Phim Ảnh

‘Hai Phượng’: Vì con là lẽ sống duy nhất, nên mẹ sẽ hy sinh tất cả để cứu con

Vy Bùi
Chia sẻ

Ngoài kỹ xảo được đầu tư công phu cùng những pha hành động đẹp mắt, “Hai Phượng” còn chạm đến trái tim của khán giả nhờ câu chuyện xúc động về tình mẫu tử. Hình ảnh người mẹ, người phụ nữ Việt Nam chưa bao giờ mạnh mẽ trên màn ảnh rộng đến thế qua diễn xuất của Ngô Thanh Vân.

Đã rất lâu rồi, điện ảnh Việt chưa thể “chiêu đãi” khán giả nước nhà những thước phim hành động thật sự chỉn chu và chất lượng. Song hậu họp báo, người ta thường nhắc đến Hai Phượng như một bộ phim hành động mãn nhãn, chân thật. Bản thân nhà sản xuất - đồng thời cũng đảm nhận vai chính của bộ phim này - Ngô Thanh Vân đã chia sẻ nhiều chi tiết thú vị xoay quanh quá trình luyện tập võ thuật cho Hai Phượng. Vì thế, đôi khi khán giả lại quên dành lời ngợi khen cho một thông điệp nhân văn rất khác của tác phẩm, đó chính là tình mẫu tử. Không có khía cạnh này, có lẽ bộ phim sẽ chỉ dừng lại ở sự ấn tượng đơn thuần về mặt hình ảnh chứ không đi sâu vào lòng công chúng.

“Hai Phượng” không chỉ là một bộ phim hành động.

Hai Phượng (Ngô Thanh Vân) là con gái của một gia đình gia giáo. Ở lứa tuổi đôi mươi, một cô gái có nhan sắc, có cá tính như cô đã sớm đi theo tiếng gọi của mối tình bồng bột tuổi trẻ, sa chân vào thế giới ngầm và quay lưng với chính gia đình của mình. Cô cũng từng có một thời oanh liệt trong thế giới phức tạp ấy nhưng sự xuất hiện của bé Mai (Mai Cát Vi) đã thay đổi cuộc đời của cô mãi mãi. Rời xa Sài Gòn nhộn nhịp, Phượng tìm đến một vùng quê hẻo lánh nhưng yên bình hơn.

Phượng tìm đến vùng quê hẻo lánh và làm nghề đòi nợ thuê.

Với kỹ năng võ thuật vốn được rèn luyện từ nhỏ, Phượng kiếm sống bằng nghề đòi nợ thuê - cái nghề mà có lẽ đến đàn ông cũng chẳng kham nổi. Nhưng không sao… chỉ cần đủ tiền cho bé Mai ăn học, Phượng có thể chịu đựng được tất cả. Sự mắng nhiếc của chủ nợ và những ánh nhìn định kiến của xã hội cũng chẳng thể làm chùn chân người mẹ này. Nhưng đau đớn hơn cả là chính bé Mai cũng căm ghét công việc cô đang làm. “Con không muốn sống chung với đồ đòi nợ mướn” có lẽ là nhát dao đau đớn nhất mà Phượng từng nếm trải trong cuộc đời của mình.

Tuy là một người phụ nữ có bề ngoài mạnh mẽ, gai góc, nhưng Phượng cũng giấu riêng cho mình những phút giây yếu lòng. Mấy ai nhớ đến những cái xoa bóp vì đau đớn của Phượng? Mấy ai nhớ đến lần cô lén lút ngắm tấm ảnh gia đình hiếm hoi, cũ kỹ của mình? Trớ trêu thay, dường như sự bất hạnh, nghiệt ngã của cuộc đời vẫn chưa buông tha cho số phận của cô gái này.

Là một người phụ nữ mạnh mẽ nhưng Phượng không thể gồng mình mãi được.

Kể từ khi ra đời, bé Mai đã trở thành lẽ sống duy nhất, mạnh mẽ nhất của Hai Phượng. Vì vậy, mọi thứ như tối sầm trước mắt người phụ nữ này khi đứa con gái của mình bị bắt cóc bởi bọn buôn trẻ em. Một thân một mình trở lại Sài Gòn, cái nơi mà Phượng đã từng quyết tâm rời bỏ, cô phải đối mặt với muôn vàn khó khăn khi chẳng còn ai thân thích, đối mặt với sự quay lưng của đám đàn em lúc trước và cả sự sắp xếp lại trật tự của thế giới ngầm. Nhưng tình yêu con không thể làm cho người mẹ này chùn bước. Dù khó khăn cách mấy, dù có phải hy sinh cả tính mạng này, “mẹ…nhất định sẽ không bỏ cuộc”, để cứu được con.

Bé Mai - lẽ sống duy nhất của Hai Phượng.

Cuộc hành trình cứu con của Phượng chắc chắn không phải là một hành trình đơn độc khi có sự giúp sức của Lương (Phan Thanh Nhiên) - một cảnh sát có năng lực, đảm nhiệm điều tra đường dây bắt cóc trẻ em. Thế nhưng, ý chí và nỗ lực không ngừng nghỉ một giây phút nào của người phụ nữ này, chính là điều mà bản thân Phượng đã tự mình cố gắng đến “sức cùng lực kiệt”. Từng hành động, ánh mắt của Phượng trong hành trình này dường như sẽ ám ảnh khán giả mãi. Lo lắng nhưng chẳng thể run sợ, mệt mỏi nhưng chẳng thể nghỉ ngơi và từ đây, chí chí phi thường của một người làm mẹ sáng lên như một bức tranh đẹp giữa cái xô bồ, tăm tối. Diễn xuất nhập tâm, xuất thần của Ngô Thanh Vân đóng vai trò rất lớn trong sự thành công củ phim khi hầu hết các phân cảnh của Phượng trong phim đều đòi hỏi kĩ thuật diễn xuất và các pha hành động cường độ cao.

Diễn xuất nhập tâm của Ngô Thanh Vân chính là điểm sáng của bộ phim,

Có thể nói, chiếc áo bà ba tím đã gắn liền với nhân vật Hai Phượng trong suốt chiều dài bộ phim, kể cả những phân cảnh hành động. Sự lựa chọn trang phục này mang nhiều tầng ý nghĩa. Trong đó, nó đại diện cho trang phục tiêu biểu của người phụ nữ, người nông dân Việt Nam. Khi một chiếc áo đặc trưng như vậy xuất hiện nổi bật trong một tác phẩm hành động, điều đó nhấn mạnh rằng người phụ nữ Việt Nam không chỉ hiền dịu, nhẹ nhàng, mà cũng có những lúc mạnh mẽ, gan dạ để bảo vệ người mình yêu thương. Hai Phượng đã làm rất tốt của vai trò của một đại sứ phim Việt, mang tác phẩm nước nhà đến gần hơn với điện ảnh thế giới. Bộ phim sẽ được công chiếu tại một số bang tại Mỹ với tên gọi Furie.

Chiếc áo bà ba tím gắn liền với nhân vật Phượng.

Dù ở hoàn cảnh nào, khó khăn cách mấy, người mẹ cũng sẽ sẵn sàng đánh đổi tất cả để bảo vệ con của mình. Ngoài tình mẫu tử, bộ phim còn là lời cảnh tỉnh về sự tàn nhẫn của nạn bắt cóc trẻ em ở nước ta và cả trên toàn thế giới.

Hai Phượng chính là một trong những tác phẩm đáng xem nhất trong năm 2019 và sẽ được công chiếu toàn quốc vào ngày 22/02/2019.

Chia sẻ

Bài viết

Vy Bùi

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất