Phim Ảnh

'Hạnh phúc của mẹ': Lắng đọng cảm xúc bởi những thước phim tôn vinh tình mẫu tử thiêng liêng

Đinh Huyền
Chia sẻ

Trở lại màn ảnh rộng với "Hạnh phúc của mẹ" trên cương vị một đạo diễn, Huỳnh Đông bằng tài năng của mình đã khắc họa thành công chân dung người phụ nữ Việt Nam chịu thương, chịu khó thông qua câu chuyện xúc động về tình mẹ.

Được ấp ủ khoảng thời gian dài trước đó với cái “tên khai sinh” là Mẹ Tuệ, Hạnh phúc của mẹ trở thành dự án điện ảnh tiếp theo của đạo diễn Huỳnh Đông kể từ sau Oán - bộ phim đầu tay ra mắt năm 2017. Như một bước tiến mới trong sự nghiệp làm phim của mình, Huỳnh Đông thổi một làn gió mới vào nền điện ảnh Việt Nam thông qua câu chuyện có đề tài quen thuộc nhưng thông điệp mới lạ đầy tính nhân văn.

Xưa nay, tình mẫu tử luôn là nguồn cảm hứng bất tận để các đạo diễn tạo nên những thước phim có sức lay động và lấy đi nước mắt của khán giả khi đề cao nghĩa cử cao đẹp và đức tính hi sinh của người mẹ. Tuy nhiên, ở Hạnh phúc của mẹ lại có sự khác biệt, bởi bên cạnh tình thương vĩ đại ấy là những góc khuất trong xã hội lần đầu Huỳnh Đông kể.

Bộ phim là câu chuyện cảm động về mẹ Tuệ (Cát Phượng) - một người mẹ đơn thân mộc mạc, chân quê trong cuộc hành trình giúp cho đứa con mắc chứng bệnh tự kỷ bẩm sinh của mình hòa nhập với thế giới bên ngoài. Khác với những đứa trẻ bình thường khác, Tim (Huy Khang) từ khi sinh ra đã luôn là một đứa trẻ sống khép kín, những gì mà cậu bé thể hiện chỉ được khái quát trong một tiếng: “Tuệ”.

Song, trên chặng đường gian truân và đầy thử thách, người phụ nữ với ý chí kiên cường cùng quyết tâm mãnh liệt và tình yêu con vô bờ bến tên Tuệ ấy lại chưa một lần từ bỏ hi vọng. Bởi đối với cô, không điều gì có thể đổi lấy nụ cười và những phút giây được ở gần con. Vậy là, từ một người phụ nữ vùng biển bình dị với kỹ năng sư phạm để dạy một đứa trẻ tự kỷ gần như ở con số không, mẹ Tuệ bằng bản năng và trái tim ấm áp đã đưa đứa trẻ đặc biệt của mình ra ngoài ánh sáng.

Trong phim, nhân vật mẹ Tuệ do Cát Phượng thủ vai hiện lên qua hình ảnh một người phụ nữ trung niên với dáng dấp nhỏ bé, gương mặt khắc khổ ẩn hiện những vết chân chim, làn da sạm đi vì rám nắng. Cả cuộc đời mình, Tuệ chưa một lần ước thứ gì cho bản thân mà điều cô quan tâm nhất chỉ là cảm xúc của Tim. Không quản nắng mưa, làm đủ loại ngành nghề, ước muốn của người mẹ nghèo ấy có lẽ không đơn thuần là nuôi con ăn học như bao người, mà là đủ để mang đến cho đứa trẻ của cô ấy một nền giáo dục phù hợp. Nếu một người mẹ bình thường chăm con khổ một thì có lẽ với mẹ Tuệ, điều ấy khó khăn hơn gấp bội phần.

