Nhiều nguồn thống kê trong làng drama Trung Quốc cho thấy, chỉ 40% lượng tác phẩm sản xuất mỗi năm là được phát sóng trên các kênh, đài truyền hình trên toàn quốc. Do đó, không khó hiểu tại sao nhiều bộ phim hay lại nằm “mọc rêu” trong kho rất lâu mà vẫn chẳng bên nào đoái hoài mua về chiếu. Ngay cả loạt chuyển thể ngôn tình - dòng phim hot nhất hiện tại - cũng không phải ngoại lệ. Dù sở hữu kịch bản tốt, diễn viên tên tuổi, thậm chí nhà sản xuất nổi tiếng song số phận phim vẫn ế dài dài. Dưới đây là vài trường hợp thuộc dạng lận đận, càng chờ càng… không thấy tăm hơi ở làng phim Hoa ngữ:
Gặp Gỡ Vương Lịch Xuyên
Trong danh sách các phim chuyển thể ngôn tình Trung Quốc, drama Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên hẳn là cái tên khiến các fan chờ mong và mừng hụt nhiều lần nhất. Khởi quay cuối năm 2012, tháng 2/2013 đóng máy nhưng phim chỉ vừa có tin đồn được đài truyền hình An Huy mua bản quyền phát sóng trong… tương lai không xa. Thế mà từng đó cũng đã đủ để người hâm mộ sướng rơn sau hơn 3 năm chờ đợi.
Được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết Chuyện cũ của Lịch Xuyên, nội dung phim kể lại chuyện tình lãng mạn và đầy trắc trở giữa cô sinh viên tỉnh lẻ Tạ Tiểu Thu với Vương Lịch Xuyên - chàng kiến trúc sư Hoa kiều đẹp trai tài giỏi bị mất một chân. Để tránh nguyên tác bị bóp méo, tác giả Huyền Ẩn đã quyết định tự tay chấp bút kịch bản cũng như góp mặt vào khâu casting. Có lẽ bởi vậy nên nam chính Cao Dĩ Tường được đánh giá là hệt như bước ra từ trang sách, trở thành tượng đài nam thần ngôn tình được khán giả mong ngóng nhất màn ảnh Hoa ngữ.
Tuy nhiên khi đưa ra thị trường, Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên không những ế mà lại còn là ế dài tập. Nguyên nhân cốt lõi xuất phát từ cái giá chào bán cao ngất ngưởng từ đơn vị chế tác. Do được đầu tư tương đối lớn (quay ngoại cảnh ở Thụy Sĩ) nên phí bản quyền phim không thể hạ thấp. Trong khi đó, dàn diễn viên chính của Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên chỉ thuộc dạng tầm tầm bậc trung, rất khó khiến nhà đài thu lời từ việc bán quảng cáo.
Chưa kể, công ty Điện ảnh Văn hóa Truyền thông Thác Nhạc Thượng Hải tuổi đời quá non trẻ (Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên chính là dự án đầu tay), không có quan hệ mấy với các đài truyền hình. Thành ra cuối cùng, bộ phim cứ chạy hết từ triển lãm này sang hội chợ phim truyền hình khác song vẫn chẳng thoát nổi kiếp… F.A.
Mới đây, Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên lại tiếp tục trở thành chủ đề nóng khi lọt vào tin đồn được đài Chiết Giang mua bản quyền cùng nhiều sản phẩm “tồn kho” khác. Song ngay sau đó, khi đại diện đài này công bố danh sách drama sẽ phát sóng năm 2016 ở hội nghị bán quảng cáo thì mọi người mới vỡ lẽ đó chỉ là tin vịt.
Cuối cùng, mọi ồn ào cũng chịu lắng xuống khi weibo của đài An Huy đăng ảnh phim Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên, các hot blogger cũng khẳng định thương vụ mua bản quyền phát sóng là có thực. Giờ đây, các fan có thể yên tâm chờ lịch chiếu và theo dõi phim trong năm tới.
Cô gái trên cây sakê
Nếu đọ kỷ lục nằm kho với Gặp gỡ Vương Lịch Xuyên, phải kể tới Cô gái trên cây sakê (tên tiếng Anh: Girl On The Bread Tree) - bộ phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Trương Tiểu Nhàn. Đây là dự án hợp tác của cặp trai tài gái sắc có tiếng trong làng phim Hoa ngữ: Huỳnh Tông Trạch - Đường Yên.
Song kể từ khi đóng máy tháng 2/2012, drama này lại chịu cảnh “đóng băng” dài kỳ. Mãi tới gần đây, bộ phim mới được đài truyền hình Thâm Quyến và trang Youku mua bản quyền, lên lịch phát sóng từ 1/12.
Nhân dịp trọng đại này, đại diện sản xuất drama Cô gái trên cây sa kê đã phát biểu như sau: “Chúng tôi rất xin lỗi khán giả vì đã bắt các bạn chờ lâu đến thế. Vì có một số rắc rối phát sinh trong khâu phát hành nên bộ phim mãi đến bây giờ mới hoàn thành xong mọi thủ tục”.
“Chúng tôi hy vọng khán giả sẽ dành cho Cô gái trên cây sa kê nhiều sự ủng hộ. Qua diễn xuất của Huỳnh Tông Trạch, Đường Yên, Trịnh Khải, một câu chuyện xúc động và ý nghĩa về tuổi trẻ sẽ được thể hiện trên màn ảnh nhỏ”.
Nhất niệm hướng bắc
Sau thành công của bộ phim đầu tay Thịnh hạ vãn tình thiên, Lưu Khải Uy liền nhanh chóng công bố dự án tiếp theo mà anh kiêm 2 vai trò sản xuất lẫn nam chính: Nhất niệm hướng bắc. Đây là drama chuyển thể từ tiểu thuyết Nhất Niệm Lộ Hướng Bắc của tác giả Cát Tường Dạ, kể lại câu chuyện ân oán tình thù giằng xé giữa chàng công tử thất thế Lộ Hướng Bắc và Đồng Nhất Niệm - con gái kẻ thù của gia đình anh.
Vào thời điểm phim mới khởi quay, nhiều người từng đánh giá đây sẽ là phiên bản nâng cấp của Thiên sơn mộ tuyết (bộ phim chuyển thể ngôn tình đã làm nên tên tuổi cho Lưu Khải Uy tại thị trường đại lục). Song sau khi đóng máy vào tháng 7/2013, hầu hết các đài truyền hình từ vệ tinh đến địa phương đều tỏ ý không mặn mà lắm với bộ phim. Phải tới gần đây, Nhất niệm hướng bắc mới được mua bản quyền và dự kiến phát sóng trên đài CCTV8 (đài truyền hình quốc gia) trong năm 2016.
Trường ca hành
Tương tự Lưu Khải Uy, Lâm Tâm Như cũng đầy quyết tâm tấn công làng phim Hoa ngữ với vai trò nhà sản xuất, sau thành công của drama đầu tay Khuynh thế hoàng phi. Tác phẩm tiếp theo mà cô đào lựa chọn là Trường ca hành - chuyển thể từ tiểu thuyết Tú lệ giang sơn của tác giả Lý Hâm.
Bộ phim kể về chặng đường gian nan trong hành trình khai quốc của Hoàng đế nước Đông Hán Lưu Tú (Viên Hoằng). Song song với đó là mối tình sâu sắc, cảm động của vị hoàng đế này với cô gái tài mạo song toàn Âm Lệ Hoa (Lâm Tâm Như).
Đóng máy từ 19/12/2013, ban đầu, Trường ca hành được xếp phát sóng vào cuối tháng 12/2014 trên kênh truyền hình An Huy. Tuy nhiên đến đầu tháng 12, phía đài An Huy bất ngờ công bố dời lịch phát phim lại để chừa khung giờ vàng cho Tân lộc đỉnh ký. Thời điểm ấn định phát sóng Tân lộc đỉnh ký là 20/12, trong khi đó, Trường ca hành vẫn chưa biết sẽ đi đâu về đâu.
Kể từ đấy, bộ phim coi như mất hút luôn trên màn ảnh nhỏ, thậm chí cả “bà bầu” Lâm Tâm Như cũng không xác định rõ số phận đứa con tinh thần của mình ra sao. Khi bị các fan chất vấn trên weibo về việc bao giờ Trường ca hành mới lên sóng, Tâm Như chỉ biết trả lời: Sẽ gắng sớm nhất có thể!
Gần đây, cũng có tin hé lộ kế hoạch phát sóng Trường ca hành trong tháng 11. Song cuối cùng, đài Giang Tô đã công bố kế hoạch phát sóng dự kiến phim vào khoảng tháng 6/2016.
Lan Lăng Vương phi
Theo sử sách Trung Hoa mô tả, “đệ nhất chiến thần Bắc Tề” Lan Lăng Vương/Cao Trường Cung vô cùng oai phong trên lưng ngựa nhưng lại sở hữu vẻ ngoài đẹp như hoa nổi tiếng. Cũng bởi điều đặc biệt này mà hình tượng của ông đã trở thành nguồn cảm hứng tạo nên không ít tác phẩm nghệ thuật. Trong số đó, drama Lan Lăng Vương phi được coi là sát với nguyên tác lịch sử nhất.
Lan Lăng Vương phi (tựa phim tiếng Anh: Princess of Lanling King) có kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Dương Thiên Tử (ở Việt Nam xuất bản với tên Lan Lăng Vương). Phim xoay quanh cuộc chiến giành gương Thanh Loan và viên châu Trấn Hồn nắm giữ bí mật nhất thống thiên hạ giữa các quốc gia thời Bắc triều. Đan xen với những trận chiến đẫm máu là mối tình tay ba giữa Nguyên Thanh Tỏa (Trương Hàm Vận) cùng hai chàng trai Vũ Văn Ung (Bành Quán Anh đóng) - Lan Lăng Vương (Trần Dịch đóng).
Ngoài sức hút đến từ cuốn tiểu thuyết gốc, hình tượng mỹ nam Lan Lăng Vương của Trần Dịch còn từng khiến khán giả phát sốt khi phim công bố những bức ảnh đầu tiên. Song có lẽ do dàn diễn viên quá mới, thuộc dạng ít tên tuổi nên phim khá khó bán bản quyền. Bởi thế dù đã hoàn thành từ 2013 song Lan Lăng Vương phi vẫn nằm dài trong kho hơn 2 năm qua.
Có lẽ cảm thấy hy vọng bán phim cho các đài truyền hình là bất khả thi, nhà sản xuất Lan Lăng Vương phi đã quyết định mời chào các trang video trực tuyến. Theo công bố mới nhất, tác phẩm này sẽ chính thức ra mắt đầu 2016 trên trang Ái Kỳ Nghệ - IQIYI.
Kỳ duyên trong gió
Nói đến sự lận đận do lùi lịch và hoãn chiếu thì có lẽ chưa tác phẩm nào “qua mặt” được Kỳ duyên trong gió (tên cũ là Đại mạc dao). Phim được bấm máy vào tháng 3/2012 và hoàn thành ngay trong năm, nhưng mãi đến tháng 9/2014 tác phẩm này mới chính thức lên sóng truyền hình. Nhà sản xuất Thái Nghệ Nông thừa nhận tại Liên hoan phim truyền hình Thượng Hải 2013 rằng: sở dĩ phim hoãn vô thời hạn ngày phát hành là do bị Tổng cục Phát thanh - Điện ảnh - Truyền hình Trung Quốc (SARFT) sờ gáy.
Đại mạc dao vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của “tiểu thiên hậu ngôn tình” Đồng Hoa, với sự góp mặt của dàn sao trẻ Lưu Thi Thi, Hồ Ca, Bành Vu Yến. Tác phẩm lấy bối cảnh thời Hán Vũ Đế và nhân vật nam chính Hoắc Khứ Bệnh cũng là nhân vật có thật. Thế nên khi đưa đi kiểm duyệt, phim liền dính trát “cấm chiếu” do vi phạm nghiêm trọng sự thật lịch sử.
Bên cạnh đó, một nguồn tin trên trang QQ còn nêu thêm: lý do không tôn trọng lịch sử chỉ là phụ, nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc công ty Đường Nhân vi phạm quy định sản xuất phim. Đại mạc dao chưa được cấp phép đã khởi quay. Việc này vốn không hiếm nhưng Đường Nhân lại mở họp báo rầm rộ phô trương thanh thế như vậy nên mới bị “dằn mặt”, quay xong từ lâu vẫn bị xếp xó.
Cuối cùng, để có thể lách luật, toàn bộ từ bối cảnh lẫn nhân vật trong phim đều phải thay tên đổi họ như: Ngọc Cẩn/ Kim Ngọc sau đổi tên thành Cẩn Du/Tân Nguyệt, Mạnh Tây Mạc/Cửu gia sau đổi tên thành Mạc Tuần, rồi Hoắc Khứ Bệnh phải đổi thành Vệ Vô Kỵ. Tên phim thì từ Đại mạc dao chuyển thành Tinh nguyệt truyền kỳ rồi chốt hạ là Kỳ duyên trong gió, khiến khán giả cũng bị xoay theo như chong chóng.