nhất, Bài hát trong phim hay nhất và Thiết kế sản xuất tốt nhất. Tuy lỗi hẹn với giải thưởng Phim hay nhất cùng kỳ vọng đạp đổ kỷ lục 11 tượng vàng mà Titanic (1997), Ben Hur (1959) và The Lord of the Rings: The Return of the King (2003) đã giành được, nhưng bộ phim đã được nhìn nhận xứng đáng bởi chính những giá trị và tâm huyết mình đem lại.