Tuy nhiên, số phận phải chăng đã quá nhẫn tâm với mẹ con họ khi để bé Tim mất đi điểm tựa cuối cùng. Việc Tuệ được chẩn đoán đã bước vào giai đoạn cuối của căn bệnh nan y như một tiếng sét cắt ngang sợi dây liên kết giữa cô và đứa con trai của mình. Ngỡ rằng sẽ chẳng còn điều gì có thể quật ngã được sự phi thường của người phụ nữ bản lĩnh ấy, nhưng chỉ đến khi đối diện với nỗi đau xa cách, ta mới thấy được vẻ yếu đuối đến xót xa trong ánh mắt cô.

Không thể phủ nhận một điều, để hóa thân thành nhân vật một cách hoàn hảo từ ngoại hình đến cả những nét nội tâm ẩn sâu bên trong tâm hồn ấy, Cát Phượng phải chăng đã cảm được tiếng lòng của Tuệ để cùng bắt nhịp cảm xúc. Từ việc lột tả chân thực nỗi đau của một người mẹ khi đối diện với định mệnh nghiệt ngã đến khóc không thành tiếng, hay cả thứ ngôn ngữ được Cát Phượng diễn tả qua ánh mắt nhằm thể hiện sự trìu mến đối với đứa con của mình, tất cả đều làm nên những chi tiết đắt giá lay động trái tim khán giả.

Bên cạnh những phân đoạn cảm động giữa hai mẹ con Tuệ - Tim còn có sự xuất hiện của Giang (Kiều Minh Tuấn) - người đàn ông đến bên Tuệ bằng cả tấm chân tình. Bất chấp hoàn cảnh và quá khứ của cô, bỏ ngoài tai mọi lời đồn đoán, Giang luôn âm thầm ở bên quan tâm, chăm sóc cho người phụ nữ mà anh hết mực yêu thương. Vào vai người đàn ông có tính cách bộc trực, đầy quả quyết khi dám đứng lên đấu tranh và kiên trì theo đuổi tình yêu của đời mình, nhân vật Giang chính là mẫu hình lý tưởng của sự thủy chung. Bởi trong thời đại mà con người ngày càng trở nên ích kỉ và hoài nghi như hiện nay, sự tin yêu một cách tuyệt đối và lòng khoan dung của anh đối với đứa con không cùng huyết thống là điều hiếm thấy.

Tuy nhiên, vì mặc cảm bản thân cùng những cái nhìn còn mang nặng định kiến mà Tuệ luôn âm thầm nấp sau cánh cửa, lặng lẽ buông xuôi mặc cho hai hàng mi còn đang nhòe đi trong nước mắt mà từ chối lời ước nguyện được cùng “kết tóc se duyên” của Giang. Hay cũng có thể vì tình yêu mẹ Tuệ dành cho Tim lớn đến nỗi khiến cô sẵn sàng hi sinh ngay cả những xúc cảm cá nhân thì sự nhất mực chung tình của Giang vẫn tạo nên một cảm giác đặc biệt đối với người phụ nữ đã qua một lần đò như Tuệ cũng như cái nhìn thiện cảm trong mắt khán giả.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là diễn xuất của Huy Khang khi vào vai một bé trai mắc hội chứng tự kỷ bẩm sinh. Tuy còn khá nhỏ tuổi trong khi nhân vật mà bé đảm nhận là Tim lại yêu cầu một nội tâm sâu sắc vì đa số các phân đoạn của bé đều được diễn tả phi ngôn ngữ và ít thoại. Song, ánh mắt tươi sáng cùng nét diễn tự nhiên của Huy Khang lại khiến khán giả bất giả ngờ bởi lối diễn xuất quá chân thực, gần như lột tả trọn vẹn tâm lý nhân vật.

Có thể nói, với nội dung tuy không mấy xa lạ nhưng Hạnh phúc của mẹ vẫn gây được ấn tượng trong lòng khán giả bởi bên cạnh diễn xuất của dàn diễn viên, việc sử dụng những ngôn ngữ điện ảnh từ âm thanh, ánh sáng cho đến bối cảnh đều góp một phần không nhỏ vào việc tạo nên cảm xúc cho bộ phim.

Phim chính thức được khởi chiếu ngày 08/03/2019 tại các rạp trên toàn quốc.

Chia sẻ

Bài viết

Đinh Huyền

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất